Bí thư Nguyễn Thiện Nhân: Không có trí tuệ nhân tạo sẽ không có TP thông minh
Khung cảnh buổi hội thảo. |
Tham dự hội thảo có Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong và nhiều nhà khoa học, lãnh đạo doanh nghiệp trong ngành công nghệ thông tin.
Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: “Đô thị thông minh mà không có trí tuệ nhân tạo thì không làm được”.
Theo ông Nhân, các đơn vị không thể đơn độc phát triển lĩnh vực này mà cần có sự phối hợp giữa những người nghiên cứu – đào tạo – chính quyền, trong đó chính quyền phải là nơi đặt hàng.
Người đứng đầu Thành ủy khẳng định, với quy mô 10 triệu dân và 300 ngàn doanh nghiệp, TP.HCM chính là cơ hội để các nhà đầu tư phát triển các dự án, là môi trường tốt để ứng dụng các thành quả của AI.
Lấy ví dụ về việc Singapore công bố chiến lược “Quốc gia thông minh” vào năm 2014 và chỉ ít năm sau đó TP.HCM đã bắt đầu triển khai ‘Thành phố thông minh”, ông Nhân cho rằng, nếu có quyết tâm thì thành phố sẽ không chậm lắm trong lĩnh vực AI.
Ông đề nghị thành phố lập ban xây dựng và điều hành chương trình hợp tác về nghiên cứu và ứng dụng AI với thành phần là các nhà khoa học và doanh nghiệp. Đây sẽ là nơi phát hiện các xu hướng để có kiến nghị kịp thời với chính quyền TP và đưa ra các giải pháp phát triển AI.
Ông Nguyễn Thiện nhân khẳng định, thành phố đủ nguồn lực và cam kết dành nguồn lực cần thiết cho lĩnh vực này. Thành phố sẽ báo cáo Chính phủ để xin cơ chế đặc thù, từ đó giải quyết nhanh các đề xuất, tránh tình trạng “lâu quá sẽ mất thời cơ”.
Trước đó, TS Nguyễn Hoàng Tú Anh (Hiệu trường ĐH CNTT TP.HCM) đề xuất, thành phố cần có kế hoạch dài hạn để phát triển AI chứ không chỉ gói gọn trong giai đoạn 2019-2025 bởi khoảng thời gian này quá ngắn nên không thể giải quyết vấn đề.
Trong khi TS Thoại Nam (Trường ĐHBK TP.HCM) nhìn nhận, trong lĩnh vực này thành phố đi sau nhiều quốc gia, lại “ít tiền” nên cần phải đi con đường khôn ngoan.
“Thành phố nên có chương trình và trở thành trung tâm AI. Đặc biệt là một cơ chế hợp tác, chia sẻ với doanh nghiệp và các trường đại học” – ông Nam nói, đồng thời cho biết “doanh nghiệp không thể chờ đợi một chương trình 5-10 năm vì như thế sẽ mất hết cơ hội.
Nhiều ý kiến thảo luận cũng cho rằng thành phố cần có chiến lược cụ thể để phát triển AI.
Cụ thể, dù thành phố không có nhiều tiền hay công nghệ để cạnh tranh với các thành phố lớn trên thế giới, nhưng bù lại, TP có nguồn nhân lực dồi dào, tố chất thông minh, nên cần cơ chế để thu hút các công ty nước ngoài và chọn ra mũi nhọn trong ngành công nghệ cao.