Bí thư Nguyễn Thiện Nhân: "Cán bộ phải thấy bức xúc khi người dân xếp hàng lâu"
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân |
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân ghi nhận những kết quả về công tác cải cách hành chính trong năm vừa qua.
Cụ thể, tại các quận huyện, sở ngành, hơn 90% số hồ sơ được giải quyết đúng hạn. gần 800 dịch vụ công đã đạt mức 3,4. Bước đầu ghi nhận được ý kiến của người dân về thái độ phục vụ của cơ quan công quyền với 88.000 lượt đánh giá.
Đặc biệt, việc không trao đổi văn bản bằng giấy đã giúp tiết kiệm 8 tỷ đồng tiền giấy in. “Trong năm 2019 dự báo sẽ tiết kiệm 9 tỷ” – ông Thiện Nhân lạc quan cho biết.
Tuy vậy ông cũng chỉ ra những điều chưa hài lòng trong công tác cải cách hành chính. “Trong khi quận huyện và sở ngành có tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn là 99,6% thì Văn phòng Ủy ban không công bố thời gian giải quyết hồ sơ” – ông Nhân nói.
Do vậy người đứng đầu Thành ủy TP.HCM đề nghị: “Văn phòng Ủy ban cũng phải được coi là đơn vị tham gia cải cách hành chính và phải công bố thời gian”.
Ông thừa nhận rằng khi bản thân còn làm Phó chủ tịch UBND TP từng “làm cái này không được” vì lãnh đạo thành phố thường xuyên có những lần đi công tác đột xuất nên không thể xác định thời gian ký văn bản, nhưng giờ là lúc phải thay đổi.
Ông đề nghị Văn phòng Ủy ban thống kê thời gian trung bình giải quyết hồ sơ và tới đây “phấn đấu thời gian xử lý không vượt qua số bình quân này”.
Sau khi trao đổi trực tiếp tại hội nghị, ông Nhân được biết quy định thời gian trả lời tin nhắn khi người dân báo của lãnh đạo phường tại huyện Nhà Bè là 4 tiếng, trong khi quận Bình Thạnh là 2 tiếng, còn quận 1 là 5 ngày.
Cho rằng điều này thể hiện “khả năng giải quyết rất khác nhau” nhưng ông Nguyễn Thiện Nhân đánh giá điều quan trọng là “có thời hạn để người dân biết, biết rằng khi tôi nhắn tin là sẽ được trả lời”.
“Đột phá trong cải cách hành chính phải chạm đến trái tim công chức, người dân” – ông Nhân nhấn mạnh và cho rằng "cán bộ, công chức phải thấy bức xúc khi người dân xếp hàng lâu" từ đó tìm ra cách giải quyết nhanh hơn.
“Khi đó sẽ có sáng kiến để dân bớt khổ. Cán bộ cần nhìn nhận rằng việc dân còn là trách nhiệm chính trị chưa hoàn thành, coi sự hài lòng của người dân là thước đo công việc, là cơ sở của thu nhập tăng thêm” – ông Nhân nhấn mạnh.
Theo báo cáo của UBND TP.HCM, dù tỷ lệ hồ sơ trễ hạn được kéo giảm (còn dưới 1%) nhưng do số lượng hồ sơ của thành phố tiếp nhận và giải quyết rất lớn, nên số lượng hồ sơ trễ hạn vẫn còn cao; điều này gây bức xúc cho người dân (năm 2017, số lượng hồ sơ tiếp nhận là 14 triệu, tỷ lệ đúng hạn là 99%, dù tỷ lệ trễ hạn chỉ là 1% nhưng vẫn tương ứng với 140 ngàn hồ sơ). Hồ sơ trễ hạn chủ yếu tập trung trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, lý lịch tư pháp…Trách nhiệm hồ sơ trễ hạn là do lãnh đạo phòng chưa kiểm tra triệt để, người đứng đầu cơ quan chưa kiên quyết xử lý và giải pháp giải quyết chưa triệt để. |