Bí thư Nguyễn Thiện Nhân "bật mí" cách để người dân “chấm điểm” cán bộ
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho biết việc đánh giá chỉ mất 15 giây. |
Chiều 2/7, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị sơ kết đánh giá kết quả triển khai thử nghiệm hệ thống đánh giá sự hài lòng của người dân trong việc giải quyết thủ tục hành chính tại một số đơn vị.
Báo cáo tại hội nghị, Văn phòng ủy ban TP cho biết, hệ thống đánh giá sự hài lòng của người dân trong việc giải quyết thủ tục hành chính đang được triển khai thí điểm tại 3 quận, huyện gồm quận 9, Tân Phú và Củ Chi cùng 9 phường xã, thị trấn: Hiệp Phú, Phú Hữu, Trường Thạnh (quận 9); Tân Sơn Nhì, Hòa Thạnh, Sơn Kỳ (quận Tân Phú); xã Tân Thông Hội, xã Tân Phú Trung, thị trấn Củ Chi (huyện Củ Chi).
Các thủ tục được triển khai gồm cấp giấy phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ; đăng ký cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh và đăng ký thuế (đối với quận, huyện) và đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; thủ tục đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú (đối với phường, xã, thị trấn).
Dù mới vận hành chính thức từ 21/6 nhưng hệ thống đã nhận được phản hồi tích cực từ người dân. Tại quận 9 đã có 84 lượt đánh giá hài lòng trong tổng số 94 hồ sơ tiếp nhận, ở Củ Chi con số này là 36/116.
Phó chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho biết, sau khi thí điểm, thành phố sẽ tổng kết và nhân rộng mô hình này vào cuối năm 2019.
Theo ông Tuyến, thời gian qua có nơi báo cáo tỷ lệ hài lòng của người dân rất cao nhưng con số này thiếu chính xác, bởi có thể chỉ 50-60% số người đến làm thủ tục thực hiện đánh giá.
Ông Tuyến cũng nhận định cần khuyến khích 100% người dân đánh giá, bởi với 14 triệu hồ sơ mỗi năm thì chỉ 1% không hài lòng đã tương ứng với 140.000 lượt.
Trong phát biểu tổng kết, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, sự hài lòng của người dân chính là thước đo với cán bộ. Ông yêu cầu thực hiện nhanh việc cải cách để người dân “vui hơn” khi đến các cơ quan hành chính.
Đánh giá về việc người dân “chấm điểm” cán bộ thời gian qua, ông Nhân cho rằng, dù đã làm nhiều năm nhưng “mỗi nơi làm khác nhau nên không tích hợp được”, dù việc này thể hiện sự chủ động của cơ sở.
“Vừa qua Chính phủ đã công bố bộ khung Chính phủ điện tử, như vậy hệ thống đánh giá hài lòng phải đồng bộ với khung này”, ông Nhân nói.
Cũng theo ông Nhân, người dân thường ngại đánh giá, trong khi việc này chỉ mất khoảng 15 giây. Ông Nhân dẫn ra cách làm của huyện Hóc Môn khá hiệu quả, trong đó quy định chỉ được lấy hồ sơ khi thực hiện xong việc đánh giá.
“Như vậy người dân sẽ tự động đánh giá thôi. Khi đó chúng ta mới có thông tin cụ thể đến từng quầy phục vụ” – ông Nhân cho hay.