Bí thư HN: “Phải bỏ tiền chi việc nọ việc kia bức xúc lắm”
Bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang nghị chia sẻ tại buổi tiếp xúc cử tri quận Đống Đa sáng 28/6.
Đánh giá cao việc lấy phiếu tín nhiệm, ông Đào Văn Thu, phường Khâm Thiên cho rằng từ kết quả lấy phiếu sẽ góp phần nâng cao phẩm chất, tinh thần trách nhiệm và giúp việc chống tham nhũng, lãng phí đạt hiệu quả tốt hơn.
Cử tri phản ánh với ĐBQH sáng 28/6. Ảnh LD |
Cử tri cũng đánh giá cao hoạt động của đoàn ĐBQH TP Hà Nội trong việc giải quyết kiến nghị cử tri, đặc biệt với các sự việc được dư luận hết sức quan tâm trong thời gian qua như Đàn Xã Tắc, làng cổ Đường Lâm.
Đề cập đến vấn nạn giao thông, ông Thu cho rằng tình hình tai nạn giao thông trên cả nước và ở Hà Nội còn rất nghiêm trọng. Vấn nạn này không chỉ ảnh hưởng đến tính mạng mà còn ảnh hưởng lớn đến kinh tế đất nước. Việc giải quyết một số cầu vượt ở thủ đô đã mang lại hiệu quả, nhưng về lâu dài cần tuyên tuyền nâng cao ý thức cho người dân.
Cử tri cũng cho rằng tiết kiệm chống lãng phí là vấn đề cực kỳ quan trọng trong điều kiện kinh tế đất nước đang rất khó khăn. Không chỉ các cơ quan xí nghiệp, tổng công ty mà trong nhân dân cũng phải thực hành tiết kiệm.
Ngoài ra lễ hội đang quá nhiều, gây lãng phí lớn về thời gian và tiền bạc. Hay lĩnh vực đất đai với lượng dự án “treo” rất lớn. Cử tri đề nghị thành phố, Quốc hội cần xử lý triệt để mạnh mẽ, kiên quyết và nhanh hơn nữa.
Bí thư Phạm Quang Nghị: bỏ tiền chi việc nọ việc kia bức xúc lắm. Ảnh LD |
Tai buổi tiếp xúc cử tri này, cử tri còn phản ánh một số bất cập trong quản lý đất đai, cấp sổ đỏ, tình trạng tham nhũng ở địa phương còn diễn ra gây bức xúc cho người dân. Cử tri Nguyễn Kim Toàn, phường Cát Linh phản ánh theo tinh thần NQTW4 về chống tham nhũng nhưng lại có hiện tượng bảo kê, ngã giá trong cấp sổ đỏ…
Ghi nhận những ý kiến đóng góp của cử tri, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cho biết, lấy phiếu tín nhiệm là việc làm mới, lần đầu tiên thực hiện và trên thế giới chưa quốc gia nào làm.
“Tôi hiểu rằng sau khi nghe báo đài công khai số phiếu của từng người, mọi người thấy đánh giá như vậy là khách quan, xác đáng phản ánh đúng tình hình thực tiễn những người được lấy phiếu”.
Bên cạnh công tác nhân sự, Bí thư thành ủy còn cho biết, kỳ họp này Quốc hội còn bàn đến hai nội dung quan trọng: Luật đất đai và Hiến pháp sửa đổi. Hiến pháp được coi là “đạo luật gốc” của đất nước, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng không những về chính trị mà còn ý nghĩa trên mọi mặt.
Luật đất đai cũng vô cùng quan trọng, nhiều vấn đề cần phải tiếp tục tổng kết, nên tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội chưa thông qua như dự kiến. Cho rằng có một số người “không hài lòng lắm”, nhưng theo ông Nghị việc chưa thông qua chứng tỏ Quốc hội làm việc hết sức thận trọng, lắng nghe, cần có thời gian đánh giá kỹ hơn nữa những vấn đề quan trọng.
Bí thư Hà Nội chia sẻ với cử tri sáng 28/6. Ảnh LD |
Chia sẻ về thực trạng tai nạn giao thông, bí thư Hà Nội cho biết mặc dù số vụ tai nạn ở Hà Nội có giảm, nhưng cả nước thì chưa chuyển biến, còn nhiều vụ tai nạn rất nghiêm trọng. Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là do ý thức của người tham gia giao thông.
“Người tham gia giao thông ý thức chấp hành luật giao thông rất yếu kém. Ai đã từng ra nước ngoài sẽ thấy ý thức chấp hành giao thông không nước nào kém bằng nước ta. Ai có dịp sang Trung Quốc, hay Lào, Campuchia sẽ thấy ý thức chấp hành của họ tốt hơn rất nhiều. Ở chúng ta đèn giao thông bật lên bật xuống rồi vẫn có người vượt. Công an nhìn sang trái thì bên phải vượt…”.
Đối với thực trạng tiết kiệm và tham nhũng, Bí thư Thành ủy cho rằng không ai biết được mất mát do tham nhũng. “Nhiều người phải bỏ tiền chi việc nọ việc kia bức xúc lắm. Mình bị móc tiền, mà không có tiền thì nó không xong cho. Bực mình mà vẫn phải làm. Tham nhũng rất tinh vi, khó vạch ra được ai đưa cho ai? Họ bí mật đưa nhận thì ai biết được?”.
Xử lý tham nhũng khó nhưng bí thư cho rằng phát hiện và nhìn thấy thì rất rõ. Từ các dự án, những lô đất không triển khai, đến con đường chất lượng kém rất dễ nhận ra, ai cũng thấy, thấy rõ lắm.
Ông Phạm Quang Nghị cũng phản ánh thực trạng lãng phí trong tổ chức hội nghị, hội thảo, mít tinh lễ hội. “Trước mặt đại biểu nào cũng có chai nước, không uống mà cứ mở ra. Hội nghị hàng nghìn người ai cũng một cái nơ đeo trước ngực, lãng phí vài chục triệu mà chẳng để làm gì” – ông Nghị nói.