Bị “lừa” suốt 25 mùa bánh Trung thu, con trai quyết lên mạng “bóc phốt” mẹ
Chờ đúng 25 mùa bánh Trung thu, cũng là dịp kỷ niệm 30 năm ngày cưới của bố mẹ anh quyết định “bốc phốt” đấng sinh thành của mình. Câu chuyện của anh thực sự làm các bậc cha mẹ sửng sốt và cũng là cơ hội nhìn lại chính mình.
Câu chuyện của anh Trung Nguyễn nhận được nhiều lượt like. |
Chia sẻ trong một nhóm diễn đàn của thanh niên, anh Trung viết: Chả là hôm nay – kỷ niệm 30 năm ngày cưới của hai sếp lớn nhà tôi. Tiết mục kỷ niệm đã diễn ra tốt đẹp với đông đủ cả nhà. Và sau đây tôi xin bóc phốt cú lừa của mẹ suốt 25 mùa bánh trung thu của tôi.
Hồi học cấp 2 thì mẹ nói:
- Đỗ vào cấp 3 đi rồi làm gì thì làm.
Lên cấp 3 thì mẹ tôi lại nói:
- Tốt nghiệp cấp 3 và thi đỗ đại học đi, lúc đó muốn gì mẹ cũng cho, làm gì cũng được.
Vào đại học xong, mẹ lại bảo:
- Tập trung học đi, học xong làm gì thì làm, chơi gì thì chơi.
Và bây giờ, sau khi đi làm được vài năm thì:
- Còn sống chung thì tao còn quản, còn phải lo. Muốn tự do, lấy vợ đi xong tao mua nhà cho ở riêng, lúc đó muons làm gì thì làm, tao mặc kệ.
Sau khi nghe mẹ nói xong, tôi chỉ nhẹ nhàng đáp:
- Thế mẹ lừa con bao năm nay như vậy vẫn chưa đủ à???
Kết thúc câu chuyện của mình, anh Trung hỏi “cả nhà cho tôi hỏi trong đây có ai bị như tôi không? Nếu có xin giơ tay để tôi thấy tôi không cô đơn”.
Tình huống của chàng trai trẻ ngay lập tức nhận được hơn 1,4k người ấn nút like với hàng trăm lời bình luận. Nhiều tài khoản tỏ ra đồng cảnh khi cho rằng, “bạn không cô đơn đâu. Thậm chí có thể lập được cả team (đội) để ra ngồi cho kín cái sân vận động Mỹ Đình nữa cơ”, “25 đã là cái gì, 28 năm rồi đây”, “hứa thật nhiều, thất hứa cũng thật nhiều…”.
“Hồi cấp 2 bố tôi bảo lo học đi không được yêu đương. Năm cấp 3 bố tôi bảo lo học đi đỗ đại học đi đừng yêu đương sớm. Năm đại học bố tôi bảo học kiếm cái bằng còn xin việc đừng có yêu, đương vớ vẩn. Đến khi ra trường đi làm bố tôi giục là lấy chồng đi. Trời ơi, ở đâu ra người yêu nhanh vậy được chứ?” - một đọc giả khác đồng cảm.
Hoặc, “Hồi bé có tiền lì xì mẹ toàn bảo cho mẹ vay lớn mẹ trả, mà mấy chục mùa quýt đi qua mẹ vẫn coi mình là đứa trẻ chưa lớn”… Ngoài ra, nhiều ý kiến khác lại bày tỏ sự “ngưỡng mộ” khi anh Trung Nguyễn được mẹ “chăm lo, bảo bọc”: “Mẹ thương thế còn gì. Sướng nhất rồi”, “con dù lớn vẫn là con của mẹ. Suốt cuộc đời, tình mẹ mãi theo con”.
Có người lại dí dỏm “đóng vai bà mẹ” để nhắc nhờ: “Mày không thoát được đâu con trai”, “ Lấy vợ đẻ con ở riêng đi, răng có rụng thì mày vẫn là con tao, bao giờ tao chết thì mày muốn làm gì thì làm”… - những bình luận khiến chúng ta (cả cha mẹ và con cái) cùng nhìn lại chính mình.
Ở chiều ngược lại, nhiều ý kiến tỏ ra “ghen tỵ” với anh Trung Nguyễn và cho rằng “sướng mà không biết đường”. Bởi “tao không tin lời mẹ nói, tự tìm cho mình một lối đi. Nên bây giờ lông bông, công việc không ra gì, người yêu cũng không có”. Vì thế, nhiều người khuyên anh Trung Nguyễn “đôi khi tỉnh táo quá cũng rất mệt mỏi”.
Nhiều chia sẻ bày tỏ sự "đồng cảnh" với anh Trung Nguyễn. |
Các cụ đã dạy rồi “cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư”. Bố mẹ nào thì cũng yêu thương và lo cho các con vô điều kiện.
Đồng tình với ý kiến này, anh Trung Nguyễn cũng bày tỏ, thực ra viết là “bóc phốt” nhưng anh rất vui và hạnh phúc khi được bố mẹ luôn bên cạnh, chăm sóc và theo sát anh từ bé đến khi trưởng thành.
Quả thực, có đôi lúc (nhất là giai đoạn nổi loạn khi 16-17 tuổi) cũng muốn “bùng nổ”, muốn cãi lời mẹ vì cảm giác mẹ kèm như “kèm kem”, “áp đặt”… Nhưng sau này, khi ra trường, đi làm rồi mới thấy những điều mẹ nói, những lời mẹ dạy nó có ý nghĩa biết nhường nào.