"Bí kíp" trị tận gốc tật nói dối không "ngượng mồm" của trẻ
Bố mẹ "tiếp tay" cho trẻ nói dối... |
Chuyên gia tâm lý Phạm Hiền với thời gian hơn 16 năm làm tư vấn, dạy trẻ kỹ năng sống chia sẻ, chị từng gặp không ít những câu hỏi, những trăn trở của các bậc phụ huynh với tâm trạng lo lắng chỉ bởi “vì sao con tôi lại nói dối kinh khủng như vậy?”.
Và dường như băn khoăn này của phụ huynh ngày càng nhiều hơn, xu hướng “trẻ hóa” hiện tượng nói dối cũng được phổ biến hơn. Theo đó, có những bà mẹ không khỏi hoang mang khi cho biết “nó mới 4 tuổi đầu, nứt mắt mà nói dối thành thần".
Theo phụ huynh này: "Làm vỡ bát, đổ ngay sang tại mẹ. Đi vấp ngã đổ tại cái bàn…, hỏi cô giáo có giao bài không thì bao giờ cũng bảo không… Thậm chí nếu chẳng may con mắc lỗi, tôi không phát hiện ra thì con cũng lờ ngay mà không cần giải thích, trong trường hợp “bị phát hiện sẽ tìm cách đổ lỗi như trên".
Theo chuyên gia Phạm Hiền, nguyên nhân của tình trạng nói dối không "ngượng mồm" này ở trẻ là do… bố mẹ. Tại sao ư, chúng ta nên nhìn lại cách ứng xử của mình trong gia đình cũng như đối với bạn bè. Có nhiều cha mẹ vô tư nói dối ngay trước mặt con. Ví dụ bạn bố gọi điện rủ đi nhậu, dù đang ở nhà có mặt con ở đấy, nhưng qua điện thoại ông bố vẫn vô tư bảo "không ở nhà mất rồi, đang đi công tác".
"Những chi tiết này dù rất nhỏ thôi nhưng để trẻ biết thì vô hình dung chúng sẽ nghĩ bản thân mình cũng được quyền nói những câu như thế và sẽ đi vào tiềm thức của con rằng, nói dối cũng chẳng sao. Dần dà, chúng sẵn sàng bắt chước cha mẹ nói sang hướng khác vấn đề của chính chúng mà chúng muốn”, chuyên gia Phạm Hiền phân tích.
Cũng theo chuyên gia Phạm Hiền, ngoài sự bắt chước thì cách ứng xử của cha mẹ, gia đình trong tình huống mắc lỗi của trẻ cũng khiến trẻ hình thành thói quen nói dối.
Ví dụ, nếu trẻ chỉ cần làm vỡ cái cốc thôi, sự việc không có gì to tát nhưng cha mẹ cũng phải quát tháo, mắng mỏ, lấn lướt con. Thậm chí có phụ huynh không cần nghe các con giải thích đã đánh con, quát tháo, la mắng… chỉ với mong muốn cảnh cáo con lần sau không tái phạm. Tuy nhiên việc này lại vô hình chung phản giáo dục, khiến trẻ lần sau có phạm lỗi thì sẽ muốn đổ lỗi để không bị trừng phạt dẫn tới hiện tượng nói dối thành quen.
Đáng chú ý, ở những gia đình trẻ hiện nay, khi các con là anh, chị em chơi với nhau nhưng xảy ra hiện tượng "con yêu, con ghét" cũng khiến trẻ này sinh sự nói dối. Bởi các con bây giờ không hiền lành ngoan ngoãn như những đứa em của vài chục năm trước (thời của chúng ta, anh nói gì cũng nghe), thậm chí những đứa em bây giờ còn đành hanh hơn, ghê gớm hơn rất nhiều các anh chị của nó.
Tuy nhiên cha mẹ lại luôn áp tư duy “làm anh thì phải nhường em, làm anh thì không được phép có bất kỳ hành động hay lời nói nào mà khiến cho em phải khóc, phải buồn…Vì thế có thể trong cuộc chơi giữa hai anh em hoặc hai chị em thôi nhưng khi đứa em tranh giành đồ chơi hoặc nó đòi một cái gì đó có thể gào khóc thì cha mẹ sẵn sàng quay ra mắng chửi anh/chị của nó thậm chí đánh anh chị của nó hoặc bắt anh chị của nó phải thế này, phải thế kia…
“Đó chính là nguyên nhân hình thành nên cho con em mình sự sợ hãi rất lớn. Và khi nó (những đứa là anh, là chị) gây ra lỗi gì thì chắc chắn các con sẽ không dám nhận lỗi với cha mẹ, nó phải tìm cách nói bớt đi để cha mẹ không mắng chửi được chúng, không đánh được chúng”, chuyên gia Phạm Hiền phân tích.
Theo bà Phạm Hiền, với một tâm hồn non nớt, một tư duy con trẻ thì đối với chúng, các con không thể phân biệt được như nào là nói dối, chưa thể phân biệt được nói dối vô hại và nói dối có hại. Chúng chỉ muốn làm sao đấy để không bị bố mẹ mắng, làm sao đấy để không bị bố mẹ đánh. Và rồi trẻ sẽ tìm cách nào đấy để nó có thể đổ lỗi, để tránh những trận đòn roi, quát tháo và từ đó thói quen nói dối hình thành ở trẻ.
Từ những nguyên nhân này, chuyên gia Hiền đưa ra lời khuyên rằng, các bậc phụ huynh không tạo cơ hội cho con nói dối bằng cách thay đổi nhận thức và phương pháp dạy con. Ví dụ, thay các câu nói “Ai làm thế này?”, “con làm phải không?” cha mẹ nên dùng những câu “nào chúng ta cùng dọn?”, “theo con thì tại sao điều này xảy ra?", "con có cách nào để lần sau không như thế?".
Đặc biệt, cha mẹ không mắng hoặc phạt khi phát hiện con gây ra lỗi ngay mà nên phân tích cho con hiểu việc con đã sai và hãy rút kinh nghiệm lần sau, đồng thời hướng dẫn cho con thực hiện thao tác con vừa làm hỏng, đồng thời cách sửa chữa lỗi lầm.
“Cha mẹ hãy nhớ, đòn roi không làm con nên người mà chỉ làm tổn thương chúng mà thôi! Vì vậy, ứng xử khi con nói dối cũng là một kỹ năng rất cần thiết cho các bậc làm cha làm mẹ”, chuyên gia Phạm Hiền kết luận.