Bị Kiev bỏ rơi, dân miền đông Ukraine xích lại gần Nga
Theo tờ Wall Street Journal (WSJ), 10/11 nhà hàng ở miền đông Ukraine hiện cho phép khách hàng thanh toán bằng đồng rúp. Ngoài ra, trong danh sách thực đơn, bia do Nga sản xuất cũng đã thay thế vị trí bia của Ukraine.
Các chủ nhà hàng cho biết hành động này không hề mang động cơ chính trị mà xuất phát từ tình hình thực tế. Theo đó, hồi tháng Sáu, chính phủ Ukraine đã quyết định thắt chặt quyền kiểm soát các mặt hàng ra vào khu vực của phe ly khai.
Người dân xếp hành nhận bánh mỳ ở vùngDonetsk hồi đầu tháng Bảy. |
"Chúng tôi phải tìm cách để bươn chải cuộc sống. Chính phủ Ukraine đang bỏ rơi chúng tôi", ông Boris Bit-Gevorgizov (57 tuổi) chia sẻ.
Việc hàng hóa và đồng rúp của Nga tràn lan khắp thị trường miền đông càng làm sâu sắc thêm sự chia rẽ trong lãnh thổ Ukraine và đẩy viễn cảnh thiết lập nền hòa bình tại quốc gia này thêm phần mong manh.
Cuộc chiến tại miền đông Ukraine đã cướp đi sinh mạng của hơn 6.000 người. Dù đang thi hành thỏa thuận ngừng bắn Minsk 2, tình trạng giao tranh giữa quân chính phủ Kiev và phe ly khai vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Mục tiêu của Kiev là tiến tới hợp nhất hai khu vực ly khai Donetsk và Lugansk vào lãnh thổ Ukraine. Song, tiến trình đàm phán chính trị chỉ "dậm chân tại chỗ" khi mà chính quyền Kiev vẫn đang tranh cãi về việc mức độ tự trị trao cho các khu vực ly khai.
Trong khi đó, kể từ mùa thu năm ngoái, chính phủ Ukraine đã dần dần siết chặt hoạt động lưu thông tiền mặt, di chuyển và hàng hóa tới cũng như ra khỏi khu vực thuộc sự kiểm soát của phe ly khai. Theo Kiev, quyết định này là cần thiết để ngăn chặn các tay súng ly khai mở rộng hoạt động, buôn lậu vũ khí và sản xuất tiền giả.
Phát biểu trước Quốc hội Ukraine hồi tháng Sáu, Tổng thống Petro Poroshenko nhấn mạnh các mối quan hệ kinh tế toàn diện sẽ được khôi phục một khi chính phủ Kiev giành lại quyền kiểm soát khu vực giáp biên giới với Nga từ tay phe ly khai.
Còn theo giới chức Kiev, người dân Ukraine sinh sống ở những khu vực thuộc quyền kiểm soát của phe ly khai cần hiểu rằng tương lai của họ gắn liền với chính phủ Kiev chứ không phải dưới sự quản lý của chính quyền ly khai. Ngoài ra, người dân Ukraine có thể nhận lương hưu khi di chuyển sang khu vực do chính phủ kiểm soát. Kiev còn lên có kế hoạch lập các trung tâm hậu cần tại những chốt kiểm soát để bán thực phẩm, thuốc men cho người dân cũng như đặt các cây ATM rút tiền mặt.
Tuy nhiên, kế hoạch này còn quá xa vời đối với Kiev khi mà khu vực miền đông Ukraine đang dần thắt chặt quan hệ làm ăn với các đối tác Nga. Bởi hàng hóa của Nga như hoa quả, nước đóng chai và bia đang thống trị các cửa hàng buôn bán thực phẩm tại Donetsk.
Cuộc chiến tại miền đông Ukraine chưa có dấu hiệu chấm dứt. |
Giới chủ doanh nghiệp và quan chức ly khai cũng thừa nhận đồng rúp đang chiếm hơn một nửa hoạt động giao dịch thương mại. Hồi tháng Ba, lãnh đạo phe ly khai còn tuyên bố người dân sử dụng đồng đôla và đồng rúp là hoàn toàn hợp pháp bởi hàng loạt các ngân hành chính phủ ở miền đông đóng cửa khiến đồng hryvnia trở nên khan hiếm. Do đó, tại nhiều nhà hàng và trung tâm mua sắm, giá cả hàng hóa được niêm yết bằng cả đồng đôla và rúp.
Trên thực tế, một số doanh nghiệp lớn ở miền đông Ukraine đã chuyển ra khỏi khu vực do phe ly khai kiểm soát và tiếp tục đóng thuế cho chính phủ Kiev để tránh những rắc rối về thủ tục pháp lý làm ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh. Đáng nói, giới lãnh đạo ly khai hoàn toàn đồng ý với quyết định này nhằm duy trì việc làm cho công nhân và tránh để hệ thống kinh tế và xã hội sụp đổ.
Trong khi đó, theo các quan chức Ukraine, phần lớn tiền thu thuế ở miền đông Ukraine đến từ các nhà máy nằm trong lãnh thổ do phe ly khai kiểm soát. Một số công ty đóng thuế cho Kiev nhưng lại tạo công ăn việc làm và trả lương cho phe ly khai. Ngoài ra, không ít công ty đóng thuế trực tiếp cho chính quyền ly khai.
Ông Vladimir Trubchanin, Giám đốc điều hành Nhà máy chế tạo máy móc Yasynuvata gần Donetsk chia sẻ chúng tôi bắt đầu đóng thuế cho chính quyền ly khai kể từ đầu năm nay sau khi một trận pháo kích của quân đội chính phủ phá hủy 1/4 diện tích nhà máy và khiến một lái xe chuyên chở bánh mỳ cho công nhân thiệt mạng. "Tôi không muốn đóng thuế cho một chính phủ đã đánh bom chúng tôi", WSJ dẫn lời ông Trubchanin.
Mặc dù, chính quyền Kiev tuyên bố việc thiết lập quyền kiểm soát hàng hóa là nhằm kiềm chế phe ly khai nhưng người dân địa phương cho rằng hệ thống chính trị ở Ukraine đang ngày càng lún sâu vào nạn tham nhũng.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin The Wall Street Journal (WSJ) là một nhật báo có ảnh hưởng lớn trên thế giới, xuất bản tại Thành phố New York, tiểu bang New York , Mỹ với lượng phát hành rất lớn trên toàn thế giới.