Berlusconi tại chức mới là ngạc nhiên
Berlusconi tại chức mới là ngạc nhiên
Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi tham dự một phiên họp của Quốc hội tại Rome cuối tháng 9. – Nguồn: Reuters |
Vị thủ tướng 75 tuổi giống như một võ sĩ quyền anh đã nhận quá nhiều cú đấm chết người đến nỗi chỉ cần dùng một ngón tay cũng có thể đẩy ngã mặc dù ông hiện vẫn đang đứng vững được là do sức mạnh ý chí, những lợi ích bất di bất dịch và sự trì trệ của nền chính trị Italia.
Các nhà quan sát nước ngoài đã vô cùng ngạc nhiên khi Berlusconi có thể xoay xở để duy trì quyền lực mặc dù một danh sách các scandal và thất bại của ông có lẽ đã chôn vùi sự nghiệp của bất kì chính trị gia nào khác trên thế giới.
Ông đối mặt với hàng loạt các truy tố từ gian lận đến quan hệ tình dục với trẻ vị thành niên và có nguy cơ bị phạt khi báo chí phủ đầy những tiết lộ khủng khiếp của một gái gọi về những cuộc vui chơi "Thác loạn" của ông.
Một đoạn băng ghi trộm cho thấy ông khoe khoang về việc đã quan hệ tình dục với 8 phụ nữ trong một đêm và còn nói đời sống tình dục kiểu đó khiến ông không có đủ thời gian dành cho việc lãnh đạo đất nước.
Trong mấy tháng gần đây, ông đã gặp phải hàng loạt thất bại trong công việc và mối bất hòa với Bộ trưởng bộ kinh tế Giulio Tremonti.
Ngoài ra, sự "hớ hênh" trong ngoại giao và những lời buột miệng thô tục của ông đã trở thành giai thoại, khiến cho một số lãnh đạo châu Âu coi thường và nghe nói họ còn tránh bị chụp ảnh chung với ông ta.
Chính phủ của ông bị chỉ trích từ nhiều hướng, từ nhà thờ Thiên Chúa giáo La Mã cho đến liên đoàn lao động. Ông vẫn ngoan cố, vẫn thề sẽ tại vị cho đến hết nhiệm kì vào năm 2013.
Tuy vậy, trong tuần này, hầu hết các nhà bình luận đều tuyên đoán Berlusconi sẽ bị "hất cẳng", dù có thể không phải ngay vào buổi bỏ phiếu tín nhiệm vào hôm nay. Đây chỉ là thủ tục sau khi chính phủ của ông không giành được đa số phiếu để thông qua kế hoạch ngân sách năm 2012 trong cuộc bỏ phiếu của Quốc hội hôm thứ ba.
Dư luận dự báo sẽ có bầu cử sẽ diễn ra vào đầu năm 2012, sớm hơn kế hoạch 1 năm.
Berlusconi trước phiên bỏ phiếu tín nhiệm
“Ông ấy là quá khứ, ông ấy "tiêu đời" rồi. Ông ấy có thể ở lại khoảng 6 tháng nữa nhưng sự nghiệp của ông ấy đã được định đoạt. Đất nước đã chịu đựng quá đủ rồi,” Franco Pavoncello, giáo sư khoa học chính trị tại trường đại học John Cabot ở Rome nói.
Tổng thống Giorgio Napolitano ngày càng tham gia vào đời sống chính trị hàng ngày nhiều hơn. Hôm qua, tổng thống đã bất ngờ có bài phát biểu rất thẳng thắn, ông cho rằng chính phủ phải cho thấy khả năng thực thi các biện pháp quan trọng để giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Thống đốc ngân hàng trung ương Mario Draghi cũng cảnh báo rằng Italia đã lãng phí quá nhiều thời gian mà chưa thực thi được các cải cách kinh tế quan trọng.
Chính phủ cho đến nay chỉ làm mỗi việc tranh luận về chính sách, cãi vã nội bộ và liên tục trì hoãn các biện pháp cải thiện tình trạng tăng trưởng kinh tế trì trệ của đất nước trong suốt cả một thập kỉ qua.
Cuộc khủng hoảng nợ khu vực đồng Euro đã làm dấy lên làn sóng phản đối ông Berlusconi. Khi cuộc khủng hoảng này nổ ra, sự thiếu quyết đoán và quan điểm chính trị không chắc chắn của Italia đã đẩy nước này vào tầm ngắm của các thị trường và sẽ trở thành quân cờ domino tiếp theo, sau Hy Lạp nếu Hy Lạp bị vỡ nợ.
Mặc dù vậy, nhiều nhà phân tích lại tin rằng Berlusconi sẽ thoát được cuộc bỏ phiếu ngày hôm nay và sẽ đấu tranh thêm vài vòng nữa bởi lẽ đảng của ông chưa sẵn sàng thay thế ông.
Ông ta vẫn tại vị được là vì chính nhân tố từ trước đến nay đã giúp ông ta giữ được ghế của mình, đó là Italia thiếu một nhân vật có ưu thế hơn để thay thế Berlusconi và những cử tri Italia lại vô cùng bảo thủ và có sức ỳ lớn.
Sergio Romano, một cựu đại sứ Italia ở Mátxcơva và là một nhà bình luận được kính trọng, cho rằng các thành viên nổi dậy trong đảng PDL của ông Berlusconi khiếp sợ về tương lai nếu như họ loại bỏ ông ấy vào thời điểm này, bởi lẽ họ có thể mất quyền kiểm soát vào tay những người Napoli nếu như chính phủ sụp đổ.
Sự hoài nghi và thiếu chắc chắn
Theo ông Romano: “có thể ngày thứ sáu này, chiếm ưu thế sẽ là sự hoài nghi và mong muốn không để chính phủ sụp đổ vào thời điểm này khi chưa có chiến lược chính xác về hành động tiếp theo. Họ sợ phải đi bỏ phiếu trong tình trạng hỗn loạn”.
Berlusconi có những kĩ năng giao tiếp và khả năng đưa đến một cuộc bỏ phiếu mang phong thái bảo thủ mà trước đây đã giúp ông ta có được một vị thế quyền lực khó lay chuyển. “Ông ấy là keo dán, là xi măng,” Romano bình luận.
Dù cho điều gì sẽ xảy ra vào hôm nay thì Berlusconi cũng sẽ có một tương lai ảm đạm – đây cũng là một nguyên nhân nữa khiến ông ấy không từ chức.
Ông nói rằng hơn 1000 quan tòa đã 31 lần khởi tố chống lại ông kể từ khi ông bước vào hoạt động chính trị và ông kịch liệt chỉ trích họ là những người cánh tả ủng hộ kiểu dân chủ lệch lạc.
Một khi ông mất đi quyền lực có thể giúp ông trì hoãn hay gây trở ngại đến các rắc rối pháp lí, ông sẽ phải đối mặt với một lọat các vụ truy tố mới.
“Ngay khi rời khỏi chiếc ghế của mình, ông ta sẽ bị ăn tươi nuốt sống,” giáo sư Pavoncello nói.
Lê Dung