Berlin giải thích lý do ủng hộ Dòng chảy phương Bắc 2
Berlin giải thích lý do ủng hộ Dòng chảy phương Bắc 2 |
Mới đây, phát biểu trên sóng kênh truyền hình ARD của Đức, ông Dirk Wiese, đại diện của chính phủ Đức trong lĩnh vực hợp tác với Nga, cho biết Berlin có kế hoạch từ bỏ than đá và nguyên tử, và sẽ sử dụng khí đốt trong 20 năm tới.
"Chúng tôi muốn đảm bảo 100% năng lượng, và chúng tôi cần khí đốt tự nhiên cho giai đoạn chuyển tiếp", ông nói.
Theo ông, đây cũng là lý do Berlin ủng hộ việc xây dựng dự án Dòng chảy phương Bắc 2.
"Nga luôn là nhà cung cấp đáng tin cậy, và cho đến thời điểm này điều đó vẫn đúng", ông Wiese lưu ý rằng điều kiện thực hiện dự án là duy trì quá cảnh khí đốt Nga qua Ukraine trong năm 2019.
Trước đó, hồi giữa tháng 1/2019, Đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell đã gửi thư cho một loạt công ty Đức, trong đó bóng gió đề cập tới khả năng Washington áp đặt trừng phạt đối với những công ty ủng hộ dự án xây dựng đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2.
Trong bức thư của Đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell có đoạn viết: "Như các bạn đã biết, Hoa Kỳ cực lực phản đối dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2... Đường ống dẫn khí đốt này gây ra hậu quả địa chính trị nghiêm trọng cho các đồng minh và đối tác châu Âu của Mỹ. Mối quan ngại của chúng tôi đã được chia sẻ rộng rãi. Các nước thành viên Đông Âu thuộc Liên minh châu Âu (EU) cùng với nhiều chính phủ các nước Tây Âu và Canada đều phản đối dự án này. Các đối tác này có chung mối quan ngại sâu sắc về hành vi gây hấn ngày càng gia tăng của Nga, nhất là việc Moscow lợi dụng tài nguyên năng lượng làm đòn bẩy chính trị và kinh tế".
Dự án khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 |
Dòng chảy phương Bắc 2
Dòng chảy phương Bắc 2 là dự án xây dựng hai đường ống dẫn khí đốt với tổng công suất 55 tỷ m3 khí đốt mỗi năm từ bờ biển Nga qua biển Baltic đến Đức. Đường ống mới được lên kế hoạch xây dựng bên cạnh đường ống của dự án Dòng chảy phương Bắc 1. Dự án sẽ đi qua các khu vực đặc quyền kinh tế của các quốc gia nằm dọc theo bờ biển Baltic: Nga, Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch và Đức.
Việc xây dựng vấp phải sự phản đối của Hoa Kỳ, do Washington đang dự định đẩy mạnh bán khí hóa lỏng LNG của mình trên thị trường châu Âu. Bên cạnh đó Ukraine cũng ra sức ngăn cản dự án, bởi họ sợ mất lợi nhuận từ việc vận chuyển khí đốt từ Nga. Litva, Latvia và Ba Lan thì cho rằng kế hoạch xây dựng đường ống dẫn khí này mang động cơ chính trị.
Về phần mình, Moscow đã nhiều lần kêu gọi không lấy Dòng chảy phương Bắc 2 làm công cụ gây ảnh hưởng. Nga cũng nhấn mạnh rằng dự án trên chỉ theo đuổi các mục tiêu kinh tế.
Hồi đầu tháng 1/2019, Chủ tịch Hội nghị An ninh Munich, ông Wolfgang Ischinger tuyên bố, kể cả khi Dòng chảy phương Bắc 2 mang mục đích chính trị, thì việc dừng dự án cũng không hề có lợi cho Đức, nhất là về phương diện ngoại giao.