Bệnh viện Nhi đồng 1: 90 ca sốt xuất huyết mỗi tuần, tăng 200% so với năm trước
Trẻ bị sốt xuất huyết đang điều trị nội trú tại Bệnh viện Nhi đồng 1 |
Thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, tính từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận gần 2.000 ca sốt xuất huyết và từ tháng 6, các ca mắc bắt đầu tăng cao.
Riêng trong tháng 7, số trẻ sốt xuất huyết nhập viện mỗi tuần khoảng 80 – 90 ca, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Số bệnh nhân đến từ các tỉnh chiếm khoảng 45%. Hiện tại đang có 110 trẻ sốt xuất huyết phải điều trị nội trú, trong đó có 9 ca sốc sốt xuất huyết.
Do số ca mắc liên tục tăng, bệnh viện đã tăng cường lọc bệnh, những ca nhẹ cho điều trị tại nhà để tránh quá tải bệnh nhân nội trú, đồng thời đề nghị các bệnh viện tuyến dưới tăng cường điều trị.
TS.BS Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Sốt xuất huyết của bệnh viện cho biết, trong số các ca nhập viện, có khoảng 10% diễn tiến nặng như sốc, suy đa cơ quan với các biểu hiện như lừ đừ, bứt rứt, tay chân lạnh, mạch nhanh khó bắt, tụt huyết áp… Một số bé xuất huyết nặng, giảm tiểu cầu, rối loạn đông máu…
Từ đầu năm đến nay đã có 3 trẻ tử vong do sốt xuất huyết, đều là những trường hợp suy đa cơ quan, do sốc kéo dài. Trẻ bị sốc sốt xuất huyết thường bị suy hô hấp, suy gan, thận, một số trường hợp ảnh hưởng đến não, viêm cơ tim…
Theo BS Tuấn, hiện vẫn còn một số quan niệm sai lầm khi điều trị cho trẻ sốt xuất huyết như tự ý dùng thuốc hạ sốt, tự ý truyền dịch hoặc dùng đá lạnh, rượu, chanh để lau người cho trẻ khiến trẻ viêm da, khó điều trị.
BS Tuấn cho biết, việc tự ý dùng thuốc hạ sốt, đặc biệt là aspirin và ibuprofen sẽ làm tình trạng xuất huyết nặng hơn, gây tổn thương gan, rối loạn đông máu. Tự ý truyền dịch sớm dễ gây phù nề, tràn dịch màng phổi, suy hô hấp.
BS Tuấn khuyến cáo, chỉ những trường hợp cô đặc máu do thất thoát huyết tương hoặc nôn ói quá nhiều mới được chỉ định truyền dịch dưới sự kiểm soát của bác sĩ.