“Bệnh viện” miễn phí cho người nghèo
“Bệnh viện” nơi cổng chùa
Phòng khám Trật Đả Cốt (chuyên trị các chứng bong gân, trật khớp, gãy xương...) toạ lạc trong khuôn viên chùa Vạn Thọ (quận 1, TP.HCM) do thầy Thích Thanh Sơn (sinh năm 1929) trụ trì chùa khởi xướng thành lập từ những năm 1980.
Mỗi ngày, lượng bệnh nhân đến trung bình từ 60 -70 người, cao điểm vào đầu tuần có khi hơn 150 người đến phòng khám này. |
Gọi là phòng khám, thế nhưng không gian chỉ vỏn vẹn gần 50m2 gói gọn tất cả các khâu: Chờ khám, bóc số, chẩn đoán và đắp, bó thuốc cho các bệnh nhân. Hằng ngày, phòng khám này chỉ thăm khám, chữa bệnh từ 13h – 16h nhưng lại đón từ 120 - 150 bệnh nhân mỗi buổi. Người đến sau phải chờ đợi hàng giờ đồng hồ mới đến lượt, vậy mà chẳng ai thấy phiền hà. Thậm chí còn vui vẻ giúp nhau lăn thuốc khi thấy có người cần.
Gần 40 năm trước, Hòa thượng Thích Thanh Sơn ngoài là tu sĩ còn là một lương y, chuyên khoa trật đả, bấm huyệt. Với suy nghĩ nhà sư không thể chỉ lo việc cầu nguyện, truyền bá Phật pháp mà còn phải tích cực làm việc xã hội, giúp đỡ mọi người. Hòa thượng đã thành lập phòng khám Trật Đả Cốt, chia sẻ với những khó khăn khi các bệnh viện ngày càng quá tải.
Thầy Thích Thanh Sơn bộc bạch: “Thầy lớn lên trong hoàn cảnh đất nước khó khăn, bữa ăn hằng ngày còn là điều suy tính thì việc trị bệnh là cả một câu chuyện dài. Sẵn có nghề thuốc nam và một thời gian theo học điều dưỡng, vào năm 1980, thầy dành một phòng nhỏ trong khuôn viên chùa để mở phòng điều trị bong gân, trật khớp miễn phí cho những người có hoàn cảnh khó khăn”.
Trong quá trình chữa bệnh, thầy Thích Thanh Sơn sử dụng những loại thuốc tự nghiên cứu, pha chế theo công thức y học dân tộc cổ truyền, kết hợp với phương pháp nắn giúp bệnh nhân hồi phục khi bị chứng bong gân, trật khớp, gãy xương ở những vị trí không quá nghiêm trọng.
Thành phần thuốc chữa bệnh tại phòng chẩn trị bao gồm các loại củ và thảo dược, được thầy Thanh Sơn đặt trồng tại Long Thành rồi bào chế bằng công thức riêng theo phương pháp y học cổ truyền. Cứ 4 tháng, khoảng 1,5 tấn thuốc lại được chở từ Long Thành về chùa.
Ngoài thầy Thích Thanh Sơn, phòng khám Trật Đả Cốt còn có hai lương y Đức Nguyên và Đức Hòa là những người trực tiếp chữa trị cho bệnh nhân.
Thầy Đức Hòa chia sẻ về cơ duyên đến với chùa: “Năm 2006, trong một lần làm công quả, thầy bị gạch đè nát hết bàn tay, được Hòa thượng Thích Thanh Sơn đứng ra chữa trị. Sau nhiều ngày điều trị thì bàn tay hoàn toàn lành lặn. Thế rồi, thầy quyết định ở lại chùa luôn”.
Ngoài những kiến thức về y học được sư phụ Thích Thanh Sơn trao truyền, các vị sư trực tiếp làm công tác khám chữa bệnh ở đây đều được gửi đi học các trường học chính quy và đều có bằng cấp lương y điều trị y học cổ truyền được ngành Y tế công nhận.
Phụ giúp trong phòng khám còn có những Phật tử tình nguyện vào chùa làm việc như những “y tá, điều dưỡng”. Mỗi ngày, công việc của họ là cắt lá thuốc, nấu thuốc, phụ giúp các sư thầy đắp thuốc cho bệnh nhân.
Chữa bệnh, chữa cả tâm
Trong số hàng vạn hoàn cảnh tìm đến chùa Vạn Thọ, có người là công nhân chẳng may bị tai nạn lao động, có em là sinh viên nghèo bị trật chân trong lúc đi tình nguyện, có cụ bà neo đơn mắc bệnh khớp kinh niên… Dù họ có điều kiện ổn định hay đang chật vật từng bữa ăn hằng ngày, nhưng hễ tìm đến phòng khám Trật Đả Cốt thì ai cũng được chăm sóc tận tình, dù chẳng bao giờ nơi đây thu phí.
Tiếng lành đồn xa, những người tìm đến phòng chẩn trị này không chỉ là người dân từ khắp các quận huyện ở TP.HCM, mà còn ở các tỉnh thành lân cận như Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai. Xa hơn, có người ở các tỉnh miền Tây, Nam Trung Bộ… khi nghe tiếng lành của phòng khám cũng bắt xe về chùa chữa trị.
Bà Nguyễn Thị Tuyết (69 tuổi) tuần nào cũng lặn lội từ Đồng Nai đến chùa Vạn Thọ để trị bệnh đau lưng mãn tính. Bà Tuyết cho biết đã thử qua đủ các loại thuốc Tây nhưng chẳng khỏi hẳn bệnh. Khi biết đến phòng khám này, mỗi tuần bà đều đến hai lần, xoa đắp thuốc nam, được khoảng một tháng thì bệnh đau lưng của bà cũng giảm hẳn.
Những người chữa bệnh lâu năm ở đây vẫn còn rỉ tai nhau câu chuyện về một chàng trai trẻ hành nghề trộm cắp, bị bắt và đánh cho gãy hai xương bánh chè, được các thầy ở phòng khám chữa cho lành vết thương và còn khuyên “cải tà quy chính”. “Ngày ấy, anh chàng được người ta đưa đến và kể lại sự tình, tôi đồng ý chữa với điều kiện anh ta phải quay về con đường lương thiện”, lương y Thích Thanh Sơn kể lại.
Suốt hơn 3 tháng trời, cứ hai ngày một tuần, anh chàng lại đến chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, bẵng đi hơn một năm trời, các thầy không thấy anh quay lại. Một năm sau, anh chàng quay lại, vui mừng kể đã xin được làm công nhân tại một công ty giày da và cũng sắp lấy vợ. Nghe xong, ai cũng mừng rỡ vì không chỉ chữa khỏi bệnh cho anh mà còn chữa lành được cả tâm thiện.
Những bệnh nhân tìm đến phòng khám này đa phần là người lao động chân tay, dễ mắc các vấn đề về khớp, đau cơ, bong gân trong quá trình làm việc. Nhiều người tìm đến phòng khám vì không đủ điều kiện kinh tế điều trị ở bệnh viện, nhưng cũng có người đến đây đơn giản vì thích cách điều trị bằng phương pháp y học cổ truyền.
Trong suốt 40 năm qua, phòng khám Trật Đả Cốt đã tiếp nhận và thăm khám cho hàng vạn bệnh nhân bị bệnh xương khớp, bong gân…Nơi đây đã thực sự mang lại hạnh phúc cho những bệnh nhân nghèo đến từ mọi miền quê của cả nước.