Bệnh nhân Covid-19 số 19 đang phục hồi tốt
Các bác sĩ cấp cứu cho bệnh nhân Covid-19 nặng. |
Bệnh nhân số 19 vào viện từ 7/3, thể trạng của bệnh nhân này vừa thiếu cân, vừa bị rối loạn tiền đình.
GS Nguyễn Văn Kính – Chủ tịch hội đồng chuyên môn điều trị bệnh Covid-19 cho biết khi vào viện chỉ vài ngày sau bệnh tiến triển rất nhanh, ngày 15/3 bệnh nhân bắt đầu phải thở máy, ngày 19/3 các chuyên gia phải cho bệnh nhân vừa thở máy vừa sử dụng ECMO.
Ngay lập tức, Bộ Y tế đã thành lập tổ trợ giúp chuyên môn do GS.TS Nguyễn Gia Bình - nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai - làm tổ trưởng. Trong vòng 21 ngày, 30 chuyên gia đã có 14 buổi hội chẩn chuyên môn trực tuyến, theo dõi các chỉ số của các bệnh nhân nặng trong mỗi giờ để có chiến lược điều trị kịp thời.
Sau rất nhiều cố gắng của cả bác sĩ và bệnh nhân, bệnh nhân này đã được cai ECMO hôm 4/4. Tuy nhiên, GS Kính cho biết sau cai ECMO thì bệnh nhân liên tục rơi vào tình trạng ngừng tuần hoàn. Điều này khiến các chuyên gia “toát mồ hôi”.
Lần ngừng tuần hoàn đầu tiên vào lúc 1h sáng các bác sĩ đã cấp cứu ngừng tuần hoàn kịp thời, sau đó thêm 2 lần ngừng tuần hoàn. Gia đình và bác sĩ đều nỗ lực. Thông thường bệnh nhân ngừng tuần hoàn 2 lần là gia đình đã xin về những bệnh nhân này đã vượt qua được.
Đến hiện tại, bệnh nhân đã bắt đầu có tri giác trở lại, đã làm theo được những gì bác sĩ và điều dưỡng yêu cầu.
GS Kính chia sẻ điều đó vượt qua cả tưởng tượng của bác sĩ và các chuyên gia.
Tại BV Nhiệt đới trung ương, trường hợp bệnh nhân 161 (88 tuổi, ở tỉnh Hưng Yên) bị tai biến mạch máu não, đang phải thở máy, tiên lượng nặng.
Tại TP.HCM, bệnh nhân số 91 cũng đang trong tình trạng nặng và các bác sĩ đều cố gắng còn nước còn tát. Hiện bệnh nhân đã có kết quả xét nghiệm RT-PCR về vi rút SARS-CoV-2 ở cả bệnh phẩm dịch rửa phế quản và dịch mũi họng đều âm tính. Bệnh nhân không sốt, tiếp tục thở máy xâm nhập và được ô xy hóa máu qua màng ngoài cơ thể (ECMO) và lọc máu liên tục.
Khi đánh giá chức năng phổi của bệnh nhân số 91 cho thấy tổn thương phổi ngưng tiến triển. Tuy nhiên, thông khí còn rất hạn chế, tình trạng rối loạn đông máu nặng vẫn chưa được cải thiện. Bệnh nhân 91 bị hội chứng giải phóng Cytokine hay gọi là bão Cytokine.
Bình thường người khỏe mạnh khi bị virus tấn công, hệ miễn dịch sẽ phản ứng, cơ thể tiết ra chất cytokine để ức chế virus. Tuy nhiên, một số người tiết ra quá nhiều cytokine, gây ảnh hưởng các phủ tạng.