Bệnh liệt mặt của Hari Won đang mắc điều trị như thế nào?
Bác sĩ Vũ cho biết, theo y học cổ truyền, liệt mặt ngoại biên được mô tả trong những bệnh danh “khẩu nhãn oa tà’, “trúng phong”, “nuy chứng”.
Theo BSCKII Huỳnh Tấn Vũ, Giảng viên chuyên khoa Y học Cổ truyền - ĐH Y Dược TP. HCM, bệnh cảnh liệt dây thần kinh VII ngoại biên hay liệt mặt nguyên phát là liệt ngoại biên toàn bộ nửa bên mặt, có thể liệt nửa mặt bên trái hoặc nửa mặt bên phải.
Bác sĩ Vũ cho biết trong năm vào tháng 5 tới tháng 7 là thời điểm các bác sĩ gặp nhiều ca bệnh liệt dây thần kinh VII ngoại biên đến khám. Bệnh nhân đều có dấu hiệu chung là ngủ dậy phát hiện một bên mặt liệt, miệng méo thậm chí uống nước cũng không được.
Theo bác sĩ Vũ, do đặc điểm về sự thay đổi thời tiết trong khu vực, thời tiết nắng nóng chuyển sang mưa nhiều, nắng nóng và lạnh đột ngột.
Liệt dây thần kinh VII ngoại biên do nhiều nguyên nhân. Trong đó do lạnh chiếm đa số các trường hợp, còn lại là do các nguyên nhân khác hiếm gặp như: nhiễm trùng, sang chấn, do phẫu thuật, viêm đa rễ dây thần kinh…
Liệt dây thần kinh số VII ngoại biên đa số không gây nguy hiểm ngay đến tính mạng bệnh nhân. Tuy nhiên, về lâu dài nếu không điều trị kịp thời có thể chuyển sang liệt cứng, gây một số ảnh hưởng về mặt, thẩm mỹ như miệng méo, mắt nhắm không kín, co giật nửa mặt, viêm loét giác mạc,…
Bác sĩ Vũ đang điều trị cho một bệnh nhân bị liệt mặt. |
Triệu chứng của liệt mặt, bệnh khởi phát đột ngột, sau đêm ngủ dậy, liệt nửa mặt hoàn toàn xuất hiện trong vòng 24 - 48 giờ. Bệnh nhân không làm được hay khó khăn khi thực hiện các động tác: nhăn trán, nhíu mày, nhăn răng, trề môi, phồng má, thổi sáo,…
Khi có dấu hiệu trên, bệnh nhân nên đến ngay các cơ sở y tế để được kiểm tra. Với các trường hợp này, bệnh nhân sẽ được chẩn đoán lâm sàng, còn được thực hiện các cận lâm sàng, xác định chính xác tình trạng, nguyên nhân gây bệnh.
Bệnh nhân cần phải chụp cộng hưởng từ sọ não có mạch máu não để xác định tổn thương tại trung ương hay ngoại biên và làm các xét nghiệm cận lâm sàng khác.
Việc điều trị liệt mặt, tùy thuộc nguyên nhân gây bệnh và mức độ bệnh. Nếu bệnh nhẹ có thể tự khỏi sau 2-6 tuần, nhưng tỷ lệ này rất ít.
Vì vậy, với bệnh nhân nhẹ cần điều trị tốt, tốc độ hồi phục sẽ nhanh hơn. Tốt nhất nên được thăm khám và điều trị bởi bác sĩ có chuyên môn.
Liệt dây thần kinh VII ngoại biên có nhiều phương pháp điều trị phục hồi. Đối với bệnh này Y học cổ truyền điều trị rất có hiệu quả với các phương pháp xoa bóp bấm huyệt, châm và cứu.
BS Vũ lưu ý, khi điều trị cần xác định chính xác nhóm cơ nào có vấn đề và tập trung điều trị vào đó sẽ có kết quả rất tốt.
Phương pháp xoa bóp bấm huyệt rất có hiệu quả đối với bệnh nhưng với điều kiện là người thầy thuốc phải thăm khám kỹ càng, xác định chính xác nhóm cơ nào bị yếu, cơ nào bị liệt và mức độ yếu, liệt của cơ đó, qua đó có thủ thuật phù hợp cho từng cơ, nhóm cơ.
Ngoài ra, tùy trường hợp được chỉ định dùng thuốc thang, thuốc corticoid, thuốc chống virus, điều trị ngoại khoa nếu cần. Tùy tình trạng bệnh của từng người, trong khoảng 2 tuần đến 2 tháng hoặc lâu hơn.
Khi bị liệt mặt, bệnh nhân ăn uống bình thường, đầy đủ dinh dưỡng, không ăn kiêng gì cả trừ khi bạn có chế độ ăn phải theo chỉ định của bác sĩ đối với bệnh lý mình đang có như suy thận, tăng huyết áp....
Cần hạn chế các món lạnh vì có thể gây co rút cơ vùng miệng (trà đá, kem, nước lạnh…). Ngủ đủ giấc, vận động hợp lý.
Khi tự điều trị tại nhà, bệnh nhân vẫn cần có hướng dẫn của bác sĩ, mỗi người có các nhóm cơ bị yếu và mức độ yếu khác nhau, từ đó bác sĩ sẽ hướng dẫn làm động tác massage nào (masage có nhiều động tác khác nhau), làm bao nhiêu lâu, hướng tác dụng của lực (kéo lên, kéo sang ngang… kéo sai hướng sẽ làm mặt bị lệch nhiều hơn), nên massage vào vùng nào trên mặt…
Đặc điểm bệnh lý của liệt mặt ngoại biên là khác nhau ở mỗi người, do đó, hãy cố gắng để được thăm khám trực tiếp bởi bác sĩ có chuyên môn để được điều trị sớm nhất.
Khánh Chi