Bệnh không lây nhiễm: Nâng cao năng lực của tuyến y tế cơ sở

Việt Nam đang phải đối mặt với sự gia tăng ngày càng trầm trọng của các bệnh không lây nhiễm, chủ yếu là các bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư, bệnh phổi mạn tính và bên cạnh đó là các rối loạn tâm thần.

Thống kê của Cục Y tế dự phòng cho thấy, các bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam. Cứ 10 người chết thì có 7 người chết do các bệnh không lây nhiễm, số ca tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm tới 73% tổng số các ca tử vong, trong đó 43% số ca tử vong trước 70 tuổi, gánh nặng bệnh tật do bệnh không lây nhiễm chiếm 66% tổng gánh nặng bệnh tật.

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng chống bệnh không lây nhiễm, việc phát triển năng lực dự phòng, phát hiện sớm, quản lý điều trị lâu dài các bệnh không lây nhiễm ngay tại tuyến y tế cơ sở là một trong những giải pháp trọng tâm. Ngày 19/12, Cục Y tế Dự phòng tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Nâng cao năng lực của tuyến y tế cơ sở trong dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm” với sự tham gia của BSCKII Đỗ Thị Ngọc Diệp, Phó Trưởng Bộ môn Dinh dưỡng Thực phẩm, ĐH Y Dược TP.HCM; Nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM; PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch, Trưởng Phòng khám đa khoa Phạm Ngọc Thạch.

 

PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch, Trưởng Phòng khám đa khoa Phạm Ngọc Thạch.

Anh Khoa – Tây Ninh: Gánh nặng từ bệnh không lây nhiễm hiện nay ở Việt Nam như thế nào?

PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp: Theo nghiên cứu của Bộ Y tế, nhóm người từ 18 – 69 tuổi đang mắc các bệnh: Cao huyết áp 18,9% (12,5 triệu người); đái tháo đường 4,1% (2,5 triệu); COPD, hen: trên 2 triệu người/năm; ung thư mới mắc: 200.000 người/năm; rối loạn tâm thần: 13 triệu, tổng cộng khoảng 30% dân số (trên 30 triệu người) mắc bệnh không lây nhiễm.

Nguyên Trang – TP.HCM: Mức độ gia tăng của bệnh không lây nhiễm ngày càng cao, để khuyến khích người dân khám ngay tại cơ sở y tế gần nhà, vậy thực tế tại Trung tâm mà bà từng quản lý đã hỗ trợ như thế nào để người dân tin tưởng vào cơ sở y tế tuyến dưới?

BSCKII Đỗ Thị Ngọc Diệp: Trung tâm Dinh dưỡng trong vai trò đơn vị thường trực của chương trình phòng chống đái tháo đường tại TPHCM, thường trực của Ban Chỉ đạo Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng của TPHCM, sau khi quyết định số 376/QĐ-TT ngày 20/03/2015 phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2015 - 2025, Trung tâm đã triển khai mô hình quản lý đái tháo đường type 2 tại tuyến cơ sở nhằm hỗ trợ sàng lọc phát hiện sớm tiền đái tháo đường, đái tháo đường, hướng dẫn thay đổi lối sống, thực hành chế độ dinh dưỡng và vận động, điều trị bằng thuốc, hạn chế sự tiến triển xấu và các biến  chứng của bệnh đái tháo đường type 2, đúc kết kinh nghiệm để triển khai rộng trong cộng đồng. Mô hình được triển khai tại quận Thủ Đức, quận 2, quận 10 đem lại nhiều hiệu quả trong chăm sóc và điều trị cho người tiền đái tháo đường và đái tháo đường và là bài học kinh nghiệm thực tiễn để triển khai rộng rãi trên địa bàn thành phố.

Các giải pháp chính bao gồm: Xây dựng các bộ tài liệu hướng dẫn chuyên môn bao gồm dự phòng các yếu tố nguy cơ, dinh dưỡng hợp lý và vận động thể lực, kỹ thuật sàng lọc, phát hiện sớm tình trạng tiền bệnh, điều trị; truyền thông thay đổi hành vi; tập huấn nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ y tế; xây dựng phần mềm quản lý sau sàng lọc; tổ chức sàng lọc chủ động người có nguy cơ; khám, điều trị, tư vấn dinh dưỡng và luyện tập; tổ chức truyền thông (nhóm/ sinh hoạt câu lạc bộ).

Trung tâm tập trung đội ngũ chuyên gia về bệnh không lây nhiễm trong lĩnh vực dự phòng và điều trị tổ chức nhiều chương trình đào tạo, huấn luyện nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ y tế tuyến cơ sở từ đó nâng cao chất lượng khám điều trị để thu hút người bệnh tới khám. Tổ chức nhiều chương trình truyền thông định kỳ hàng tháng về phòng ngừa các yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm. Trung tâm hỗ trợ các quận huyện xây dựng chương trình và tổ chức câu lạc bộ đái tháo đường, dinh dưỡng và sức khỏe đem lại nhiều hiệu quả thiết thực cho người bệnh. 

Hà Mai – Hà Nội: Rất nhiều bệnh không lây nhiễm có thể điều trị tại y tế cơ sở, tuy nhiên một số nơi cơ sở vật chất của y tế cơ sở chưa đáp ứng, người dân vẫn phải vượt tuyến. Là một chuyên gia đào tạo nên các bác sĩ tương lai, ông có ý kiến gì về việc này? Cảm ơn ông.

PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp: Bộ Y tế đang triển khai, đẩy mạnh các mô hình trạm y tế điểm theo nguyên lý y học gia đình. Tại TPHCM, mỗi quận huyện đã có một trạm y tế điểm, đồng thời tất cả các trạm y tế phường, xã đều đã được triển khai tầm soát các bệnh không lây nhiễm trong cộng đồng, ban đầu đã có những kết quả nhất định

Thu Hương – Hà Tĩnh: Thói quen ăn uống, tình trạng sử dụng bia, rượu nhiều… là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ mắc bệnh không lây nhiễm tăng cao. Vậy đối với mỗi bệnh nhân khi đến bệnh viện cụ thể tại Trung tâm Dinh dưỡng mà bà từng quản lý có được chia sẻ, trao đổi và giải thích về những vấn đề này không?

BSCKII Đỗ Thị Ngọc Diệp: Tỷ lệ mắc bệnh không lây nhiễm đang tăng cao và trẻ hóa. Nguyên nhân chính là do thói quen ăn uống không hợp lý (ăn nhiều muối, nhiều đường, nhiều chất béo, ăn ít rau, trái cây), ít hoạt động thể lực; tình trạng sử dụng bia, rượu nhiều…

Theo kết quả nghiên cứu STEP năm 2015, tại Việt Nam tỷ lệ tăng huyết áp là 18,9% tính ra chúng ta có khoảng 12 triệu người trưởng thành bị tăng huyết áp;  21,7% các trường hợp tử vong là do tai biến mạch máu não; tỷ lệ đái tháo đường là 5,7%; chúng ta có khoảng số người bị ung thư mắc mới tăng nhanh lên tới 150.000 ca mỗi năm.

Có tới 77% nam giới và 11% nữ giới có uống bia rượu; tỷ lệ nam giới uống rượu ở mức nguy hại đã tăng nhanh từ 21,1% năm 2010 lên đến 44,2% năm 2015. Khoảng 30% người trưởng thành thiếu hoạt động thể lực. Người Việt Nam đang ăn muối gấp 2 lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới. Tiêu thụ đường ở người Việt Nam cũng đang tăng nhanh, trung bình người trưởng thành sử dụng gần 50 g đường mỗi ngày.

Về nguyên tắc thì khi khám bệnh các BS sẽ được chia sẻ, trao đổi và giải thích về những vấn đề này, tuy nhiên do tình trạng quá tải và không được đào tạo về phòng ngừa bệnh không lây nhiễm nên ít khi bệnh nhân được trao đổi kỹ. Giải pháp của chúng ta là tăng cường truyền thông bằng nhiều hình thức, đưa quản lý và khám bệnh không lây nhiễm về tuyến cơ sở.

Tại Trung tâm Dinh dưỡng khi bệnh nhân đến khám luôn được chia sẻ, trao đổi và giải thích về những vấn đề này. Trung tâm còn tổ chức truyền thông về bệnh không lây nhiễm, các yếu tố nguy cơ và hướng dẫn thực hành dinh dưỡng hợp lý thông qua Câu lạc bộ đái tháo đường, Câu lạc bộ Dinh dưỡng và Sức khỏe được người bệnh rất hài lòng.

PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp cho biết, đây là vấn đề sức khỏe cộng đồng rất đáng lo ngại. Theo nghiên cứu của Bộ Y tế, nhóm người từ 18 – 69 tuổi đang mắc các bệnh: Cao huyết áp 18,9% (12,5 triệu người); đái tháo đường 4,1% (2,5 triệu); COPD, hen: trên 2 triệu người/năm; ung thư mới mắc: 200.000 người/năm; rối loạn tâm thần: 13 triệu, tổng cộng khoảng 30% dân số (trên 30 triệu người) mắc bệnh không lây nhiễm.

Thanh Huyền – Hải Dương: Nếu không được dự phòng và điều trị tốt, gánh nặng bệnh không lây nhiễm sẽ ảnh hưởng như thế nào đến chất lượng sống của người dân Việt Nam thưa ông.

PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp: Việc tầm soát, dự phòng các bệnh không lây nhiễm có một vai trò vô cùng quan trọng. Khảo sát của Bộ Y tế năm 2015 cho thấy, vẫn còn 70% bệnh nhân đái tháo đường và 59% bệnh nhân cao huyết áp trong cộng đồng chưa được chẩn đoán. Nếu không làm tốt chẩn đoán sớm và điều trị dự phòng dẫn đến gánh nặng bệnh tật rất lớn bởi việc già hóa kèm các bệnh mãn tính sẽ làm sức khỏe người dân suy giảm, tuổi thọ suy giảm.

Tú Anh – Ninh Bình: Thưa chuyên gia, dinh dưỡng không hợp lý được coi là nguyên nhân gây ra các bệnh không lây nhiễm (tim mạch, đái tháo đường, ung thư…). Là chuyên gia đầu ngành về dinh dưỡng, xin bà có thể giải thích rõ hơn về vấn đề này?

BSCKII Đỗ Thị Ngọc Diệp: Sự gia tăng các bệnh không lây nhiễm ngoài phần đóng góp nhỏ của gia tăng tuổi thọ thì nguyên nhân chủ yếu là do 4 yếu tố: chế độ dinh dưỡng không hợp lý, thiếu vận động thể lực, hút thuốc lá; lạm dụng rượu bia.

Những bất hợp lý trong chế độ dinh dưỡng tại VN được ghi nhận như: Ăn quá nhiều chất béo đặc biệt là chất béo động vật, nhiều muối, nhiều đường, ít rau ngày càng phổ biến. Người dân ăn muối nhiều gấp hai lần so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới. 30% ăn không đủ nhu cầu khuyến nghị về rau. Có nhiều thay đổi trong thói quen ăn uống truyền thống như tiêu thụ nhiều thức ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn, chế độ ăn dư thừa năng lượng, mất cân đối các chất dinh dưỡng. Dinh dưỡng không hợp lý dẫn tới thừa cân béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường, loãng xương tăng.

Những thay đổi trong lối sống như tăng thời gian hoạt động tĩnh tại thông qua “ngồi thiền” gấp nhiều lần khuyến nghị không quá 2 giờ mỗi ngày trước màn hình máy tính, TV, điện thoại cũng như nhiều phương tiện không dây khác đã phổ biến đến tận thôn quê.

Theo Bộ Y tế năm 2015 có 45% nam giới trưởng thành hút thuốc, 77% nam giới uống rượu bia và gần một nửa uống ở mức nguy hại. Có đến 1/3 số người dân thiếu vận động thể lực.

Phú Cường – TP. HCM: Tỷ lệ và xu hướng mắc các rối loạn chuyển hóa liên quan đến bệnh không lây nhiễm ra sao?

PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp: Theo khảo sát của Bộ Y tế cho thấy, hành vi lối sống không tốt cho sức khỏe kéo theo rối loạn chuyển hóa và các bệnh không lây nhiễm tăng cao: Rối loạn đường huyết lúc đói tăng 3,6%; tăng cholesterol máu: 30,2%; thừa cân béo phì: 15,6%; hút thuốc lá 22,5%; sử dụng rượu bia 43,8% trong đó 44,2% nam giới sử dụng rượu bia ở mức nguy hại; ăn thiếu rau và trái cây: 57,2%; ít vận động thể lực: 28,1%; tiêu thụ muối: 9,4g/người/ngày.

Mai Loan – Bến Tre: Các vi chất dinh dưỡng chúng ta bị thiếu hụt nhưng thường không được phát sớm là những gì thưa bà?

BSCKII Đỗ Thị Ngọc Diệp: Hiện nay người Việt Nam có tình trạng thiếu hụt phổ biến 1 số vi chất dinh dưỡng quan trọng như iot, sắt, kẽm, vitamin D, vitamin nhóm B…

Đối tượng bị thiếu hụt nhiều là trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người cao tuổi, người dân vùng sâu vùng xa, hoàn cảnh kinh tế khó khăn.

BSCKII Đỗ Thị Ngọc Diệp, Phó Trưởng bộ môn Dinh dưỡng Thực phẩm - ĐH Y Dược TP.HCM, nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM.

Lê Hồng – An Giang: Những lời khuyên gì từ chuyên gia cho độc giả trước những dịch bệnh không lây nhiễm?

PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp: “Bệnh từ miệng mà ra”, vì thế người dân cần tập thói quen theo dõi các chỉ số sức khỏe của mình về cân nặng, vòng eo, đường huyết, theo dõi sức khỏe định kỳ để tầm soát, phát hiện sớm và được tư vấn để có hành vi lối sống phù hợp

Phúc Nguyên – TP.HCM: Theo nhiều nghiên cứu, khẩu phần ăn của người dân Việt Nam hầu hết không đáp ứng đủ 100% nhu cầu về các vitamin và chất khoáng. Để đa dạng hóa các nguồn cung cấp vitamin, ngoài bữa ăn hàng ngày, vitamin còn được cung cấp thông qua những con đường nào thưa chuyên gia?

BSCKII Đỗ Thị Ngọc Diệp: Để đa dạng hóa các nguồn cung cấp vitamin, ngoài bữa ăn hàng ngày, người dân cần chọn các thực phẩm tự nhiên, tăng cường truyền thông giáo dục để chọn các thực phẩm giàu vitamin theo địa lý vùng miền. Tìm hiểu thông tin trên các trang web chính thống, chuyên khoa của viện dinh dưỡng, cục y tế dự phòng…

Lựa chọn những thực phẩm đã được bổ sung thêm vi chất dinh dưỡng như muối iot, nước mắm bổ sung sắt, bột nêm iot, sữa, bánh bổ sung vitamin A, D, canxi… Ngoài ra, ngành y tế còn tổ chức các phiên bổ sung chất dinh dưỡng như uống vitamin A cho trẻ em, bổ sung sắt và acid folic cho phụ nữ mang thai… Bên cạnh đó người dân cần chủ động đến tuyến y tế cơ sở để sử dụng các viên uống bổ sung vi chất dinh dưỡng dưới sự tư vấn của các bác sĩ chuyên khoa.

Nam Trân – Đồng Nai: Mỗi cá nhân, gia đình cần trang bị những gì để phòng ngừa nguy cơ bệnh tật “ập đến”?

PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp: Cần tầm soát sức khỏe định kỳ, có chế độ ăn uống, luyện tập điều độ, kiểm soát các chỉ số sức khỏe cá nhân.

Linh Đan – TP.HCM: Giải pháp nào để tăng cường y tế cơ sở đảm bảo phòng chống tốt cho các bệnh không lây nhiễm?

PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp: Ngoài đầu tư về con người, y tế cơ sở cần được đầu tư về cơ sở vật chất đầy đủ, đồng thời giải tỏa những vướng mắc đang có về chế độ thanh toán BHYT cũng như chuyển tuyến cho người dân.

Bích Kiều – Cần Thơ: Bệnh không lây nhiễm được bảo hiểm như thế nào so với lây nhiễm? Tuyến trên và tuyến dưới khác gì nhau? Cụ thể tại Trung tâm Dinh dưỡng TP Hồ Chí Minh đã hỗ trợ người dân, thủ tục về Bảo hiểm ra sao?

BSCKII Đỗ Thị Ngọc Diệp: BHYT không phân biệt bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm, đồng thời đang có những thay đổi để đồng bộ BHYT giữa tuyến trên và tuyến dưới. Các cơ sở y tế hiện nay đang hỗ trợ rất nhiều, tỉ lệ bao phủ BHYT đang tăng dần nên sẽ đảm bảo quyền lợi của người dân khi khám chữa bệnh.

Hải Đăng – Long An: Ai cũng nghĩ tuyến cơ sở không đủ máy móc, không đủ năng lực để chữa các bệnh mãn tính như ung thư, tiểu đường... liệu điều này có đúng không?

PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp: Y tế cơ sở hiện đã được đầu tư khá tốt về cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như cơ số thuốc theo quy định của Bộ Y tế nên người dân có thể yên tâm khi điều trị tại đây.

Người dân phải có nhận thức về dự phòng, phát hiện sớm, tự chăm sóc sức khỏe, sử dụng cơ sở y tế gần nhất (trạm y tế) để dự phòng, phát hiện sớm. Phải có sự phối hợp giữa y tế cơ sở và y tế chuyên sâu trong dự phòng, điều trị, trong đó vai trò của bác sĩ gia đình rất quan trọng.

Ngô Thị Hiền – Hà Tĩnh: Tôi bị đái tháo đường type 2 đã nhiều năm nay, xin chuyên gia gợi ý cho tôi chế độ dinh dưỡng hợp lý và cần kiêng khem những gì để bệnh không tiến triển nặng.

BSCKII Đỗ Thị Ngọc Diệp: Nếu điều chỉnh lối sống, có chế độ dinh dưỡng, vận động hợp lý tình trạng đái tháo đường sẽ cải thiện nhanh chóng.

-         Ăn cần đủ và cân đối năng lượng - các chất dinh dưỡng sinh năng lượng (đạm, béo, bột đường) - các chất dinh dưỡng không sinh năng lượng (vitamin và khoáng chất, chất xơ) phù hợp với thể trạng, giới tính, tuổi tác, tình trạng sinh lý, mức độ lao động, hoạt động thể lực

-         Lượng chất bột đường hàng ngày với người đái tháo đường cần giảm hơn bình thường và nên chiếm khoảng 55% tổng năng lượng

-         Ăn phối hợp nhiều loại thực phẩm: 15-20 loại /ngày

-         Chọn thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp hoặc trung bình như sữa dành cho người đái tháo đường, nui, cơm gạo lức, táo bưởi, cam. Hạn chế thực phẩm có chỉ số đường huyết cao như chè, kem, xôi nếp, dưa hấu, bánh, mứt.... Nên hạn chế ăn các loại trái cây ngọt, nước ép trái cây. Rau xanh không hạn chế. Các loại quả ngọt như xoài chín, nhãn, dưa hấu, nho, sầu riêng, mít, chôm chôm… đều có chỉ số đường huyết cao làm tăng đường máu nhanh sau ăn nên hạn chế. Nếu ăn chỉ nên ăn 1 phần nhỏ và ăn sau bữa ăn chính.

-         Ăn thức ăn giàu đạm với tỷ lệ cân đối giữa nguồn thực vật và động vật, tăng cường ăn cá.

-         Sử dụng chất béo ở mức hợp lý, chú ý phối hợp giữa dầu thực vật và mỡ động vật.

-         Ăn rau, củ, quả hàng ngày để có đầy đủ nhiều loại vitamin, khoáng chất cần thiết cho cơ thể, đồng thời  có nhiều chất xơ giúp hạn chế hấp thu chất béo không có lợi, không tăng đường huyết nhanh sau ăn

-          Sử dụng sữa cho người đái tháo đường

-         Không ăn mặn, sử dụng muối iốt trong chế biến thức ăn. Nên ăn muối ở mức 5g/ngày

-         Uống đủ nước chín hàng ngày, hạn chế rượu bia, đồ ngọt.

-         Cần phải tăng cường vận động thể lực nên ở mức độ trên 60 phút mỗi ngày, tất cả các ngày trong tuần.

-         Kiểm soát cân nặng không để bị thừa cân

-         Nên đi khám định kỳ, thử đường huyết hàng tháng để bác sĩ tư vấn và có chỉ định điều trị phù hợp.

Lê Mỹ - Đắk Lắk: Xin ông chia sẻ những điểm mạnh, điểm yếu của y tế cơ sở trong việc chăm sóc sức khỏe người dân?

PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp: Y tế cơ sở có điểm mạnh là tại chỗ, người dân không phải đi xa, không mất thời gian, giá cả hợp lý, được theo dõi chăm sóc liên tục tại địa bàn mình sinh sống. Tuy nhiên, thực tế nguồn lực của y tế cơ sở để cung ứng nhu cầu của người dân chưa đủ cả số lượng và chất lượng. Do vậy, cùng với việc tăng cường đầu tư cho y tế cơ sở, cần nhân rộng những mô hình trạm y tế điểm, cân bằng luồng bệnh nhân giữa tuyến cơ sở và tuyến trên đồng thời tháo gỡ những vướng mắc về BHYT thanh quyết toán tại trạm y tế để tạo thuận lợi cho người dân.

Anh Phương – TP.HCM: Hiện nay, ăn gì mọi người cũng sợ có hóa chất rồi dễ mắc ung thư. Theo chuyên gia, làm thế nào để giảm bớt nỗi lo bệnh tật từ việc ăn uống hàng ngày?

BSCKII Đỗ Thị Ngọc Diệp:

-         Chọn thực phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ

-         Ăn đa dạng

-         Chế biến đơn giản

-         Hạn chế thức ăn nhanh

-         Cần có ít nhất 150 phút vận động hiếu khí cường độ trung bình mỗi tuần.

-         Cần ăn ít nhất 400g rau, 100g trái cây mỗi ngày

-         Nên ăn ít hơn 5g muối mỗi ngày

-         Nên ăn ít hơn 20g đường mỗi ngày

Văn Thủ - Bà Rịa Vũng Tàu: Xin cho biết, tại y tế cơ sở hiện đã thực hiện chăm sóc bệnh mãn tính nào? Bệnh nhân có thể nhận thuốc trị tiểu đường, huyết áp cao tại y tế cơ sở hay không?

PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp: Hiện nay các bệnh mãn tính không lây nhiễm như đái tháo đường, tăng huyết áp, COPD, rối loạn tâm thần đã được triển khai thực hiện tại y tế cơ sở. Bộ Y tế cũng đã có quy định rất cụ thể và chi tiết về điều trị cũng như danh mục và cơ số thuốc cho tuyến cơ sở để điều trị các bệnh này nên người dân có thể yên tâm khám và nhận thuốc tại đây

Thúy Diễm – Long An: Thưa chuyên gia, thói quen nào trong ăn uống dễ khiến chị em phụ nữ mắc ung thư vú?

BSCKII Đỗ Thị Ngọc Diệp: Có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư vú như không sinh đẻ, không nuôi con bằng sữa mẹ… Vì thế, các tổ chức y tế đều khuyến nghị phụ nữ nên sinh con trong độ tuổi “vàng”, cần thực hành nuôi con bằng sữa mẹ, cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, nên kéo dài thời gian cho con bú đến 18 – 24 tháng…

Béo phì, uống rượu bia, hút thuốc lá cũng là những yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư vú.

Dương Nguyệt – Bình Định: Bệnh tim mạch đang dần trẻ hóa, xin chuyên gia tư vấn giúp cách phòng ngừa bệnh này đối với các bạn trẻ?

PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp: Các bạn trẻ cần tạo thói quen ăn uống hợp lý, đủ chất kèm theo vận động thể lực phù hợp. Nên hạn chế hoặc bỏ thói quen uống rượu bia, hút thuốc lá.

Thanh Hải – Bình Dương: Được biết, thiếu canxi là nguyên nhân hàng đầu gây loãng xương. Để bổ sung canxi cho cơ thể, phòng ngừa nguy cơ loãng xương, cần bổ sung canxi như thế nào cho hợp lý?

BSCKII Đỗ Thị Ngọc Diệp: Nhu cầu canxi ở người trưởng thành là 1000mg/ngày. Để bổ sung canxi cho cơ thể tốt nhất chúng ta nên dùng thực phẩm tự nhiên giàu canxi, thực phẩm có bổ sung canxi vì đảm bảo quá trình chuyển hóa hấp thu sinh lý của cơ thể. Trường hợp chế độ ăn không đủ canxi theo nhu cầu chúng ta mới phải dùng thực phẩm chức năng hoặc viên uống canxi.

Nên đi khám sức khỏe tổng quát định kỳ để phát hiện tình trạng thiếu hụt canxi và được tư vấn sử dụng canxi bổ sung sẽ chính xác và hiệu quả hơn.

Các thực phẩm giàu canxi bao gồm:

-        Sữa và các chế phẩm từ sữa: Sữa và các chế phẩm của sữa như sữa chua, phomat là thức ăn giàu canxi. Canxi từ sữa dễ hấp thu, đồng hóa tốt.

-        Các thực phẩm nguồn gốc động vật giàu canxi chủ yếu là hải sản như tôm, cua, cá… Tốt nhất là cá kho nhừ ăn cả xương. Tép, cua đồng, ốc có hàm lượng canxi cao hơn hẳn các loại thực phẩm khác và là nguồn canxi hữu cơ tốt nhất, giúp cơ thể hấp thu và sử dụng tốt.

-        Các loại thực phẩm nguồn gốc thực vật giàu canxi: Đậu, các loại rau họ đậu hầu hết có trên 60mg canxi trong 100g, trong đậu nành lượng canxi cao hơn hẳn 165mg canxi trong 100g. Rau: đay, mồng tơi, ngót, cải, mộc nhĩ, bông cải xanh, bắp cải…

Quỳnh Anh – Lâm Đồng: Y tế cơ sở có vai trò gì trong điều trị bệnh không lây nhiễm cho người dân?

PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp: Y tế cơ sở là đơn vị y tế gần người dân nhất, thuận lợi nhất trong việc tầm soát, điều trị ban đầu các bệnh không lây nhiễm. Đây cũng là cơ sở thuận tiện trong việc theo dõi quá trình diễn biến của bệnh để có những hướng giải quyết phù hợp như chuyển tuyến hoặc tiếp tục điều trị theo yêu cầu của tuyến trên

Khánh An – Hà Nội: Gần đây, nhiều thông tin cho rằng, ăn “thực dưỡng” có thể chữa được ung thư. Thực hư vấn đề này như thế nào thưa chuyên gia?

BSCKII Đỗ Thị Ngọc Diệp: Đây là những thông tin hết sức sai lầm. Thế giới chưa có ghi nhận nào về việc thực dưỡng chữa khỏi bệnh ung thư. Tuy nhiên, hiện đang có nhiều người không có kiến thức chuyên môn, lợi dụng thực dưỡng để bán hàng kiếm lời đã đồn thổi quá mức về thực dưỡng. Ung thư cần phải được điều trị bằng các biện pháp y học, tuy nhiên do nhiều người hiểu sai, bị lôi kéo đã từ chối điều trị y khoa, sử dụng thực dưỡng phản khoa học như không ăn chất béo, chất đạm, đường… khiến cơ thể suy kiệt. Trong khi bệnh nhân ung thư cần được cung cấp chế độ ăn có mức năng lượng cao, nhiều chất đạm để cơ thể đáp ứng được các biện pháp điều trị. Rất nhiều bệnh nhân ung thư điều trị bằng thực dưỡng đã tử vong do suy kiệt và các bệnh lý nhiễm trùng chứ không phải tử vong do ung thư.

Đức Nhân – Cà Mau: Tuyến y tế trung ương đang giảm tải, các cơ quan quản lý đã đề ra những phương án để người dân địa phương không vượt tuyến để điều trị các bệnh không lây nhiễm?

PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp: Hiện nay Bộ Y tế đang phân luồng bệnh nhân về các tuyến cơ sở để giảm tải cho bệnh viện tuyến trên. Có nhiều quy định đã được đưa ra như bác sĩ không được phép khám quá 60 bệnh nhân/ngày, các quy định về BHYT… cũng góp phần giảm tải và để người dân đến với y tế cơ sở nhiều hơn.

Hoàng Kỳ - Nghệ An: Có phải cứ ăn nhiều đường, đồ ngọt là dễ bị đái tháo đường không thưa chuyên gia?

BSCKII Đỗ Thị Ngọc Diệp: Vẫn chưa có nghiên cứu chính thức nào về việc ăn nhiều đường, đồ ngọt là dễ bị đái tháo đường. Tuy nhiên, việc ăn nhiều đường, đồ ngọt sẽ dẫn đến béo phì, thừa cân, đây là yếu tố nguy cơ dẫn đến đái tháo đường.

Hoàng Ly – Bình Phước: Ung thư vú và ung thư cổ tử cung là nỗi khiếp sợ của chị em phụ nữ. Xin BS có thể cung cấp thực trạng của hai loại bệnh này. Cách nào để phòng ngừa?

PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp: Ung thư vú đang là một trong những ung thư hàng đầu gây tử vong ở phụ nữ, ung thư cổ tử cung đứng thứ 4. Hàng năm, có đến 11.000 ca ung thư vú và 4.000 ca ung thư cổ tử cung mắc mới.

Có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư vú như không sinh đẻ, không nuôi con bằng sữa mẹ… Vì thế, các tổ chức y tế đều khuyến nghị phụ nữ nên sinh con trong độ tuổi “vàng”, cần thực hành nuôi con bằng sữa mẹ, cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, nên kéo dài thời gian cho con bú đến 18 – 24 tháng…

Nguyên nhân gây nên ung thư cổ tử cung thường có 3 nhóm yếu tố nguy cơ như sinh học (virus HPV có thể gây ung thư cổ tử cung), hóa học (thuốc lá, rượu bia, chế độ ăn uống, hóa chất…) và vật lý (tia bức xạ…). Vì thế cần tầm soát các yếu tố nguy cơ để phát hiện bệnh sớm.

An Hòa – Ninh Thuận: Trung tâm Dinh dưỡng TP Hồ Chí Minh đã triển khai công tác truyền thông về dinh dưỡng của bệnh không lây nhiễm như thế nào cho bệnh nhân của mình?

BSCKII Đỗ Thị Ngọc Diệp: Để giải quyết hiệu quả phòng ngừa bệnh không lây nhiễm cần phải có chương trình tiếp cận của từng cá thể theo cả chu trình vòng đời từ chủ động thực hành lối sống lành mạnh để nâng cao sức khỏe đến phát hiện sớm yếu tố nguy cơ để thay đổi hành vi nhằm đẩy lùi sự xuất hiện bệnh.

Những hạn chế về kiến thức và thực hành phòng ngừa bệnh không lây nhiễm cần được nhanh chóng bù đắp bằng những giải pháp đơn giản. Nhiều em bé đi khám bác sĩ dinh dưỡng vì không biết ăn rau nhưng khi hỏi thêm thì luôn thấy ba mẹ cháu cũng gần như không ăn rau! Nhiều người ăn rất mặn nhưng không hề biết mình ăn mặn vì món ăn không có vị mặn do được nêm cả muối, bột ngọt lẫn đường. Người lớn, trẻ em khó lòng biết được trong thực phẩm có bao nhiêu gam chất béo và chất béo bão hòa, có bao nhiêu gam đường, bao nhiêu gam muối hay natri... Nhiều người không biết để tiêu hao 100 kcalo cần đi bộ trong bao nhiêu phút. Nhiều người không biết lúc nào cần đo huyết áp và thử đường máu. Nhiềù người nhầm tưởng béo là khỏe, bụng to là tốt tướng vì không biết chỉ số khối cơ thể lớn hơn 25kg/cm2 là béo phì, vòng bụng trên 90cm ở nam giới và trên 80cm ở nữ giới là béo bụng.

Trung tâm dinh dưỡng tổ chức nhiều hình thức truyền thông như các cẩm nang bỏ túi dành cho cho cộng đồng để cung cấp những thông tin thiết yếu về cách thức tự nhận diện các yếu tố nguy cơ, tự thực hành thay đổi hành vi về dinh dưỡng, vận động để hình thành những thói quen trong việc phòng ngừa những bệnh không lây nhiễm là giải pháp đơn giản, ít tốn kém nhưng hiệu quả cao.

Nhã Nam – Ninh Thuận: Tôi bị cao huyết áp nhiều năm, loanh quanh bệnh viện gần nhà thì chỉ được cấp thuốc thông thường. Tôi nghe mấy người gần nhà mách nếu lên bệnh viện tuyến trên sẽ được cấp thuốc tốt hơn. Xin hỏi có đúng như vậy không?

PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp: Không có sự phân biệt chất lượng giữa thuốc điều trị của y tế tuyến dưới và tuyến trên, chỉ có sự khác biệt về cơ số thuốc và số lượng đầu thuốc của từng tuyến theo quy định của Bộ Y tế.

Hàn Giang – Hậu Giang: Xin bác sĩ cho biết, khi đã được chẩn đoán mắc COPD, cần lưu ý gì về chế độ ăn uống, vận động. Bệnh cần dùng thuốc lâu dài như bệnh hen, đúng không?

BSCKII Đỗ Thị Ngọc Diệp: Về chế độ dinh dưỡng cho người bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính COPD cần lưu ý đảm bảo cung cấp đủ năng lượng. Nên ăn 4 - 5 bữa mỗi ngày để dễ tiêu hóa. Chọn thực phẩm có giá trị sinh học cao, dễ chuyển hóa hấp thu.

Nhóm thực phẩm giàu chất đạm bạn ưu tiên chọn thịt gà, cá béo như cá basa, cá điêu hồng và một số loại cá biển, trứng, sữa, đậu hũ và các loại đậu, nấm. Nhóm rau nên ưu tiên chọn các loại rau lá xanh như rau cải, rau mồng tơi, rau ngót, xà lách xoong; ớt chuông; xà lách và rau thơm…sẽ cung cấp nhiều polyphenol, kali, kẽm, canxi, sắt hỗ trợ tốt cho các chức năng hô hấp, tiêu hóa.

Nên chọn sữa có bổ sung các vi chất dinh dưỡng như canxi, kẽm, vitamin D, đặc biệt là các axit béo chưa no một và nhiều nối đôi. Sử dụng các loại thực phẩm giàu canxi và vitamin D sẽ giúp giữ cho bộ xương khỏe mạnh.

Sử dụng thực phẩm giàu chất xơ như rau, trái cây, các loại đậu, ngũ cốc nguyên vỏ để giảm thiểu táo bón, điều hòa đường huyết và giảm cholesterol. Giảm ăn mặn. Tránh ăn các thực phẩm sinh hơi như nước có ga, bơ, bắp cải. Uống nhiều nước khoảng 8 ly một ngày, hạn chế cà phê. Giữ cân nặng hợp lý với chỉ số khối cơ thể BMI ở mức 22 kg/m2 (cách tính chỉ số khối cơ thể bằng cân nặng (kg) chia cho bình phương chiều cao (m)).

Về vận động bạn nên chọn các môn phù hợp với hoàn cảnh và tình trạng sức khỏe như đi bộ, đạp xe, dưỡng sinh… 

Về dùng thuốc, dù có sử dụng 1 số thuốc giãn phế quản nhưng không phải hoàn toàn giống như bệnh hen phế quản, bạn nên theo đúng chỉ định về thuốc và liều lượng của BS chuyên khoa

Thu Hạnh – Cần Giờ, TP.HCM: Cơ quan y tế thường nói đến tác hại của hút khói thuốc lá, hút thuốc lào. Vậy hút xì gà thì có tác hại cho cơ thể không? Tác hại với phổi thế nào?

PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp: Nếu không đốt cháy hoàn toàn, lượng độc tố trong xì gà cao gấp nhiều lần so với thuốc lá thông thường. Vì thế, không thể nói rằng hút xì gà hay thuốc lá điện tử là an toàn và ít độc hại. Tất cả các loại thuốc lá, thuốc lào, xì gà đều rất có hại, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ hô hấp, là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ung thư phổi.

Mỹ Anh – Hà Nội: Xin cho biết, tại y tế cơ sở hiện đã tham gia chăm sóc bệnh mãn tính nào? Bệnh nhân có thể nhận thuốc trị tiểu đường tại cơ sở không?

BSCKII Đỗ Thị Ngọc Diệp: Hiện nay các bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, COPD, rối loạn tâm thần được khám và cấp thuốc tại tuyến cơ sở.

Hoài An – Đồng Nai: Khi sống trong môi trường có khói thuốc lá thì phải làm thế nào để kiểm soát và phòng chống các bệnh có liên quan?

PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp: Tốt nhất là hạn chế tiếp xúc và tránh các môi trường có khói thuốc lá. Trong trường hợp không thể tránh được thì cần nâng cao sức đề kháng của cơ thể bằng chế độ ăn uống và tập luyện thích hợp.

Văn Thanh – Bình Dương: Xin cho biết, như thế nào là sử dụng rượu nguy hại? Có liên quan đến loại ung thư nào?

BSCKII Đỗ Thị Ngọc Diệp: Nam giới uống nhiều hơn 2 đơn vị rượu/ngày, nữ giới hơn 1 đơn vị rượu/ngày là đã ở mức nguy hại. Uống nhiều hơn 5 ngày/tuần là mức nguy hại cao và nghiện rượu, phụ thuộc vào rượu là loại bệnh thuộc tâm thần. Uống nhiều rượu sẽ có nguy cơ ung thư thanh quản, thực quản, gan, đại tràng…

Linh Trang – TP.HCM: Bệnh đái tháo đường là bệnh không lây nhiễm nhưng liệu có khả năng di truyền không và làm sao để hạn chế nhỏ nhất việc này?

PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp: Có một phần liên quan đến yếu tố di truyền trong bệnh đái tháo đường, đó là nếu trong gia đình có tiền căn, tiền sử đái tháo đường thì nguy cơ mắc bệnh sẽ cao hơn. Tuy nhiên, không phải cha mẹ nào bị đái tháo đường thì con cũng mắc bệnh. Để hạn chế nguy cơ, cần kiểm soát chặt chẽ các chỉ số sức khỏe cá nhân, đặc biệt là về cân nặng và vòng bụng.

Phương Uyên – Đà Lạt: Tôi là nhân viên văn phòng, ngồi từ sáng tới tối trên máy vi tính, ít vận động, ít có thời gian nghỉ ngơi. Xin hỏi chuyên gia tôi phải làm gì, theo chế độ như thế nào để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh trên?

BSCKII Đỗ Thị Ngọc Diệp: Không nên ngồi quá 60 phút trước máy vi tính, sau mỗi 60 phút nên đứng dậy đi lại vận động tại chỗ hoặc đi dạo nhẹ. Có thể thực hiện các bài tập thể dục nhẹ tại chỗ. Nên ăn uống vừa đủ, không ăn quá no, quá nhiều, đa dạng thực phẩm.

Ánh Nguyệt – Quảng Nam: Xin chuyên gia tư vấn về các chế độ ăn uống dành cho người ít có thời gian tập luyện và các cách thức phòng chống bệnh tim mạch. Xin cảm ơn!

BSCKII Đỗ Thị Ngọc Diệp: Nên có chế độ ăn vừa đủ năng lượng, cân đối các chất dinh dưỡng.

Ăn đa dạng thực phẩm với khoảng 15-20 loại thực phẩm mỗi ngày.

Ăn nhiều rau xanh, bông cải, ớt chuông để cung cấp kali, magie tốt cho tim mạch.

Không ăn mặn: Hạn chế  thực phẩm chứa nhiều Na như muối ăn, nước mắm, nước tương, bột ngọt, hạt nêm, thực phẩm chế biến sẵn như đồ hộp, lạp xưởng, xúc xích, giò chả..., các loại hải sản khô như cá khô, tôm khô, mực khô..., thực phẩm muối chua như dưa, cà, mắm, tương ớt...

Nên ưu tiên sử dụng cá, thủy hải sản, đậu hũ, nấm và các loại đậu, đỗ. Giảm các loại thịt đỏ, thịt mỡ

Hạn chế sử dụng thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa, cholesterol như óc, tim, gan, cật, trứng, da. Hạn chế thịt béo, đồ chiên, xào, rán, đồ ngọt, bơ, sữa toàn phần, dầu mỡ. Dùng chất béo giàu acid béo chưa no dầu thực vật như dầu đậu nành, dầu mè, dầu gạo, dầu oliu...

PV ​

Sữa chua uống KUN Men Nhật hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch của trẻ

Có đến khoảng 70% hệ miễn dịch của cơ thể nằm tại đường ruột, vì vậy tiêu hóa tốt sẽ giúp bé khỏe. Sữa chua uống KUN chứa chủng men Nhật L-137 (L 137) độc quyền tại Việt Nam hỗ trợ con tăng cường hệ miễn dịch, khoẻ tiêu hoá.

Nữ bác sĩ gặp nạn tại quán The Coffee House tươi tắn ngày đi làm trở lại

Bị tai nạn tại quán The Coffee House (Hà Nội), trải qua thời gian dài điều trị và phục hồi chức năng, bác sĩ Hoàng Minh Lý đã đi làm trở lại tại Bệnh viện K. Cô trực tiếp thăm khám cho người bệnh ung thư.

Cuộc điện thoại lúc nửa đêm giành giật sự giống cho người đàn ông trẻ

Người đàn ông 34 tuổi vào viện lúc nửa đêm trong tình trạng đau ngực dữ dội, huyết áp tụt. Các bác sĩ đã bỏ dở giấc ngủ, nhanh chóng đến viện tham gia cấp cứu bệnh nhân.

4 điểm bất thường trong vụ bệnh nhân tử vong liên quan 3 bác sĩ BV Bạch Mai

Theo báo cáo của Sở Y tế Đắk Lắk, ca tử vong sau thay van động mạch chủ liên quan tới 3 bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai còn nhiều yếu tố chưa đúng quy trình.

Chung kết cuộc thi: 'Cán bộ trạm y tế sẵn sàng ứng phó dịch bệnh'

Ngày 9/8, tại Hà Nội diễn ra vòng chung kết cuộc thi “Cán bộ trạm y tế sẵn sàng ứng phó dịch bệnh” giữa các cán bộ tại các trạm y tế của các xã, phường, thị trấn.

Hành trình hơn 8 năm vượt qua 'cơn ác mộng' bị chồng tưới xăng đốt

Hơn 8 năm trước, khi bị chồng tưới xăng đốt, sự sống của Thùy Dung rơi vào tình cảnh "ngàn cân treo sợi tóc", bác sĩ báo gia đình chuẩn bị hậu sự cho cô. Dung từng là một cô gái xinh đẹp, sau biến cố đau đớn, hai đứa con cũng không nhận ra mẹ.

Yếu tố làm tăng 56% nguy cơ đột quỵ

Sự cô đơn kéo dài có thể khiến một người đối mặt với nguy cơ đột quỵ cao giống như khi mắc bệnh nền hay có chế độ ăn uống thiếu lành mạnh.

PGS Nguyễn Lân Hiếu: Tác hại của đơn thuốc 'dày đặc' thuốc bổ

Các loại thuốc bổ được kê nhiều hơn thuốc điều trị đã vô hình gây tác hại cho người bệnh như tốn kém, dễ nhầm lẫn, dẫn đến quên hoặc bỏ thuốc.

Loại cá rẻ tiền có vô số tác dụng với sức khỏe

Cá diếc có nhiều giá trị dinh dưỡng, thịt thơm không tanh, tốt cho nhiều người kể cả bệnh nhân ung thư.

Mức hưởng bảo hiểm y tế của người dân thay đổi ra sao khi tăng lương cơ sở?

Khi mức lương cơ sở tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng, mức hưởng bảo hiểm y tế của người đi khám chữa bệnh có thay đổi.

Đang cập nhật dữ liệu !