Bên trong toa tàu metro đầu tiên của Việt Nam
Ngày 16/3 vừa qua Ban quản lý dự án đường sắt đô thị TP.HCM đã mở cửa khu trưng bày mô hình metro để người dân vào tham quan và đóng góp ý kiến. Sau một tháng, những ý kiến này sẽ được tập hợp lại để đưa ra thiết kế phù hợp hơn.
Metro được đặt trong một căn nhà khung thép tại quận 9. |
Theo ghi nhận của PV, vào tham quan mô hình này rất dễ dàng. Người dân chỉ cần đến đây sẽ được hướng dẫn theo lối đi được bố trí sạch sẽ, mà không phải trình bày bất cứ loại giấy tờ, hay làm thủ tục nào khác. Nếu theo đoàn, sẽ có nhân viên đi theo để thuyết minh về metro.
Tuy vậy nhiều người vẫn tỏ ra phàn nàn vì mô hình được đặt quá xa trung tâm TP. Hiện nay là tại vị trí đường số 11 (phường Long Bình, quận 9 – cách quận 1 khoảng 20km về phía Đông Bắc).
Ông Lê Văn Vũ – 65 tuổi, cán bộ hưu trí ngành đường sắt cho biết: Nhà tôi ở quận 6, như vậy khi xuống đây tôi phải đi chừng 30km. Dù tôi rảnh nhưng đi xa quá nên thấy cũng mệt. Tôi không quen đường nên khi xe buýt dừng ngoài lộ (Quốc lộ 1A) tôi phải thuê xe ôm mất 30 ngàn mới vào tới nơi”.
Không chỉ ông Vũ mà nhiều người khác cũng có ý kiến tương tự. “Nếu Ban quản lý chuyển mô hình về quận 2 thì hay quá, khu đó gần trung tâm lại còn nhiều đất trống, đường từ đó về đây cũng tốt, chúng tôi đi lại thuận tiện hơn nhiều”. – ông Nguyễn Thành Vỹ nói.
Trước những ý kiến này ông Bùi Xuân Cường – Trưởng Ban quản lý Đường sắt đô thị TP cho biết. Ban quản lý cũng đã tính đến phương án đặt gần trung tâm TP, tuy nhiên không tìm được nơi phù hợp để đặt mô hình này nên đã quyết định đặt ở vị trí hiện nay.
Theo Ban quản lý, trong thời gian qua mô hình cũng đã đón nhiều cá nhân, đoàn khách đến tham quan, góp ý, trong đó đa phần đều tỏ ra đồng tình với thiết kế này. Tuy nhiên một số người cho rằng phần đầu metro nên thiết kế thon gọn sẽ đẹp hơn, trong khi có ý kiến cho rằng tay nắm quá cao so với thể trạng người Việt Nam.
Trước những đóng góp này Ban quản lý cho biết đã ghi nhận và sẽ bổ sung vào thiết kế chính thức của metro.
Một số hình ảnh mô hình metro đang được trưng bày để lấy ý kiến người dân.
Đầu metro bị nhiều người cho rằng "giống xe buýt". Tuy nhiên Ban quản lý cho biết do cần bố trí cửa thoát hiểm (đường viền màu đen bên phải metro) nên không thể làm thon dài như các loại tàu cao tốc. |
Theo thiết kế, con tàu sẽ có vận tốc tối đa 110km/h ở đoạn trên cao, và 80km/h khi đi ngầm. Tốc độ trung bình dự kiến là 49km/h. |
Logo tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên được sơn hai bên thân metro.Thân các tuyến metro đều được làm bằng hợp kim nhôm. |
Bên trong metro được thắp sáng bằng hệ thống đèn led. |
Cửa vào metro được bố trí đơn giản. |
Theo thiết kế, đoàn tài có 3 toa, dài 61,5m, mỗi toa chứa được khoảng 300 người. Trên mỗi toa có 6 hàng ghế, mỗi hàng có 7 ghế nhỏ được làm bằng nhựa gia cố sợi thủy tinh. |
Do metro là phương tiện vận chuyển trên quãng đường ngắn nên đa phần hành khách phải dứng để tăng năng lực chuyên chở. Theo tính toán, khoảng cách mỗi ga chỉ tương đương 2 đến 3 phút (cả tuyến số 1 hết 29 phút). |
Phía dưới ghê ngồi được gia cố chắc chắn. |
Tay nắm được bố trí ở hai độ cáo khác nhau. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng vẫn không phù hợp với thể trạng của người Việt Nam. |
Hệ thống điều hòa được bố trí trên nóc. |
Với 8 ô cửa sổ lớn được bố trí 2 bên thân, hành khách dễ dành quan sát được hết cảnh vật bên ngoài. |
Khu vực dành cho người khuyết tật đi xe lăn. |
Cánh cửa thông giữa các khoang tàu có độ rộng 0,9m, được thiết kế đơn giản, tiện lợi. |
Khoang lái được bố trí ở đầu và cuối hai toa (1 và 3). Khoang được tách biệt với khu vực hành khách bằng vách ngăn. Lái tàu có thể quan sát hành khách bằng hệ thống camere được bố trí tại các khoang. Tại đây cũng sẽ có hộp đen để ghi lại dữ liệu của chuyến đi. |
Bảng điện tử thông báo ga kế tiếp được đặt dọc khoang tàu để hành khách dễ dàng quan sát. |
Hiện tại mô hình chỉ là bộ khung, các thiết bị điện tử chưa được lắp đặt. Trong ảnh là phần hướng dẫn thoát hiểm trong trường hợp khẩn cấp với phần dịch nghĩa có chỗ bị sai chính tả, và rất máy móc. |