Bên nào đang kiểm soát dầu mỏ ở Syria, giá trị của “vàng đen” này là bao nhiêu?
Trả lời báo giới vào cuối tuần trước, ông Trump nói rằng mặc dù ông đã cho rút quân khỏi khu vực người Kurd kiểm soát ở miền bắc Syria, Mỹ vẫn “ở lại và đã giữ lấy dầu mỏ” ở đông bắc Syria. “Tôi thích dầu mỏ. Chúng ta sẽ có dầu mỏ”, ông nhấn mạnh.
Quân đội Mỹ tuyên bố ý định sẽ tiếp tục ở lại các mỏ dầu của Syria. |
Mỹ đã “rút” khối lượng dầu lớn đến đâu?
Vào ngày 26/10, Bộ Quốc phòng Nga đã tổ chức một cuộc họp báo, trong đó nói rằng tình báo Nga đã phát hiện “các tập đoàn hàng đầu của Mỹ” đang hợp tác với các đơn vị lính đánh thuê và với sự hỗ trợ của lực lượng đặc nhiệm Mỹ, họ đã thu về hơn 30 triệu USD mỗi tháng nhờ việc bòn rút dầu mỏ từ tỉnh Deir ez-Zor của Syria.
Mặc dù Syria chưa bao giờ là một thế lực năng lượng ở Trung Đông, song con số 30 triệu USD mỗi tháng mà Mỹ lấy được đang cho thấy tiềm năng của những mỏ dầu của Syria.
Trước chiến tranh
Vào cuối thập niên 2000, trước khi Syria rơi vào một cuộc nội chiến bùng nổ sau hàng loạt các cuộc biểu tình nổ ra ở Trung Đông, ngành công nghiệp dầu mỏ và khí đốt của Syria đã thu về hàng tỉ USD lợi nhuận khi ngành này đóng góp 20% tổng thu nhập toàn quốc và khoảng 35% thu nhập xuất khẩu của Syria, đồng thời cho phép nước này có thể tự khai thác dầu mỏ để phục vụ nhu cầu của mình.
Theo dữ liệu do Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ cung cấp, năm 2009, Syria đã sản xuất được trung bình 400.000 thùng dầu mỗi ngày, tương đương 730 triệu USD mỗi tháng dựa trên giá dầu mỏ hiện nay. Con số này chưa tính những chi phí sản xuất và vận chuyển.
Khi chiến tranh Syria bùng nổ, nhiều nhóm vũ trang chống chính phủ và các tổ chức khủng bố đã bắt đầu chiếm đóng một vùng lãnh thổ rộng lớn, trong đó có khu vực có trữ lượng dầu mỏ lớn ở miền trung và đông bắc Syria, đồng thời phá hoại các cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất và vận chuyển.
Vào năm 2013, tổng sản lượng dầu mỏ Syria đã giảm xuống chỉ còn 59.000 thùng mỗi ngày và một năm sau đó con số này tiếp tục giảm xuống chỉ còn 33.000 thùng mỗi ngày. Vào thời điểm này, IS bắt đầu xuất hiện và tìm cách thiết lập “Nhà nước Hồi giáo” tự xưng của chúng ở miền tây Iraq và miền bắc Syria, qua đó chiếm lĩnh gần 3/4 tổng số mỏ dầu ở Syria.
Hoạt động khai thác dầu mỏ của Syria trước chiến tranh đã mang lại lợi nhuận lớn. |
Từ việc bán khống dầu mỏ đến đánh cắp thực sự
Từ năm 2014 đến 2015, IS đã lợi dụng quân chính phủ Syria không đủ khả năng thực hiện hoạt động chống khủng bố và bòn rút hàng triệu thùng dầu khỏi nhiều mỏ dầu ở Syria và buôn lậu ra nước ngoài bằng các xe tải, chủ yếu là tới Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan, và mỗi thùng được bán ở giá từ 15 đến 60 USD, thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Các phần tử khủng bố đã thực hiện hoạt động buôn bán dầu mỏ bất hợp pháp mặc dù liên quân chống IS đã liên tục tiến hành không kích.
Sau khi tham gia cuộc chiến chống IS vào tháng 9/2015 và sau nhiều tuần thu thập thông tin tình báo, Nga tiến hành một chiến dịch quân sự quy mô lớn tại Syria vào tháng 12 năm đó, phá hoại hàng ngàn bình chứa dầu, 32 cơ sở tinh luyện dầu và gần 20 trạm bơm dầu, đồng thời cắt đứt thu nhập từ dầu mỏ của IS. Từng được cho là thu về 2 tỉ USD mỗi tháng, IS giờ đây chỉ mang về 1,5 triệu USD mỗi ngày và con số này tiếp tục suy giảm khi quân đội Syria và Iraq giành chiến thắng trên chiến trường.
Sự xuất hiện của Mỹ
Việc không quân Nga thực hiện các hoạt động chống khủng bố và quân đội Syria giải phóng nhiều vùng lãnh thổ khỏi tay quân khủng bố trước khi di chuyển về phía đông đã cho phép Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd đứng đầu và đồng minh Mỹ tiến vào khu vực có nhiều mỏ dầu ở đông bắc Syria. Trong số những mỏ đáng chú ý có thể kể đến mỏ dầu al-Omar và mỏ khí đốt al-Tabia (được cho là có thể sản xuất 13 triệu mét khối khí đốt mỗi ngày). Cả hai mỏ này đều nằm ở tỉnh Deir ez-Zor (Syria).
Vào ngày 26/10/2019, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga là Thiếu tướng Igor Konashenkov đã tiết lộ về hoạt động buôn lậu dầu của Mỹ, khi một nhà thầu xuất khẩu dầu của một công ty Mỹ mang tên Sadcab đã có lợi nhuận tăng lên nhờ các hoạt động bòn rút dầu ở Syria, và những khoản tiền này cũng được đưa vào tài khoản ngân hàng của các lực lượng lính đánh thuê và các cơ quan tình báo.
Ảnh chụp vệ tinh do Nga cung cấp cho thấy các hoạt động vận chuyển dầu trái phép của Mỹ tại tỉnh Deir ez-Zor (Syria). |
Dựa trên những dữ liệu vệ tinh, ông Konashenkov đã tiết lộ rất nhiều thông tin về mức độ hoạt động bòn rút dầu của Mỹ tại Syria, khi Mỹ được cho là đã nhập khẩu các thiết bị khai thác dầu mỏ vào Syria và vi phạm chính lệnh trừng phạt mà Washington đã áp đặt với Damascus.
Vị quan chức người Nga cũng nhận định, với thu nhập mỗi tháng trên 30 triệu USD từ việc bòn rút dầu mỏ, Lầu Năm Góc, CIA và các nhà thầu tư nhân đều sẽ “sẵn sàng bảo vệ giếng dầu Syria khỏi “các đơn vị nằm vùng của IS không giới hạn thời gian”. Ông Konashenkov nhấn mạnh, dầu mỏ của Syria thuộc về chính phủ Syria chứ không phải IS hay Mỹ.
Mối quan tâm của Nga đối với dầu mỏ Syria
Giống như Mỹ, Nga cũng tham gia vào các hoạt động liên quan đến dầu mỏ Syria, nhưng điểm khác biệt lớn nhất đó là các các công ty Nga chỉ thực hiện hợp tác với chính phủ Damascus.
Tháng trước, truyền thông Nga đưa tin rằng công ty Uraltekhnostroy, một công ty sản xuất máy bơm và các thiết bị khai thác dầu của Nga đang có dự định xây dựng lại một trạm bơm dầu ở đông bắc Syria. Công ty này hiện đang đàm phán với bộ xăng dầu và tài nguyên thiên nhiên của Syria và cũng đề xuất hỗ trợ khôi phục cơ sở hạ tầng dầu mở khác của Syria.
Trong khi đó, các quan chức Nga và Syria đã thảo luận về việc hiện đại hóa các nhà máy nhiệt điện ở Syria và tái thiết hệ thống cung cấp khí đốt, và hai nước đã nhất trí hai lộ trình hợp tác năng lượng điện, dầu mỏ và khí đốt vào năm 2018.
Để Syria có thể đối mặt với những thách thức về tài chính và vật chất để tái thiết sau chiến tranh, dầu mỏ và khí đốt sẽ đóng vai trò rất quan trọng. Năm ngoái, Tổng thống Syria Bashar al-Assad ước tính rằng công cuộc tái thiết có thể sẽ tiêu tốn 200 đến 400 tỉ USD và phải mất ít nhất một thập kỷ để hoàn tất. Với việc Mỹ và các nước đồng minh Châu Âu từ chối cung cấp ngân sách để tái thiết và các thành phố công nghiệp lớn ở Syria đã và đang bị tàn phá, hoạt động khai thác dầu mỏ và khí đốt sẽ là động lực để thúc đẩy công cuộc tái thiết.