Bé 2 tuổi ở Ninh Bình bị mẹ nhỏ nhầm axit vào mũi
Ảnh mang tính minh họa. |
Trước đó, hồi 4 tháng tuổi bé đã bị nhỏ nhầm axit vào mũi. Theo mẹ của bé, chị vẫn thường vệ sinh mũi họng cho con bằng nước muối sinh lý (dung dịch natri chloride 0,9%) đựng trong lọ nhỏ.
Hôm xảy ra sự việc, bé được đưa về nhà bà ngoại chơi, khi thấy con bị sổ mũi mẹ bé lấy lọ thuốc nhỏ mũi còn nguyên nhãn mác để nhỏ cho con. Tuy nhiên, dung dịch bên trong không phải là thuốc mà là axit chloaxetic 80% thường để tẩy nốt ruồi. Khi nhỏ vào mũi con khóc thét, trong mũi bốc ra làn khói trắng.
Ngay sau đó, bé được đưa ra bệnh viện cấp cứu rồi chuyển sang Viện Bỏng Quốc gia điều trị trong tình trạng niêm mạc mũi họng phù nề, tổn thương hoại tử trắng, sung huyết, tiết dịch mạnh. Vùng má phải có hai vết bỏng do axit (theo hình nước chảy) xuống vùng dưới cằm cổ, hoại tử da độ II, III..
Gần đây, bé thường xuyên khó thở bằng mũi nên gia đình đưa ra Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương khám. Theo ThS.BS Nguyễn Nhật Linh – Phó Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ lúc vào viện, tiền đình mũi trái của trẻ bị hẹp, hốc mũi phù nề nên khó quan sát, việc thở bằng mũi bên trái khó khăn. Trên má cháu bé có 2 vết sẹo to và khá dài do axit chảy xuống.
Với trường hợp trẻ nhỏ thế này, bác sĩ Linh cho hay, chưa thể đánh giá được chức năng ngửi nhưng cũng không quá đáng ngại vì ít bị ảnh hưởng, trẻ vẫn có khả năng ngửi được.
Các chuyên gia hội chẩn và chẩn đoán trẻ bị sẹo hẹp tiền đình mũi trái sau khi bỏng axit. Từ đó, các bác sĩ đi đến quyết định tiến hành phẫu thuật chỉnh hình sẹo hẹp mũi trái cho trẻ.
Bé được nội soi tách dính cuốn dưới và vách ngăn 2 bên, rạch phần sẹo cửa mũi trái, mở rộng cửa mũi. Tiếp đó, đặt ống nong bằng silicon vào hốc mũi 2 bên cho trẻ trong vòng một tháng. Đây là một trường hợp tương đối phức tạp vì nguy cơ sẹo hẹp tiền đình mũi có tỉ lệ tái phát rất cao. Các nghiên cứu ở nước ngoài cũng cho thấy rõ điều này.
Sau khi phẫu thuật, trẻ tiếp tục được tiêm định kỳ thuốc chống sẹo lồi mỗi tháng một lần trong vòng 6 tháng. Đồng thời, các bác sĩ sẽ theo dõi, xem xét mức độ tiến triển của bệnh nhi để có kế hoạch điều trị tiếp theo đạt hiệu quả như mong muốn.