Bất ngờ 1001 lý do xin không bị phạt giao thông
Bất ngờ 1001 lý do xin không bị phạt giao thông
Biết luật nhưng vẫn phạm luật, đó từ lâu đã trở thành một nghịch lý của người tham gia giao thông tại Việt Nam mỗi khi bị Cảnh sát giao thông (CSGT) “tuýt còi”.
Tai nạn giao thông giảm mạnh, trật tự an toàn giao thông có chuyển biến tích cực. Đó là đánh giá chung của Chính phủ về tình hình trật tự an toàn giao thông trong phiên họp thường kỳ diễn ra vào ngày 30 – 31/7/2012 vừa qua.
Theo báo cáo, các bộ, ngành chức năng và các địa phương đã tích cực triển khai các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông. Trong 7 tháng đầu năm, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 6.119 vụ tai nạn giao thông, làm chết 5.374 người và làm bị thương 4.414 người. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông giảm 22,1%, số người chết giảm 17,6% và số người bị thương giảm 27,6%.
Mặc dù số vụ tại nạn giao thông, số người chết và bị thương đã giảm nhưng ý thức chấp hành luật giao thông của người dân chưa cao.
Qua tìm hiểu của PV báo điện tử infonet, khi người tham gia giao thông bị lực lượng CSGT gọi vào trạm yêu cầu kiểm tra giấy tờ, thông báo lỗi vi phạm và tiến hành xử phạt theo luật giao thông đường bộ thì việc làm đầu tiên của người vi phạm hầu hết là trình bày lý do bất khả kháng để được miễn xử lý theo luật.
Theo quan sát, tại một số trạm CSGT trên đường Trần Hưng Đạo, đường Yên Phụ và đường Cầu Giấy lúc gần trưa nhưng lượng người vi phạm giao thông bị xử lý vẫn khá đông.
Có 1001 lý do người tham gia giao thông đưa ra để biện hộ cho việc vi phạm của mình. Một CSGT (yêu cầu được giấu tên) tại Hà Nội cho biết, khi bị “bắt” người vi phạm thường trình bày lý do rồi tỏ vẻ ăn năn để được đi tiếp. Mỗi một lỗi vi phạm là một lý do “chính đáng”.
Anh chia sẻ những lý do mà người vi phạm đưa ra: vượt đèn đỏ vì… có cuộc họp khẩn cấp tại cơ quan hay có buổi hội thảo do mình chỉ đạo sắp bị muộn giờ. Người đèo ba vì chở bệnh nhân đi viện, vì có việc cần đi nhưng không có đủ phương tiện. Người không đội mũ bảo hiểm vì đi chợ gần nhà, hay đi vội quá nên quên. Người đỗ sai làn đường vì mải nhìn đèn tín hiệu giao thông nên không để ý…
Một lý do đặc biệt mà người CSGT này chia sẻ là người vi phạm trình bày: “cháu là trẻ mồ côi được nuôi trong chùa”, vừa mượn xe của sư thầy đi mua đồ thắp hương nên quên không cầm giấy tờ và bằng lái xe. Có thể nói đây lý do rất đáng thương đánh vào lòng trắc ẩn của CSGT.
Khi được hỏi về hướng giải quyết đối với những trường hợp như vậy, anh CSGT nói, nếu nhắc nhở rồi để họ đi cho kịp giải quyết công việc, thì lại tạo khe hở trong luật pháp, gây bức xúc cho nhân dân. Thấy dễ dàng trong việc lách luật lần sau họ lại vi phạm. Còn xử lý đúng theo quy định của luật giao thông đường bộ thì lại khổ cho người vi phạm, không có phương tiện đi lại, công việc thì dở dang… Vì vậy tùy từng trường hợp cụ thể má xử lý cho linh động!
Có lẽ, cùng với những lý do trên và một tâm lý phổ biến của người Việt: “một trăm cái lý không bằng một tí cái tình” mà kiến thức luật giao thông của người dân rơi vào tình trạng, biết rồi, nhắc mãi… vẫn vi phạm!
Về phía người vi phạm, anh Thắng (Long Biên, Hà Nội) cho biết, đi học lớp tiếng Trung sắp muộn giờ quên không cầm giấy tờ lại vội nên không nhìn đèn, biết là vi phạm nhưng không muốn tạm giữ xe vì không có phương tiện đi lại hơn nữa phí gửi xe cũng cao mà để xe ở bãi giữ xe thì ngang với “hành” xe còn gì, vì vậy nếu năn nỉ xin xỏ không được thì phải xin bằng cách khác.
Không cần đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông ảnh IT |
Khi được hỏi, tâm lý chung của họ là không muốn rắc rối, không muốn bị giữ giấy tờ và tạm giữ xe, muốn “xử lý” nhanh vì thế họ sẵn sàng nộp phạt tại chỗ. Từ đó nảy sinh những hành vi tiêu cực giữa người xử phạt và người vi phạm, gây xôn xao dư luận trong thời gian gần đây.
Có thể nói, do ý thức của những người tham gia giao thông chưa cao, việc xử lý vi phạm chưa cương quyết và triệt để đã dẫn tới những vấn đề nhức nhối của xã hội đối với ngành giao thông nước ta hiện nay.
lan nguyễn