Bất lực trước Nga, Mỹ mới hậu thuẫn đạn dược cho Thổ Nhĩ Kỳ tấn công Syria?
Chia sẻ với RT, ông Scott Ritter, một cựu sĩ quan tình báo thuộc Lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ, nhấn mạnh đề nghị cung cấp đạn dược cho Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến ở tỉnh Idlib của Syria cho thấy sự bất lực và né tránh can thiệp trực tiếp vào cuộc chiến tại quốc gia Trung Đông này từ phía Mỹ.
Phái đoàn quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại tỉnh Idlib, Syria. (Ảnh: AP) |
Sau các cuộc đối thoại cấp cao với những người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ tại Ankara, đại sứ Mỹ phụ trách vấn đề Syria, ông James Jeffrey cho biết, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ đề nghị Mỹ tăng cường viện trợ nhân đạo, Washington cũng sẵn sàng cung cấp thêm “đạn dược”.
“Thổ Nhĩ Kỳ là một đồng minh NATO. Chúng tôi đang có một chương trình bán vũ khí quân sự cho nước ngoài cực lớn. Phần lớn số vũ khí này đang được quân đội Mỹ sử dụng. Chúng tôi sẽ đảm bảo số vũ khí này luôn sẵn sàng và tiện dụng”, ông Jeffrey nói.
Tuyên bố của đại sứ Jeffrey được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan đang chuẩn bị tới Moscow để gặp gỡ Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm thảo luận về chiến sự tại tỉnh Idlib, cũng như các biện pháp tốt nhất để ngăn chặn leo thang căng thẳng giữa quân đội Nga – Thổ ở Syria.
Hồi tuần trước, lo ngại trước tình hình chiến sự ở Idlib leo thang mất kiểm soát, Thổ Nhĩ Kỳ đã đề nghị Mỹ, một đồng minh trong khối quân sự NATO, hỗ trợ điều động 2 tổ hợptên lửa đất đối không Patriottới vùng biên giới Thổ Nhĩ Kỳ giáp Syria. Theo Ankara, hệ thống Patriot sẽ được sử dụng để giám sát “vùng cấm bay” nhằm ngăn chặn các máy bay quân sự của không quân Nga – Syria triển khai ném bom xuống tỉnh Idlib.
Lần gần nhất Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu Mỹ hỗ trợ các hệ thống Patriot là dưới thời Tổng thống Barack Obama. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, Mỹ đã gạt bỏ lời đề xuất của Thổ Nhĩ Kỳ. Hành động của Mỹ buộc Thổ Nhĩ Kỳ chuyển sang mua hệ thống phòng thủ đất đối không S-400 hiện đại do Nga sản xuất.
Thương vụ mua S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga khiến các nước đồng minh trong khối NATO vô cùng tức giận. Cụ thể, dù là hai quốc gia đồng minh trong khối quân sự NATO, song Mỹ nhiều lần lên tiếng đe dọa áp đặt lệnh trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ liên quan tới thương vụ mua S-400 chiểu theo Đạo luật Chống lại các đối thủ của Mỹ bằng lệnh trừng phạt (CAATSA).
Do Thổ Nhĩ Kỳ nhất quyết không từ bỏ thương vụ mua S-400 của Nga, Nhà Trắng đã ra tuyên bố tạm thời loại Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình sản xuất tiêm kích F-35, cũng như dừng chuyển giao các tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 này cho Ankara.
Hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumph của Nga được thiết kế để tiêu diệt máy bay, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo, bao gồm cả tên lửa tầm trung và cũng có thể được sử dụng để chống lại các mục tiêu mặt đất. Tầm bắn đạt 400 km, hệ thống S-400 có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở độ cao tới 30 km.
Trong những năm gần đây, một số quốc gia thành viên NATO đã cho triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot trên lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ để ngăn chặn các mối đe dọa tiềm tàng trong khu vực. Tuy nhiên, thời gian triển khai lại rất ngắn và khiến Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào tình thế bấp bênh.
Bản thân đại sứ Jeffrey từng hối thúc Lầu Năm Góc triển khai các tên lửa Patriot tới Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ phía giới chức quân sự Mỹ.
Theo các quan chức quốc phòng Mỹ, việc điều động Patriot tới Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ bị xem là hành động “dại dột” gây bất ổn, mà còn không thể làm thay đổi chính sách và hành động của chính phủ Nga và Syria tại tỉnh Idlib.
Đáng nói, do châu Âu không hỗ trợ cho chiến dịch tấn công vào Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đã cho mở cửa đường biên giới nước này nối với Hy Lạp và châu Âu. Hành động của Thổ Nhĩ Kỳ tạo ra làm sóng di cư lớn đổ vào châu Âu.
Tuy nhiên, Ankara vẫn đề nghị Mỹ tăng cường viện trợ nhân đạo để giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn đang sinh sống tại khu vực nằm dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ với Syria. Trong tuyên bố hôm 3/3 nhân chuyến thăm tới tỉnh Idlib, đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Kelly Craft cho hay, Mỹ đang triển khai gói hỗ trợ nhân đạo trị giá 108 triệu USD cho người dân sinh sống ở phía bắc Syria.
Liên quan tới tuyên bố của Mỹ về việc cung cấp đạn dược cho Thổ Nhĩ Kỳ phục vụ cuộc chiến ở Syria, ông Ritter cho rằng Washington không thể "hành động nhanh" để kịp hỗ trợ Ankara.
Cụ thể, nếu Mỹ muốn thay thế các xe bọc thép của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bị hư hại trên chiến trường Syria, bất cứ chiếc xe tăng nào được Mỹ cung cấp cũng sẽ cần trải qua một quá trình nâng cấp dài ngày và đắt đỏ với sự phối hợp từ phía Israel. Nói cách khác, những xe tăng mà Mỹ muốn cung cấp sẽ phải mất nhiều tháng trời mới tới được tay quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó, những ngày gần đây, truyền thông Mỹ đưa tin một tàu hải quân Nga đã được điều động lên đường chở theo vũ khí và đạn dược bao gồm các xe tăng hiện đại, di chuyển từ Biển Đen tới Syria.
Do đó, theo ông Ritter, đề xuất hỗ trợ đạn dược cho Thổ Nhĩ Kỳ chỉ là phản ứng nóng vội không suy nghĩ kỹ từ phía chính quyền Mỹ sau khi nhận được thông tin Nga tăng cường vũ khí và đạn dược cho quân đội Syria. Nói cách khác, động thái này cho thấy sự tuyệt vọng của Mỹ vì Washington hiện không có bất cứ kế hoạch nào để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria.