Bắt khẩn cấp cựu Chủ tịch Interpol: Trung Quốc đã tính kỹ từ trước?
Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), hôm nay (8/10), trên trang web chính thức, Bộ Công an Trung Quốc xác nhận ông Mạnh đang bị giam giữ để điều tra hành vi "nhận hối lộ và tình nghi phạm pháp".
Bộ Công an Trung Quốc khẳng định, hành vi của ông Mạnh "gây tổn hại nghiêm trọng" cho đảng và ngành công an. Do đó, lực lượng đặc nhiệm sẽ điều tra bất cứ ai bị tình nghi nhận hối hộ cùng với ông Mạnh.
Cựu Chủ tịch Interpol Mạnh Hoành Vĩ bị chính quyền Trung Quốc bắt khẩn cấp trước cáo buộc nhận hối lộ. |
Ngoài ra, Bộ trưởng Công an Trung Quốc Triệu Khắc Chí đã triệu tập cuộc họp Đảng ủy ngay lúc nửa đêm. Trong cuộc họp này, tất cả những người tham dự đều ủng hộ cuộc điều tra đối với ông Mạnh và cam kết "giữ lòng trung thành chính trị tuyệt đối" với nhà lãnh đạo Tập Cận Bình và lãnh đạo đảng.
Trước đó, vào ngày 7/10, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc xác nhận ông Mạnh bị điều tra trước cáo buộc vi phạm kỷ luật nghiêm trọng nhưng không nói cụ thể là tội danh gì.
Ngay sau đó, Interpol cũng đã nhận được đơn xin từ chức của ông Mạnh. "Hôm nay (7/10), Ban thư ký Interpol ở Lyon, Pháp đã nhận được đơn từ chức Chủ tịch Interpol của ông Mạnh Hoành Vĩ, với hiệu lực ngay lập tức", tuyên bố của Interpol cho biết, ông Kim Jong-yang, người Hàn Quốc sẽ trở thành Quyền Chủ tịch, và Interpol sẽ chỉ định một Chủ tịch mới tại cuộc họp của tổ chức này diễn ra từ ngày 18 - 21/11 tại Dubai, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).
Nhiều nhà phân tích cho rằng, việc ông Mạnh biến mất bí ẩn và sau đó được thông báo đã bị bắt sẽ làm ảnh hưởng nhiều tới chiến lược giành vai trò dẫn dắt thế giới của Trung Quốc. Song không ít chuyên gia khẳng định, Bắc Kinh đã có phương án tính toán kỹ trước khi hành động.
“Tôi dám chắc Bắc Kinh đã lường trước được những phản ứng mạnh mẽ từ phía cộng đồng quốc tế trước khi đưa ra hành động bắt giữ ông Mạnh. Chắc chắn đã có chuyện khẩn cấp xảy ra. Đó là lý do Trung Quốc ra tay ngay lập tức để tránh nguy cơ bị mất mặt trên trường quốc tế”, SCMP dẫn lời nhà bình luận chính trị ở Bắc Kinh, ông Zhang Lifan. Ông Zhang cũng cho rằng rất có thể đây không phải là một vụ tham nhũng thông thường.
Trong khi đó, ông Steve Tsang, Giám đốc Viện Trung Quốc SOS ở London nhấn mạnh, mọi quyết định đưa ra với ông Mạnh đều mang tính nhạy cảm, do đó quyết định bắt ông Mạnh phải đến từ cấp cao nhất trong chính phủ Trung Quốc.
Số phận của ông Mạnh trở nên bí ẩn trong suốt hơn 1 tuần qua. Theo RT, vợ của ông Mạnh là bà Grace Meng chia sẻ với phóng viên rằng trước khi biến mất, ông Mạnh đã gửi bức ảnh một con dao cho bà qua điện thoại vào ngày 25/9. Điều này phần nào ám chỉ ông Mạnh đang rơi vào tình thế nguy hiểm.
Phát biểu trước báo chí tại Lyon hôm 7/10, bà Grace Meng cho biết thêm, bà rất lo ngại về sự an toàn của bản thân cũng như hai con nhỏ.
“Vấn đề của ông Mạnh phụ thuộc vào cộng đồng quốc tế. Tôi không biết ông ấy đã gặp chuyện gì”, bà Grace Meng chia sẻ.
Hiện vợ con của ông Mạnh đang được Bộ Nội vụ Pháp bảo vệ.
Còn theo Reuters, khi được hỏi về phản ứng sau tuyên bố từ Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc, Bộ Nội vụ Pháp cho hay cơ quan này chưa “có thông tin” gì thêm về vụ việc liên quan tới ông Mạnh.
Trước khi đảm nhận cương vị Chủ tịch Interpol, ông Mạnh (64 tuổi) nắm chức Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc.
Hồi tháng Tư, ông Mạnh không được bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Theo trang web của Bộ Công an Trung Quốc, lần xuất hiện chính thức gần đây nhất của ông Mạnh là vào ngày 23/8 để gặp gỡ quan chức của Singapore là ông Lai Chung Han.