Bất công thu nhập ở bệnh viện công: Lương bác sĩ giỏi thấp hơn điều dưỡng
Ảnh minh họa. |
Trao đổi với phóng viên Infonet.vn, TS BS Võ Xuân Sơn đã chia sẻ những quan điểm của mình về việc ngày càng có nhiều bác sĩ sẵn sàng bỏ bệnh viện công ra làm cho bệnh viện tư nhân thậm chí cả bác sĩ trưởng khoa, phó khoa.
Gần đây nhiều thông tin cho rằng “chảy máu chất xám” từ bệnh viện công ra bệnh viện tư. Nhiều người cho rằng đây là lãng phí nguồn nhân lực y tế của nhà nước đặc biệt là các y bác sĩ trẻ được đào tạo sau 5 – 7 năm họ lại chuyển dịch. Theo ông bác sĩ bệnh viện công bỏ đi có phải do lương thấp?
TS Võ Xuân Sơn: Cụm từ "chảy máu chất xám" sử dụng khi các bác sĩ đang làm tại các bệnh viện công bỏ ra tư nhân thể hiện tính sở hữu của các cơ sở y tế công đối với nhân viên của mình. Đó chính là một trong những nguyên nhân quan trọng để các bác sĩ bỏ công ra tư. Dù là ở lại bệnh viện công, hay là ra tư nhân, thì họ, các bác sĩ ấy vẫn đang hành nghề y, và cung cấp dịch vụ y tế cho bệnh nhân Việt nam. Tại sao lại gọi đó là "chảy máu chất xám"?
Vấn đề thu nhập của nhân viên trong y tế công thực chất là sự bất công trong thu nhập, hơn là thu nhập thấp.
Cái bất công đầu tiên là sự cào bằng trong việc đánh giá của nhà nước đối với cá nhân các bác sĩ và nhân viên y tế. Khi tôi còn công tác trong bệnh viện công, lương của tôi, khi đã là tiến sĩ, cũng vẫn chưa bằng một số điều dưỡng. Trong khi tôi làm được nhiều việc, thực hiện được nhiều kĩ thuật, nhưng lương của tôi vẫn thấp hơn lương của những bác sĩ mà khả năng chuyên môn kém hơn tôi. Đó là sự bất công.
Sự bất công này được giải quyết khi tôi làm tư. Phòng mạch của tôi đông bệnh nhân hơn, các bệnh viện tư mời tôi mổ, và trả công cho tôi xứng đáng hơn. Như vậy, y tế tư nhân đã góp phần làm giảm đi sự bất công. Vậy thì tại sao cứ phải phục vụ trong một môi trường bất công mà không phục vụ ở chỗ công bằng hơn?
Những nhà quản lí y tế tư nhân, khi ra quyết định gì liên quan đến đội ngũ nhân viên chất lượng cao (và cả những nhân viên khác), đều phải cân nhắc đến việc họ có hài lòng hay không. Điều này hoàn toàn không phải là thói quen trong y tế công (không chỉ y tế, các cơ sở công lập khác đều như vậy). Người lao động không được tôn trọng đúng mức.
Vậy tại sao không đến làm việc tại một nơi mà mình được tôn trọng hơn?
Có bác sĩ tâm sự 10 năm cống hiến đến nay tổng thu nhập chỉ có 15 triệu đồng nên những hứa hẹn lương 40 đến 100 triệu đã khiến họ dao động và ra đi? Vậy vấn đề quản lý và thu nhập cho bác sĩ có cần xem xét lại không?
TS Võ Xuân Sơn: Bệnh viện công có nhiều bệnh nhân hơn, công việc nhiều hơn, nhưng thu nhập lại kém bệnh viện tư. Nhiều người lí giải, rằng bệnh viện công có nhiều bệnh nhân nghèo hơn, lại phải xử lí nhiều ca bệnh nặng, nguy cơ cao. Trên thực tế, không khác gì ở các bệnh viện tư, đa số bệnh nhân không có đủ tiền trang trải chi phí điều trị, đã không được điều trị đúng mức ở các bệnh viện công. Như vậy, những yếu tố như bệnh nhân nghèo, bệnh nặng... chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng doanh thu của các bệnh viện công, và không ảnh hưởng nhiều đến thu nhập chung của bệnh viện công.
Vấn đề quan trọng là thu nhập chung của bệnh viện được phân chia như thế nào? Đơn cử như Bệnh viện Hòa Bình, nơi mà giá tiền bệnh nhân phải đóng cho bệnh viện để thực hiện dịch vụ lọc thận tại đây cao gấp đôi so với bệnh viện Bạch Mai, nhưng bệnh viện vẫn không thể lấy tiền từ nguồn lọc thận để trả lương cho nhân viên y tế của đơn nguyên thận nhân tạo, mà phải dùng ngân sách để trả.
Hoặc khả năng quản lí tài chính của bệnh viện công quá kém, hoặc các nhóm lợi ích đã chi phối việc phân chia lợi nhuận của các bệnh viện công. Các bệnh viện lại được sự bảo trợ của tư tưởng sở hữu nhân viên, nên không cần quan tâm đến sự công bằng và mức sống của nhân viên, dẫn đến thu nhập của các bác sĩ đã có kinh nghiệm những không thuộc nhóm lợi ích thấp hơn.
TS bác sĩ Võ Xuân Sơn |
Môi trường làm việc, đây là điều ai cũng biết nhưng ít ai nói, ông cũng là người từng làm bệnh viện công và phải bỏ đi ra tư làm để phục vụ người bệnh? Xin ông chia sẻ những khó khăn trong môi trường công lập mà một bác sĩ gặp phải?
TS Võ Xuân Sơn: Ở bệnh viện công, bác sĩ được an toàn hơn. Khi có sự cố xảy ra, người bệnh dễ thông cảm và bỏ qua hơn. Ngay cả truyền thông cũng "nhẹ tay" hơn đối với y tế công. Nhưng, ngược lại, ở y tế công, các qui trình y tế lại không được chú ý do thiếu sự khắt khe của cơ quan quản lí. Đồng thời, quyền lợi và trách nhiệm không được phân định rõ ràng ở các cơ sở y tế công, nên khi có sự cố nghiêm trọng xảy ra, cấp trên dễ dàng lấy cấp dưới ra làm bia đỡ đạn cho mình.
Chính những yếu tố trên đã làm giảm mức "an toàn" cho các bác sĩ ở bệnh viện công, thậm chí còn làm cho môi trường y tế công trở nên ít an toàn hơn.
Một vấn đề khác là hiện tượng bè phái đã có ảnh hưởng rất lớn trong các cơ sở y tế công. Ở tư nhân, do có sự phân định rõ ràng trách nhiệm và quyền lợi, các bè phái nếu có cũng khó có thể làm thay đổi sự phân nhiệm và chia sẻ quyền lợi. Còn ở y tế công (nói rộng ra là ở các cơ sở công), các nhóm, bè phái dễ thao túng và lũng đoạn, làm thay đổi sự phân bổ trách nhiệm, cũng như phân chia lợi ích, tạo ra sự bất công.
Làm thế nào để tránh nguy cơ bệnh viện công không tìm được bác sĩ, bác sĩ trẻ lại thích làm tư, chuyển đổi sang làm thẩm mỹ?
TS Võ Xuân Sơn: Nhu cầu về y tế là nhu cầu lớn, mà ở đâu, nước nào cũng gặp phải. Trong khi đó, để đào tạo được một bác sĩ, hay các kĩ thuật viên y tế, cần phải có nhiều điều kiện, từ khả năng đào tạo của cơ sở, đến khả năng tiếp nhận của người học, chi phí đào tạo, thời gian đào tạo... nên ở đâu, nước nào cũng đều thiếu nhân lực y tế.
Để giải quyết bài toán này, nhà nước Việt Nam, đặc biệt là Bộ Giáo dục và Đào tạo, đã cấp phép đào tạo y tế tràn lan. Cách làm này sẽ sản sinh ra một thế hệ các bác sĩ và kĩ thuật viên y tế chất lượng kém, làm tổn hại quyền và lợi ích của người bệnh, cũng như của toàn xã hội. Đây là cách làm vô trách nhiệm, và sẽ dẫn tới những hệ lụy vô cùng nguy hiểm. Nó có thể sẽ hủy hoại cả nền y tế nước nhà.
Ở các nước tiến tiến, người ta không quản lí các bác sĩ, kĩ thuật viên cao cấp (cũng như những lao động chất lượng cao khác), theo kiểu sở hữu như ở Việt nam. Họ tận dụng tối đa các bác sĩ trong việc khám chữa bệnh, tìm mọi cách giảm thiểu công việc hành chính. Họ cho phép một bác sĩ, hoặc các kĩ thuật viên y tế cao cấp, hợp đồng với nhiều cơ sở, để tận dụng thời gian của họ, và tận dụng cơ sở vật chất của các bệnh viện.
Hiện nay, trong các bệnh viện công, rất ít bệnh viện có đủ bệnh nhân, hoặc có nhiều bệnh nhân nhưng lại thiếu cơ sở vật chất, để các bác sĩ của mình có thể dành toàn bộ thời gian để làm công việc mà họ giỏi về mặt chuyên môn, cho nên, hầu hết các bác sĩ đang dành khá nhiều thời gian cho những công việc mà người khác, không cần được đào tạo chuyên sâu, có thể làm thay. Việc các bác sĩ kí hợp đồng với nhiều cơ sở, với khung thời gian khác nhau, sẽ giúp họ phát huy tối đa khả năng của mình cho cộng đồng.
Khi các bác sĩ và kĩ thuật viên cao cấp dành thời gian của mình cho công việc chính ở nhiều cơ sở khác nhau, thì nhiều bệnh nhân được tiếp cận với chuyên môn cao hơn, thu nhập của bác sĩ cũng sẽ khá hơn. Trong khi đó, bệnh viện sử dụng những nhân viên khác với chi phí trả lương thấp hơn nhiều so với nhân sự chuyên môn sâu, để thực hiện các công việc không đòi hỏi chuyên môn sâu, tiết kiệm nhiều chi phí cho nhân sự.
Về phía bệnh viện có cơ sở vật chất chưa sử dụng hết, khi kí hợp đồng với nhiều bác sĩ, và bác sĩ dành nhiều thời gian làm việc chuyên môn cao của họ, các trang thiết bị phục vụ cho việc khám chữa bệnh theo chuyên môn cao sẽ được tận dụng tối đa. Từ đó nâng cao hiệu suất sử dụng trang thiết bị.
Tuy nhiên, nếu làm như vậy, thì sẽ có một đội ngũ lao động chuyên môn cao trở nên tự do. Các bệnh viện công sẽ không còn được ngồi chờ nhân sự cao cấp tìm đến với mình, mà sẽ phải tìm cách để lôi kéo những nhân sự này về làm việc cho mình, phá vỡ cái thế bề trên của lãnh đạo các bệnh viện.
Đang ở thế bề trên, ban ơn, thậm chí còn được hưởng lợi khi tuyển dụng nhân sự, bây giờ lại trở thành người phải đi cậy cục để mời những nhân sự ấy về, giống như ở y tế tư nhân. Điều đó không dễ dàng gì với bộ máy quan liêu và nặng về ban phát của chúng ta.
Xin cảm ơn ông!