Bất chấp EU, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ áp dụng lại hình phạt tử hình?
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan |
Chiều ngày Chủ nhật (7/8), Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết ông ủng hộ yêu cầu áp dụng hình phạt tử hình đối với các thành viên tham gia đảo chính và sẵn sàng ký phê chuẩn đạo luật này nếu như được Quốc hội thông qua.
Nội dung trên được ông Erdogan đưa ra khi phát biểu trước đám đông người dân tham gia mít tinh ủng hộ chính quyền được tổ chức tại thành phố Istambul vào chiều ngày 7/8.
“Hôm nay có rất nhiều đại diện các đảng phái chính trị đang có mặt tại đây. Tất cả chúng ta đều biết rằng chính quyền ở đất nước này là chính quyền thuộc về người dân và người dân đang lên tiếng yêu cầu áp dụng lại hình phạt tử hình.
Cơ quan, thể chế xem xét đến yêu cầu này là Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu như Quốc hội thông qua hình phạt này thì các quy trình tiếp theo sẽ được làm rõ. Nếu như được Quốc hội ủng hộ, tôi có thể công khai tuyên bố rằng tôi sẽ ký phê chuẩn đạo luật này”- hãng thông tấn Anadolu trích dẫn lời tuyên bố của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan.
Trước đó, đêm ngày 15, rạng sáng ngày 16 tháng 7 vừa qua, một nhóm binh sỹ Thổ Nhĩ Kỳ đã cố gắng tạo ra cuộc đảo chính quân sự nhằm lật đổ chính quyền Tổng thống Erdogan.
Các địa điểm chính xảy ra bạo loạn là thành phố Stambul và Thủ đô Ankara- hai thành phố lớn và quan trọng bậc nhất của Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo những con số thống kê mới nhất, tổng cộng đã có 246 người thiệt mạng (không kể lực lượng tham gia đảo chính), hơn 2.000 người bị thương. Cuộc đảo chính nhanh chóng bị chính quyền dập tắt.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker |
Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ sau đó lên tiếng cáo buộc giáo sỹ Fethullah Gulen đang sống lưu vong ở Mỹ là đạo diễn thúc đẩy cuộc đảo chính này, đồng thời yêu cầu Mỹ phải dẫn độ Gulen về Thổ Nhĩ Kỳ để xét xử. Bản thân ông Gulen cũng lên tiếng chỉ trích cuộc đảo chính và tuyên bố không dính dáng đến vụ đảo chính này.
Hình phạt tử hình lần cuối cùng được áp dụng ở Thổ Nhĩ Kỳ là vào năm 1984. Đến tháng 5/2014, hình phạt tử hình đã bị hủy bỏ sau khi Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành một số sửa đổi đối với Hiến pháp nhằm phù hợp với các tiêu chuẩn để gia nhập EU.
Sau khi đảo chính xảy ra và bị dập tắt ở Thổ Nhĩ Kỳ, có nhiều thông tin cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể áp dụng trở lại hình phạt tử hình. Đứng trước khả năng này, nhiều lãnh đạo EU đã lên tiếng kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ không áp dụng hình phạt này.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tuyên bố rằng nếu như Thổ Nhĩ Kỳ khôi phục hình phạt tử hình thì EU sẽ nhanh chóng dừng quá trình đàm phán để kết nạp Thổ Nhì Kỳ làm thành viên EU.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Ria Novosti.