Bất chấp cảnh báo của Nga, NATO gia tăng tập trận quy mô lớn
Nhận định trên được chuyên gia quân sự Nga Viktor Murakhovsky chia sẻ với RIA hôm 10/3, khi ông bình luận về cuộc tập trận “Phản ứng Lạnh 2020” (Cold Response 2020) tại miền bắc Na Uy.
Lực lượng quân sự NATO trong cuộc tập trận. (Ảnh minh họa). |
Theo đó, NATO sẽ tiến hành cuộc tập trận mang tên Cold Response 2020 diễn ra từ ngày 9-18/3. Theo kế hoạch, sẽ có hơn 13.000 quân nhân từ 10 quốc gia thành viên Liên minh và các quốc gia đối tác tham gia vào cuộc tập trận này. Đây là hoạt động nhằm củng cố khả năng phối hợp tác chiến của NATO trong bối cảnh tầm quan trọng chiến lược của khu vực Bắc Cực đang gia tăng.
Chuẩn đô đốc Andrew Burcher, chỉ huy lực lượng tàu ngầm NATO cho biết: “Cuộc tập trận là cơ hội để lực lượng hải quân các nước thành viên thực hành, đánh giá các kỹ năng tác chiến tàu ngầm và chống tàu ngầm”.
Chuyên gia Murakhovsky nhận định: “Kể từ năm 2014, khi NATO thông qua kế hoạch tăng cường sự hiện diện tại các nước thành viên ở sườn phía đông của NATO, vốn đang lo ngại trước một nước Nga ngày càng quyết liệt. Số chuyến bay của NATO tại biên giới Nga, các cuộc tập trận ở các vùng lân cận Liên bang Nga đã tăng gấp đôi so với giai đoạn trước”.
Ông Murakhovsky cho biết, trong tương lai xu hướng này sẽ còn gia tăng hơn nữa. Lần đầu tiên kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, các cuộc tập trận Defender-Europe 2020 (Người bảo vệ châu Âu 2020) sẽ được tổ chức với số lượng lớn binh sĩ Mỹ. Theo số liệu thống kê, số lượng lính Mỹ được triển khai tại châu Âu đã đạt mức kỷ lục kể từ đầu thế kỷ 21, với hơn 20.000 lính Mỹ.
“Trong những năm gần đây, chúng ta đã tăng cường đáng kể lực lượng răn đe phi hạt nhân, bao gồm cả việc tạo ra nhóm trang bị tên lửa hành trình tầm xa trong các thiết bị thông thường, cũng như triển khai các nhóm tiểu đoàn chiến thuật có thể sử dụng ngay lập tức”, chuyên gia Murovovsky nhấn mạnh.
Mới đây, hôm 7/3, Nga đề nghị các nước thành viên NATO cân nhắc kế hoạch tổ chức cuộc tập trận. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Zakharova chỉ trích Mỹ triển khai lực lượng lớn ở châu Âu. Theo đó, Mỹ đã tăng cường lực lượng “một cách có hệ thống” ở Đông Âu, giáp biên giới Nga và tăng tài trợ các hoạt động quân sự ở khu vực này.
Với sự khởi đầu của cuộc khủng hoảng ở Ukraine là một điểm hóc búa trong quan hệ Nga - NATO. Mối quan hệ này rơi xuống mức thấp nhất kể từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh sau sự kiện Nga sáp nhập trở lại bán đảo Crimea và cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine. NATO đã ngừng tất cả các hoạt động hợp tác trên thực tế với Nga từ tháng 4/2014 liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine.
Kể từ năm 2014, đại diện NATO đã không tham dự các hội nghị an ninh quốc tế do Bộ Quốc phòng Nga tổ chức. Hoạt động của Hội đồng Nga - NATO, cơ chế tham vấn, hợp tác, cùng đưa ra các quyết sách và hành động chung giữa NATO và Nga thành lập từ năm 2002, cũng bị gián đoạn từ tháng 6/2014 trước khi được tái khởi động vào năm 2016. Cho dù vậy, cơ chế này đã không đạt hiệu quả khi hai bên tiếp tục bất đồng trong nhiều vấn đề.