Bất chấp bị phong tỏa, Qatar sắp tập trận chung với Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ
"Cuộc tập trận chung giữa 3 nước Qatar – Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sớm được tiến hành. Qúa trình chuẩn bị đang diễn ra", Bộ trưởng Quốc phòng Qatar Khalid bin Mohammad al-Attiyah chia sẻ với RT.
Cũng theo ông al-Attiyah, dù Washington và Ankara đang bất đồng về việc Mỹ ủng hộ lực lượng người Kurd trong cuộc chiến chống khủng bố còn Thổ Nhĩ Kỳ xem người Kurd là mối đe dọa an ninh lớn, không làm ảnh hưởng tới không khí của cuộc diễn tập sắp tới.
Bản yêu sách 13 điểm của các nước láng giềng Ả Rập dường như không thể làm khó Qatar. |
"Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên của NATO và là lực lượng quân sự lớn thứ hai của NATO. Mối quan hệ giữa Mỹ - Thổ được xây dựng trên nền tảng lợi ích chung. Mỹ hiểu được tầm quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ và ngược lại. Tôi cho rằng không có gì ảnh hưởng tới hoạt động của các căn cứ quân sự Mỹ - Thổ ở Qatar", ông al-Attiyah nhấn mạnh.
Về phần mình, Qatar đã chi 1 tỷ USD để xây dựng căn cứ không quân Al Udeid cho Bộ Chỉ huy trung ương Mỹ (CENTCOM). Washington đã sử dụng căn cứ này kể từ sau các vụ tấn công khủng bố nhằm vào Mỹ hồi tháng 9/2001.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ mới điều quân tới căn cứ ở Qatar hồi tháng Sáu giữa lúc Doha bị Ả Rập Xê-út, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Ai Cập và một số quốc gia Ả Rập khác cắt đứt quan hệ trước cáo buộc Qatar ủng hộ cho các nhóm khủng bố và can thiệp vào nội bộ của một số nước.
"Thỏa thuận quân sự giữa Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ đã được ký kết cách đây hơn 2 năm và thỏa thuận này không thể bị xóa bỏ chỉ vì một số quốc gia quyết định cắt đứt quan hệ với Qatar. Đó là lý do vì sao Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đưa quân tới Qatar như kế hoạch ban đầu", ông Al-Attiyah nói.
Theo ông Al-Attiyah, Doha và Ankara đã xây dựng "mối quan hệ chiến lược đặc biệt" khi có cùng chung quan điểm về việc "giải phóng những người dân bị áp bức và vì nền dân chủ".
Bộ trưởng Quốc phòng Qatar cũng ca ngợi mối quan hệ "thân thiết và bền chặt" giữa Doha và Washington.
"Qatar và Mỹ là đồng minh và đối tác trong liên minh chống khủng bố quốc tế" và mối quan hệ song phương vẫn đang được phát triển tích cực, ông Al-Attiyah nói thêm.
Khi được hỏi về việc các nước Ả Rập đưa ra bản yêu sách 13 điểm với Qatar bao gồm yêu cầu Doha dừng tài trợ cho các nhóm khủng bố, trục xuất quân nhân Thổ Nhĩ Kỳ về nước và đóng cửa kênh truyền hình Al Jazeera, ông Al-Attiyah khẳng định, "họ nên gỡ bỏ lệnh phong tỏa để tiến tới đối thoại với Doha".