Báo Trung Quốc: Sai lầm của chính quyền đã gây ra biểu tình
Báo Trung Quốc: Sai lầm của chính quyền đã gây ra biểu tình
Theo tin từ giới truyền thông Trung Quốc, trong 2 ngày cuối tuần (28, 29/7), một cuộc biểu tình lớn với hơn 1.000 người tham gia đã nổ ra ở thành phố Khải Đông với nguyên nhân là do người dân địa phương phẫn nộ với quyết định xây dựng đường ống dẫn nước thải từ một nhà máy giấy trên địa bàn tỉnh Giang Tô và xả thẳng xuống biển. Những người biểu tình đã bao vây các tòa nhà văn phòng chính phủ, lục soát, đập phá và lật đổ những chiếc xe ô tô của cơ quan chính quyền thành phố.
Trên thực tế, đây chỉ là một trong số rất nhiều những cuộc biểu tình lớn nhỏ đang diễn ra trên khắp đất nước Trung Quốc, hầu hết đều xuất phát từ sự bất mãn với quyết định của chính quyền và liên quan đến những dự án gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Hồi đầu tháng 7, một cuộc biểu tình với quy mô lớn không kém cũng đã xảy ra ở thành phố Thập Phương, tỉnh Tứ Xuyên. Các cuộc biểu tình liên tục cho thấy xã hội Trung Quốc đang ở trong tình cảnh khá “nhạy cảm” khi các cuộc chuyển giao quyền lực ở cấp trung ương đang chuẩn bị diễn ra.
Trong lúc này, các nhà chức trách của Trung Quốc đang rất đau đầu trong việc giữ ổn định xã hội và cân bằng tốc độ tăng trưởng kinh tế và hậu quả của vấn đề ô nhiễm môi trường.
"Quá trình ra quyết định bất hợp lý của chính quyền là nguyên nhân dẫn đến những cuộc biểu tình quy mô lớn ở Tứ Xuyên và Khải Đông”, tờ Thời báo Hoàn Cầu bình luận đồng thời cho rằng chính quyền 2 địa phương này đã không có được sự hướng dẫn cụ thể cách xử lý những trường hợp tương tự nên đã sử dụng biện pháp cứng rắn quá mức cần thiết để tái lập sự ổn định nhưng vô tình khiến đám đông bộc phát sự giận dữ hơn nữa.
Nhưng trên hết, chính quyền Bắc Kinh còn lo ngại hơn nữa khi một số người tham dự cuộc biểu tình cuối tuần qua cho biết họ đã “học tập” cách làm của người dân Tứ Xuyên hồi đầu tháng.
“Sự lan truyền của “mô hình Tứ Xuyên – Khải Đông” với những hành động bạo lực đi kèm với biểu tình sẽ gây thiệt hại nặng nề cho sự ổn định xã hội và thách thức tương lai của đất nước Trung Quốc”, tờ Thời báo Hoàn Cầu bình luận tiếp.
Tờ Nhân dân Nhật báo – cơ quan “mẹ” của Thời báo Hoàn Cầu cũng đã tỏ ra đồng tình với ý kiến này đồng thời “hoan nghênh” quyết định hủy bỏ dự án xây đường dẫn ống nước thải của chính quyền địa phương Giang Tô.
"Trong lúc này, một chính quyền có trách nhiệm là phải tạo ra “không gian được bày tỏ ý kiến và quyền lợi” cho dân chúng , tạo dựng một cơ chế ra quyết định cởi mở, minh bạch và tập hợp được ý kiến của quần chúng”, Nhân dân Nhật báo nói.
T.D.P