Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng cần có những tác phẩm giá trị làm “cái đinh”!
Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng chắc chắn phải mở rộng!
Như tin đã đưa, sáng 19/12, Bảo tàng Mỹ thuật (BTMT) Đà Nẵng chính thức mở cửa. Tại đây, họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam đã trao tặng BTMT Đà Nẵng 33 tác phẩm mỹ thuật rất có giá trị để trưng bày, phục vụ nhu cầu thưởng lãm của người dân và du khách.
Họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, tặng tranh cho Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng... (Ảnh: HC) |
Theo họa sĩ Trần Khánh Chương, BTMT Đà Nẵng là BTMT thứ 3 của cả nước được khánh thành nhưng là BTMT thứ 2 của cấp tỉnh, thành. Năm 1966, BTMT Việt Nam được khánh thành tại địa chỉ 66 Nguyễn Thái Học (quận Ba Đình).
Năm 1989, BTMT đầu tiên của cấp tỉnh, thành trong cả nước được khánh thành là BTMT TP.HCM, đặt tại ngôi nhà cổ ở số 97 Phó Đức Chính (quận 1).
BTMT Việt Nam ngoài trụ sở chính tại đường Nguyễn Thái Học với diện tích đất 4.737m2, diện tích trưng bày hơn 3.000m2 còn có cơ sở 2 tại Hoàng Cầu - Ô Chợ Dừa với một không gian lớn, trang thiết bị đầy đủ, hiện đại để bảo quản và phục chế các tác phẩm nghệ thuật cũng như tổ chức các cuộc hội thảo khoa học trong nước và quốc tế. Sắp tới, TP Huế cũng sẽ lấy toàn bộ tòa nhà UBND TP để làm BTMT và chuyển trụ sở UBND TP đến tòa nhà mới.
“Tôi không biết BTMT Đà Nẵng ở đây (78 Lê Duẩn) còn chỗ nào có thể lấy thêm được hay không, nhưng chắc chắn là phải mở rộng. Đó là điều mà lãnh đạo TP nên nhìn thấy, vì Đà Nẵng đang rất phát triển, BTMT với quy mô như hiện nay là ổn nhưng về lâu dài sẽ chỉ là một bảo tàng nhỏ, trưng bày được phần nào hiện vật của BTMT Đà Nẵng mà thôi. Đồng thời lãnh đạo TP cần quan tâm dành một khu đất để BTMT Đà Nẵng làm một khu kho, và có thể tiến tới trở thành một chi nhánh của bảo tàng thì rất tốt!” – Họa sĩ Trần Khánh Chương nói.
Lão họa sĩ hơn 70 tuổi cho hay, Hội Mỹ thuật Việt Nam hết sức quan tâm và rất muốn ủng hộ tất cả các tỉnh, thành trong cả nước đều có BTMT, nhưng trước mắt thì 5 TP lớn trực thuộc TƯ nên có BTMT. Hội Mỹ thuật Việt Nam cũng đặt vấn đề này với Bộ VH-TT-DL và đưa chiến lược phát triển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Tuy nhiên phải sau gần 30 năm kể từ khi khánh thành BTMT TP.HCM mới lại có BTMT Đà Nẵng ra đời.
Và cần có những bức tranh... triệu đô!
Họa sĩ Trần Khánh Chương cũng nhấn mạnh, BTMT là một công trình văn hóa lớn, đồng thời cũng là một khối tài sản lớn. Trách nhiệm của những người quản lý BTMT ngoài việc trưng bày phục vụ khách tham quan thì việc PCCC, bảo vệ các tác phẩm, hiện vật là hết sức quan trọng. Có những bức tranh hiện nay bảo tàng được tặng hoặc mua với giá trị không cao vì chưa được đánh giá cao, nhưng vài chục năm nữa có thể trở thành các tác phẩm vô giá.
và tham quan các tác phẩm trưng bày tại bảo tàng này! (Ảnh: HC) |
Ông đơn cử bức tranh “Kết nạp Đảng ở Điện Biên” được họa sĩ Nguyễn Sáng vẽ năm 1967. Năm 1968 có triển lãm mùa xuân nhưng tác phẩm này suýt nữa không được trưng bày do cách nhận định thời kỳ đó. Tuy nhiên bây giờ tác phẩm này nằm trong BTMT Việt Nam và “nghe nói muốn đưa bức tranh đó đi triển lãm ở nước ngoài thì phải gán 1 triệu USD mới đưa đi được”!
Hay triển lãm tranh của họa sĩ Trần Văn Cẩn (nguyên Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam) tại BTMT Việt Nam năm ông 70 tuổi. Khi đó BTMT Việt Nam mua lại toàn bộ 80 bức tranh với giá chưa đầy 2 lượng vàng, còn bây giờ một bức ký họa của họa sĩ này có giá 5 – 10 lượng vàng. Có nghĩa chỉ cần 1 bức tranh cũng đã đủ để mua đến mấy lần cái triển lãm đó!
“Nên tôi cho rằng BTMT không chỉ là nơi lưu trữ và đưa nghệ thuật đến với công chúng mà còn là một cái kho tiềm tàng và càng ngày càng đắt lên. Các tác giả mất đi, các tác giả tiếng tăm nổi lên thì chắc chắn chúng ta phải bảo quản tác phẩm của họ rất tốt mới có thể xứng tầm được. Nên tôi đề nghị BTMT Đà Nẵng hết sức quan tâm công tác bảo quản, nếu để hỏng một tác phẩm, hiện vật nào đó thì khó có thể làm lại được!” – Họa sĩ Trần Khánh Chương nói.
Bên cạnh đó, ông cũng đề nghị BTMT TP tiếp tục tăng cường công tác sưu tập tác phẩm, hiện vật. “Tất nhiên là không vội. BTMT Việt Nam 50 năm mới có được hơn 2 vạn hiện vật. BTMT Đà Nẵng bây giờ mới khai trương thì không có gì phải vội. Cần bình tình dự kiến, chọn lựa, lấy ý kiến chuyên gia để chọn các tác phẩm tốt, đặc biệt là ở khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên để cho bảo tàng phong phú!” – Họa sĩ Trần Khánh Chương nói.
Trong đó, ông đề nghị BTMT Đà Nẵng nên cố gắng sưu tập một số tác phẩm của các tác giả thời kỳ mỹ thuật Đông Dương dù hiện rất đắt. Ở Hà Nội có những nhà sưu tập phải ra nước ngoài đấu giá lên tới mấy vạn USD để đưa các tác phẩm này trở lại Việt Nam. Có bức tranh chân dung của họa sĩ Trần Văn Cẩn trước đây vài chỉ vàng là mua được, nhưng mới đây có nhà sưu tập phải bỏ ra 2 tỉ đồng để mua lại. Hoặc nhà sưu tập Bùi Quang Ngọc có một tranh sơn mài của họa sĩ Nguyễn Gia Trí vẽ năm 1936, cách đây 2 năm đã có giá tới 1 triệu USD!
“Tôi nghĩ với các tác giả thời kỳ mỹ thuật Đông Dương thì lãnh đạo TP cần nghiên cứu, mạnh dạn mua một số tác phẩm làm “cái đinh” của BTMT Đà Nẵng. Chỉ cần một bức tranh có giá trị của họ đặt ở đây thì sẽ có rất nhiều người đến vì bức tranh đó, và bảo tàng sẽ nổi tiếng. Cũng giống như BTMT TP.HCM phải dựa vào tranh Nguyễn Gia Trí và 32 ký họa phác thảo của ông đặt trong một phòng nhưng đó là “cái đinh” của bảo tàng. BTMT Đà Nẵng cần mở rộng nhưng cũng cần có “cái đinh” như thế!” – Họa sĩ Trần Khánh Chương nêu rõ.
Ngoài ra, ông cũng đề nghị BTMT Đà Nẵng cần lưu ý các hoạt động như hình thành “nhà triển lãm” cho giới mỹ thuật thuê để tổ chức các cuộc triển lãm; bán hàng lưu niệm “BTMT Đà Nẵng” mang đặc thù riêng, rất nghệ thuật và giá cao; quán cafe, ăn nhanh phục vụ khách tham quan.. nhằm tạo thêm nguồn kinh phí hoạt động và đem lại sự sôi động cho bảo tàng!