Bão số 14: Khánh Hòa ra công điện cấm tàu, thuyền ra khơi; cho học sinh nghỉ học
Theo dự báo của Trung tâm DBKTTV TƯ cho biết, vào 13h chiều 18/11, vị trí tâm bão số 14 ở vào khoảng 11,2 độ Vĩ Bắc; 113,3 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Khánh Hòa - Ninh Thuận - Bình Thuận khoảng 450 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 11.
Trước tình hình này, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có Công điện khẩn về việc ứng phó với cơn bão số 14.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ngành, địa phương, các thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, các đơn vị quản lý hồ chứa khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ nhằm chủ động ứng phó với cơn bão số 14.
Cụ thể, đổi với UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan: Theo dõi chặt chẽ diễn biến, tăng cường thông tin về diễn biến bão, mưa lũ đến người dân để chủ động phòng tránh; rà soát lại các phương án phòng chống thiên tai, trong đó đặc biệt lưu ý: Chỉ đạo kiểm tra việc neo, đậu, sắp xếp tàu, thuyền tại các địa điểm tránh, trú bão;
Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn khẩn trương hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa khắc phục thiệt hại về nhà ở do cơn bão số 12 gây ra để kịp thời ứng phó với mưa, lũ do cơn bão số 14 gây ra, công tác khắc phục và chằng chống nhà cửa để đảm bảo an toàn phải hoàn thành trước 19 giờ ngày 18/11/2017.
Chỉ đạo, tổ chức kiểm tra công tác sơ tán dân ra khỏi các vùng nguy hiểm, vùng ven biển, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ ảnh hưởng gió mạnh do bão gây ra đến nơi an toàn, không để người ở lại nhà tạm, nhà yếu có thể tốc mái, sập đổ khi bão to, gió lớn. Công tác sơ tán phải hoàn thành trước 19 giờ ngày 18/11/2017 Bố trí lực lượng chốt chặn, kiên quyết không để người dân qua lại tại các đoạn đường ngập lụt, các cầu tràn, ngầm và các vùng sạt lở nguy hiểm khi có mưa lũ lớn, ngập lụt xảy ra.
Thông báo cho các hộ nuôi trồng thủy sản biết, sắp xếp để trở vào bờ, kiên quyết không để người dân ở lại các lồng bè khi bão tới; Tổ chức chặt tỉa cành cây dễ đổ ngã trên các tuyến đường của thành phố, thị xã, thị trấn,.. có kế hoạch hướng dẫn nhân dân chằng chống nhà cửa để đảm bảo an toàn khi có bão đổ bộ; Tổ chức nạo vét khơi thông các hệ thống mương tiêu thoát lũ, hệ thống cống rãnh đảm bảo thoát lũ, chống ngập lụt do mưa lớn gây ra.
Về phía Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh: Phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Giao thông – Vận tải và các địa phương ven biển theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; thường xuyên kiểm đếm các phương tiện tàu thuyền đánh bắt hải sản, tàu du lịch, số lượng lồng bè nuôi trồng thủy sản đang hoạt động trên biển, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn tàu thuyền và các hoạt động trên biển thông báo cho ngư dân, các hộ nuôi trồng thủy sản trên các lồng bè, các tàu du lịch, các phương tiện đi lại trên biển biết thời gian phải ngưng các hoạt động đánh bắt, vận chuyển, lưu hành trên biển.
Theo đó, kể từ 12 giờ ngày 18/11/2017 ,các tàu đánh bắt thủy sản, các tàu du lịch và các phương tiện đường thủy khác không được ra khơi.
Đối với các ngư dân, các hộ đang nuôi trồng thủy sản trên các lồng bè, trên biển phải trở vào bờ (bắt buộc) 16 giờ ngày 18/11/2017 cho đến khi hết bão.
Đồng thời chủ động phân công lực lượng, phương tiện tham gia ứng cứu, phối hợp với bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh và các lực lượng liên quan sẵn sàng tham gia cứu hộ, cứu nạn tàu, thuyền trên biển; ứng cứu và xử lý kịp thời các tình huống khẩn cấp khi bão đổ bộ vào địa bàn tỉnh; phối hợp với các địa phương hướng dẫn, hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa để đảm bảo an toàn khi có bão đổ bộ.
Phía Công an tỉnh cần có phương án bảo đảm an ninh, trật tự xã hội khi có bão, phối hợp với lực lượng quân đội, các ngành và các địa phương tham gia cứu hộ, cứu nạn.
Còn Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thu hoạch lúa, hoa màu, chủ động triển khai các biện pháp giảm thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp; chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ chứa thực hiện vận hành an toàn các hồ chứa thủy lợi, chủ động hạ mực nước đón lũ, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du, không gây lũ nhân tạo do xả lũ hồ chứa, triển khai các biện pháp bảo vệ đảm bảo an toàn công trình hồ đập và công trình thủy lợi.
Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường học cho học sinh nghỉ học từ 12 giờ ngày 18/11 đến hết ngày 20/11/2017, có kế hoạch bố trí học bù vào thời gian thích hợp.
Ngoài ra yêu cầu các Sở: Xây dựng, Du lịch, Văn hóa và Thể thao, Thông tin và Truyền thông, Giao thông Vận tải, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế, Công Thương... phối hợp với các đơn vị, địa phương chủ động ứng phó với bão, mưa lũ.
Đặc biệt các hồ chứa nước thủy lợi, thuỷ điện thường xuyên theo dõi diễn biến của bão, mưa lũ để tính toán lưu lượng nước về hồ và căn cứ tình hình vùng hạ du để điều tiết, xả lũ trước để hạ mực nước hồ nhằm đảm bảo an toàn công trình và hạn chế ngập lụt cho vùng hạ du.
Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h và thường xuyên báo cáo công tác chỉ đạo triển khai phòng chống bão về Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh.