Báo phương Tây 'bôi xấu' Syria bằng ảnh Photoshop
Báo phương Tây 'bôi xấu' Syria bằng ảnh Photoshop
Trong 2 ngày qua, cộng đồng mạng và độc giả của các nước châu Âu đang tỏ ra vô cùng giận dữ khi phát hiện rằng họ đã bị lừa một cách ngoạn mục khi tờ “The Kronen Zeitung” – tờ báo lớn nhất của Áo với hơn 3 triệu độc giả đặt mua báo dài hạn cho đăng tải một bài viết về tình hình chiến sự ở thành phố Aleppo (Syria). Bài báo có tiêu đề “Assads armee rollt mit Panzern zur Mutter aller Schlachten” (tạm dịch: Quân đội của Assad đưa xe tăng vào trận đánh sinh tử) với bức ảnh minh họa là một cặp vợ chồng đang bế đứa con nhỏ chạy loạn trong hậu cảnh là đống đổ nát của những ngôi nhà bị đạn pháo và bom đánh sập.
Rất may là một độc giả với con mắt tinh tường đã ngay lập tức phát hiện đó là bức ảnh giả mạo được cắt ghép từ 2 bức ảnh hoàn toàn khác nhau bằng công cụ Photoshop. Theo “điều tra” của các độc giả trên mạng chia sẻ tin tức Reddit, bức ảnh đầu tiên là cảnh cặp vợ chồng người Syria đang bế con chạy trốn khỏi những vùng chiến sự do hãng thông tấn – báo chí châu Âu EPA (European Pressphoto Agency) chụp trước đó 2 ngày. Nhưng có lẽ ban biên tập của tờ “The Kronen Zeitung” cho rằng bức ảnh này “chưa lột tả được đủ độ tàn khốc mà quân đội của ông Assad gây ra” nên đã cố tình ghép thêm hậu cảnh hoang tàn đổ nát khác.
Bức ảnh giả mạo đăng trên tờ “The Kronen Zeitung” (phía trên) và bức ảnh gốc của hãng thông tấn báo chí châu Âu chụp trước đó 2 ngày ở một địa điểm khác. |
Vụ việc này một lần nữa trở thành “đòn đánh cực mạnh vào niềm tin của độc giả với giới truyền thông” (trích 1 bình luận của độc giả trên mạng Reddit) bởi nó cho thấy truyền thông phương Tây đang âm thầm thực hiện một chiến dịch đưa tin không chính xác về tình hình chiến sự ở Syria.
Còn nhớ, hồi tháng 3 vừa qua các khán giả của đài truyền hình CNN (Mỹ) cũng đã vạch trần một bài phỏng vấn giả mạo. Trong đó, đài CNN đã thực hiện một đoạn video phỏng vấn “trực tiếp” một “nhà hoạt động nhân quyền” có tên là Dany cho biết anh ta đang phải kéo những xác người dân thường ra khỏi một tòa nhà đổ nát sau trận pháo kích của quân đội Syria dưới quyền tổng thống Assad. Đoạn phỏng vấn đã được các biên tập viên của đài CNN lồng thêm tiếng súng đạn, và lời nhân vật Dany được đạo diễn “dịch” rằng anh ta “đang rất sợ hãi” trong khi hình ảnh trong đoạn video cho thấy anh này rất bình tĩnh, hay thậm chí còn mỉm cười khi trả lời câu hỏi của phóng viên CNN… Các khán giả của CNN sau đó còn tìm ra một loạt những chi tiết khác để chứng minh rằng nhân vật Dany này hoàn toàn không phải đang đứng trả lời phỏng vấn trong một vùng chiến sự ác liệt.
“Rõ ràng là họ đang cố tình dựng lên một màn kịch để thêm cớ đưa quân đội NATO vào Syria”, một độc giả bình luận trên mạng chia sẻ Reddit.
Thực tế, báo chí phương Tây đã không ít lần bị độc giả phát hiện trò “gian dối và lừa đảo” khi đưa tin, đặc biệt là trong lĩnh vực ảnh báo chí. Ví dụ như vụ quân đội Mỹ tiêu diệt trùm khủng bố Bin Laden. Mặc dù tổng thống Mỹ Obama khẳng định ông không cho phép công bố hình ảnh xác Bin Laden nhưng một loạt các tờ báo của Anh như Mail, Times, Telegraph, Sun, Mirror đã đăng ảnh một người đàn ông với khuôn mặt đầy máu. Thực tế, nó được ghép từ ảnh Bin Laden còn sống và ảnh một người đã chết từng gây xôn xao trên mạng cách đó hai năm.
Trước đó, hồi năm 2006, hãng tin Reuters (Anh) cũng gặp một vụ bê bối về ảnh báo chí khi cho đăng bức ảnh của phóng viên Adnan Hajj nhưng đã được chỉnh sửa để khói đen và dày hơn, làm tăng phần kịch tính cho cuộc không kích của Israel. Reuters sau đó đã xóa hình này khi bị nhiều người chỉ trích.
Dưới đây là một số vụ bê bối nổi tiếng trong lĩnh vực ảnh báo chí thế giới.
Bức ảnh Photoshop đăng trên trang của Reuters hồi giữa năm 2006 |
Bức ảnh về chiến dịch tranh cử của cựu tổng thống Mỹ Bush được chỉnh sửa để có số lượng người tham dự đông hơn. |
Bức ảnh vụ bắn tên lửa của Iran đăng trên các trang nổi tiếng Los Angeles Times, Financial Times bị phát hiện ghép hình. |
Bức hình thật của Iran cung cấp cho AFP cho thấy chỉ có 3 tên lửa được phóng lên, còn 1 quả bị trục trặc vẫn ở dưới mặt đất. |
Trần Du Phong
Tổng hợp