Báo Mỹ: Chiến lược của Mỹ tại Syria “manh mún, không nhất quán”
Khi được hỏi vì sao chính quyền Tổng thống Barack Obama công bố việc triển khai vài nhóm binh lính đặc nhiệm Mỹ tới Syria cùng ngày cuộc hội nghị nhằm tìm phương án giải quyết xung đột ở Syria tại Vienna diễn ra, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trả lời rằng đây là một “sự trùng hợp”.
Một nữ sinh Syria đi qua những căn nhà đổ nát tại thị trấn Maaret al-Numan (Syria) do quân nổi dậy kiểm soát. |
Lời nói này bao hàm một ý nghĩa rất rõ ràng. Hàng loạt những động thái mà Mỹ thực hiện tại Syria không những không tạo thành một chiến lược chặt chẽ mà thậm chí còn không liên quan đến nhau.
Ông Kerry lúc đó đang ở thủ đô Vienna (Áo) để đàm phán nhằm nhận được sự đồng thuận về một kế hoạch chuyển giao quyền lực tại Syria nhằm lập ra một chính phủ tạm thời, dự thảo hiến pháp mới và thực hiện bầu cử dưới sự giám sát của Mỹ.
Tuy nhiên việc ông Kerry đặt điều kiện Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải từ chức trong vòng 4 đến 6 tháng và thực hiện bầu cử trong vòng 18 tháng tới đã bị Nga và Iran phản đối. Điều này có nghĩa là lệnh ngừng bắn sẽ rất khó thực hiện, bởi các nhóm nổi dậy sẽ không chấp nhận việc Tổng thống Assad còn tại vị khi cuộc chiến kết thúc.
Ông Kerry khẳng định rằng việc lật đổ Tổng thống Assad là cần thiết để kết thúc cuộc nội chiến và đánh bại Nhà nước Hồi giáo (IS). Nhưng ông cũng thừa nhận rằng, động thái gửi 50 lính Đặc nhiệm Mỹ tới miền Bắc Syria không nhằm tiến tới mục đích trên.
Thay vào đó, mục đích của bước đi này là làm suy yêu IS bằng cách hỗ trợ các lực lượng dân quân người Kurd và Ả Rập nhằm giành lại lãnh thổ đã mất cũng như các tuyến đường hậu cần quan trọng gần nơi IS đóng đô là Raqqa ở miền Nam Syria. Nhưng những hoạt động này là chưa đủ để có thể tiêu diệt IS.
Trong khi đó, ông Obama đã gat bỏ các kế hoạch khác của Lầu Năm Góc, ví dụ như cung cấp cho quân đội Iraq trực thăng Apache và các cố vấn quân sự nhằm đẩy lùi IS từ phía Đông cũng như phía Bắc.
Vào ngày 31/10, chính phủ Mỹ công bố sẽ viện trợ 100 triệu USD để cung cấp nhu yếu phẩm cho các lực lượng nổi dậy ở Syria. Tuy nhiên các nhóm được hậu thuẫn này không những không chống lại chính quyền Assad mà mục đích của họ chưa chắc là nhằm thống nhất Syria. Trong khi đó, cộng đồng người Kurd hiện chỉ mong muốn thành lập một vùng tự trị của riêng mình.
Nga và Iran đã điều động quân đội đến Syria vì một mục đích rất rõ ràng, đó là giúp chính quyền ông Assad có thể đứng vững trong một thời gian dài. Trong khi đó, Mỹ có những động thái rời rạc giữa quân sự và ngoại giao, và chúng đều tiềm ẩn nguy cơ thất bại.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ The Washington Post, nhật báo lớn nhất và là lâu đời nhất tại Washington D.C, Mỹ. Bên cạnh những tờ báo lớn khác như The New York Times, The Wall Street Journal và Los Angeles Times, The Washington Post thường đăng tải các phóng sự về Nhà Trắng, Quốc hội và những khía cạnh khác của chính phủ Mỹ.