Báo Mỹ: Chiến dịch đánh chiếm Mosul sẽ có kết cục thảm họa
Nhận định trên do đại tá về hưu của Mỹ Daniel Davis đưa ra trong bài phân tích trên tạp chí The National Interest (NI) của Mỹ.
Quân đội Mỹ |
Mặc dù chiến dịch giải phóng Mosul mới được bắt đầu ít hôm nhưng hiện đã xuất hiện tất cả các dấu hiệu cho thấy nhiều bất ổn đang đón chờ liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu. Ngay trước khi bắt đầu chiến dịch này, rất nhiều bất đồng về chính trị, ngoại giao đã nảy sinh đối với lực lượng liên quân quốc tế chống IS.
Theo Daniel Davis, lực lượng liên quân sẽ rất khó khăn để vượt qua các bất đồng này, thậm chí còn khó hơn cả việc tác chiến với lực lượng phiến quân ở thành phố Mosul.
Trước hết, cuộc chiến giành thành phố Mosul có thể trở thành thảm họa đối với người dân thường. Liên Hợp Quốc đang quan ngại rằng sẽ có khoảng 1 triệu người sẽ phải rời bỏ nhà cửa, còn các tổ chức quốc tế sẽ không có đủ tiền để “sẵn sàng chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất”.
Hiện có cảm tưởng như chính quyền Iraq đang cố gắng giảm thiểu quy mô khủng hoảng nhân đạo và kêu gọi người dân không rời bỏ nhà cửa và tìm kiếm nơi trú ẩn ngay trong thành phố. Bên cạnh đó, chính quyền Iraq cũng không giải thích cho người dân hiểu cách đảm bảo thức ăn, nước uống và thuốc thang trong trường hợp chiến sự kéo dài.
Tuy nhiên, vấn đề chính là ở chỗ Mỹ vẫn dự định sẽ sớm kết thúc cuộc chiến ở Iraq khi chỉ dựa vào những “kế hoạch không phù hợp” và thành phần không ổn định của lực lượng liên quân. Hiện Washington đang tác chiến chống IS dựa vào sự ủng hộ của một số lực lượng có những lợi ích trái ngược với Mỹ.
Quân đội Iraq kể từ sau cuộc tấn công của IS vào năm 2014 mởi chỉ phục hồi được 1 phần. Các toán quân người Kurd lại tuyên bố rằng sẽ giành lại phần lãnh thổ trước đó IS đã chiếm được. Cộng đồng Hồi giáo dòng Shiite lại có thái độ thù ghét với cộng đồng Hồi giáo dòng Sunni, đồng thời đã lên tiếng đe dọa sẽ giết lực lượng Mỹ.
Quân đội Mỹ |
Cộng đồng Hồi giáo dòng Sunni lại có hàng loạt các vấn đề không thể giải quyết với chính quyền Baghdad do người Hồi giáo dòng Shiite chiếm đa số. Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên NATO, đã chiếm 1 phần lãnh thổ 2 nước láng giềng và đe dọa sẽ giải tán liên minh. Trong khi đó, Thủ tướng Iraq Haider Al-Abadi đang đe dọa sẽ tiến hành chiến tranh chống Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo Daniel Davis, tình trạng hỗn loạn trên nảy sinh là do sự ngang bướng của Washington và mong muốn khuất phục tất cả các lực lượng khác nhờ sức mạnh quân sự của mình. Ngoài ra, Mỹ đang từng bước cố gắng “nhanh chóng giải quyết các vất đề phức tạp”. Tuy nhiên, những chính sách đối ngoại dựa vào các nguyên tắc này của Mỹ lại đang làm các vấn đề trên trở nên phức tạp hơn.
“Đây có thể là nguyên nhân quan trọng khác khiến cuộc chiến giành Mosul có thể sẽ có kết cục thảm họa”- Daniel Davis kết luận.