Bảo hiểm y tế toàn dân: Nhiều người không biết mua ở đâu?
Bảo hiểm y tế toàn dân: Nhiều người không biết mua ở đâu?
Để thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân, 90 – 95% dân số tham gia BHYT cần đến năm 2020 cùng nhiều giải pháp.
Thông tin trên được đưa ra trong hội thảo về đề án thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân giai đoạn 2012 – 2015 và 2020 do Bộ Y tế và Bảo Hiểm xã hội Việt Nam tổ chức chiều ngày 2/8.
Đến nay, sau gần 3 năm thực hiện Luật BHYT, có 5 nhóm tham gia BHYT gồm nhóm người lao động tham gia BHYT là trên 58%, nhóm do BHXH đóng đạt gần 100%; nhóm do ngân sách nhà nước đóng đạt gần 92%; nhóm tự nguyện và ngân sách nhà nước hỗ trợ đạt 61%, nhóm cận nghèo và tự nguyện tham gia BHYT chỉ đạt 26%.
Những yếu tố liên quan đến việc tham gia BHYT còn hạn chế hiện nay do điều kiện kinh tế, xã hội; sự hoàn thiện và tính đồng bộ của các văn bản quy phạm pháp luật, các thức tổ chức thực hiện; sự đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của hệ thống khám chữa bệnh; nhận thức của cơ quan tổ chức, cá nhân về quyền lợi và vai trò, trách nhiệm thực thi của Luật BHYT.
Nơi làm thủ tục khám chữa bệnh BHYT |
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, có một thực trạng là hiện nay người dân không biết mua BHYT ở đâu, người cận nghèo cũng không biết là họ được hưởng 50 hay 70% khi tham gia mua BHYT. Thậm chí có thẻ bảo hiểm rồi mà cũng không đi lấy, nhận thức của người dân còn rất hạn chế. Vì vậy, cần xác định nhiệm vụ của các ngành tại đề án BHYT là phải làm cái gì?
Hiện nay, độ bao phủ về dịch vụ y tế tương đối tốt, vì vậy, sắp tới Bộ sẽ rà soát lại các danh mục thuốc BHYT để phù hợp với khả năng chi trả của quỹ và đảm bảo quyền lợi của người dân, phác đồ điều trị để người dân ít phải bỏ tiền túi ra khi điều trị, đó là mục tiêu đề án cần làm.
Theo bà Tống Thị Song Hương – Vụ trưởng Vụ chính sách Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) thì để thực hiện được lộ trình đảm bảo được 3 phương diện cả dân số, dịch vụ và góc độ đề án tài chính. Trong đề án này, nên ưu tiên tăng tỷ lệ dân số tham gia BHYT, song song với nó chúng ta cần có giải pháp bao phủ các dịch vụ y tế và chi phí y tế.
Nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng, để thực hiện tốt lộ trình BHYT toàn dân giai đoạn 2012 – 2015 và 2020 còn nhiều yếu tố khác khách quan tác động như vai trò của các đoàn hội tại cơ sở chưa được phát huy đầy đủ; các DN (chủ yếu là DN tư nhân) không đóng, trốn đóng hoặc không đóng đầy đủ BHYT cho người lao động.
Số người tự nguyện tham gia BHYT còn thấp, đa số người tham gia là những người mắc bệnh mãn tính, bệnh hiểm nghèo, có chi phí điều trị cao; chính sách đối với người cận nghèo chưa thúc đẩy việc tham gia BHYT; công tác tuyên truyền cho người dân những lợi ích, điểm địa để tham gia BHYT chưa đáp ứng được yêu cầu… Vì vậy, các ban ngành cần tăng cường đổi mới cơ chế chính sách, phương thức thanh toán, tăng cường tuyên truyền để, tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh BHYT…
Đồng thời xây dựng nhiều gói BHYT với nhiều mức khác nhau và chi phí khám chữa bệnh khác nhau để người dân lựa chọn, thậm chí cho phép cả DN tư nhân tham gia kinh doanh BHYT…
Nguyễn Hiếu