“Báo động” thị trường bất động sản Trung Quốc, hơn 500 triệu căn hộ bị bỏ hoang
Bloomberg đưa tin, trong một nghiên cứu được Đại học Tài chính và Kinh tế Tây Nam ở Thành Đô, Trung Quốc tiến hành và sắp được công bố, Giáo sư Gan Li cho hay gần 22% số nhà ở tại khu vực thành thị của nước này đang không có người sinh sống.
Con số này khiến số nhà ở bị bỏ trống ở Trung Quốc tăng lên hơn 500 triệu căn. Đây là con số chưa bao gồm những căn nhà mà các dự án bất động sản đã xây xong nhưng chưa bán.
Hơn 500 triệu căn hộ bị bỏ hoang ở các thành thị của Trung Quốc. |
Điều khiến các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc lo ngại nhất là việc chủ sở hữu của những căn nhà bị bỏ trống sẽ bán tháo nếu thị trường bất động sản có dấu hiệu đi xuống. Động thái này sẽ nhanh chóng đẩy giá nhà vào một vòng xoáy sụt giảm chóng mặt. Tỷ lệ nhà bị bỏ trống ở mức cao như vậy còn là dấu hiệu cho thấy những nỗ lực kiềm chế hoạt động đầu cơ bất động sản của chính quyền Bắc Kinh trong những năm qua không mấy phát huy tác dụng.
"Không có một quốc gia nào trên thế giới có tỷ lệ nhà bỏ trống cao đến như vậy. Chỉ cần một vết rạn nứt xuất hiện trên thị trường bất động sản, nhà sẽ bị bán tháo như một dòng lũ ", Giáo sư Gan chia sẻ.
Một giải pháp mà chính quyền Bắc Kinh có thể sử dụng để ngăn chặn tình trạng đầu cơ nhà ở là đánh thuế vào các nhà bị bỏ trống. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, không dễ gì để xác định đâu là nhà bị bỏ trống.
Cũng theo ông Gan, trong năm ngoái, hàng trăm nhà nghiên cứu đã tới 363 khu vực trên lãnh thổ Trung Quốc để tiến hành cuộc điều tra mang tên Điều tra Tài chính Nhà ở do Đại học Tài chính và Kinh tế Tây Nam chủ trì.
Tỷ lệ căn hộ bị bỏ trống ở Trung Quốc hiện không mấy thay đổi so với năm 2013 với tỷ lệ là 22,4%. Theo nghiên cứu năm 2013, số căn hộ bị bỏ trống là 49 triệu căn.
Trong nhiều năm qua, đầu cơ bất động sản đã trở thành vấn đề đáng quan ngại đối với giới lãnh đạo Trung Quốc. Thậm chí, một số tỉnh thành của Trung Quốc đã có các biện pháp thắt chặt kiểm soát, song dòng tiền lại chảy sang thị trường bất động sản ở những địa phương khác. Việc làm giá và số nhà bị bỏ trống còn cao khiến nhiều triệu người Trung Quốc không có nhà để ở và kéo theo tình trạng bất bình đẳng trong xã hội gia tăng.
Hồi tháng 10 năm ngoái, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã có tuyên bố nhấn mạnh, “nhà xây cho những người không có nhà để ở, chứ không phải để đầu cơ”.
Còn theo ông Gan, những ngôi nhà chỉ dành để ở vào cuối tuần hay kỳ nghỉ lễ cùng tình trạng người lao động di cư tới những khu vực kinh tế nhộn nhịp đã đẩy tình trạng số nhà bị bỏ trống gia tăng. Tuy nhiên, đầu cơ mới là yếu tố lớn nhất làm tăng số nhà trống, ông Gan nhận định.
Cũng theo Giáo sư Gan trong 1- 2 năm tới, chính phủ Trung Quốc sẽ cho tiến hành một cuộc điều tra lớn hơn về tình trạng nhà bỏ trống trên toàn quốc.
Một cựu quan chức cấp cao Trung Quốc tên Chen Xiwen cho hay trong năm nay, tỷ lệ nhà bỏ trống tại các thành phố lớn và tầm trung ở Trung Quốc là vào khoảng 13%. Ông Qiu Baoxing, cựu Thứ trưởng Bộ Nhà ở Trung Quốc cho biết riêng tại Bắc Kinh, tỷ lệ này được cho là dao động từ 10 - 20%, cao hơn so với ở những quốc gia đánh thuế nhà bỏ trống.
Ví dụ điển hình về nhà bỏ trống là một căn biệt thự ở ngoại ô Thượng Hải được cha mẹ của Natalie Feng (27 tuổi) mua cho cô. Nhà Feng dự định sẽ dùng ngôi nhà hai tầng này làm nơi nghỉ ngơi cuối tuần. Trên thực tế, căn nhà bị bỏ trống trong phần lớn thời gian và khó tìm được khách cho thuê.
"Để đến biệt thự vào cuối tuần, chúng tôi phải lái xe mất cả giờ đồng hồ, sau đó còn mất thêm nửa ngày để dọn dẹp", cô Feng chia sẻ.
Cô Feng cho rằng ước gì cha mẹ không mua căn biệt thự ở ngoại ô Thượng Hải cho mình bởi trong thời gian tới nếu cô Feng có ý định mua thêm một căn hộ mới, nó sẽ bị tính là khối bất động sản thứ hai của cô. Điều đó có nghĩa với việc cô Feng sẽ phải đặt cọc một khoản tiền lớn hơn để mua căn hộ mới.