Báo chí Đức: Các lệnh cấm vận rất ít tác dụng với Nga
Theo BI, hôm 27/7, tạp chí Der Spiegel của Đức đưa tin, Giám đốc tình báo Đức Gerhard Schindler đã nói với Ủy ban đối ngoại của quốc hội Đức rằng, nội bộ Nga đang có sự chia rẽ, giữa những người ủng hộ đường lối cứng rắn của Tổng thống Putin và các "thủ lĩnh chính trị" của Nga, về các biện pháp trừng phạt kinh tế mà phương Tây đang định nhằm vào Nga.
Der Spiegel viết: "Theo tình báo Đức, rất có thể một số đầu sỏ chính trị Nga, đang lo lắng về các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu, sẽ sớm đặt lợi ích kinh tế lên trên các mối lo ngại về chính trị và đang tìm cách ‘hãm’ (đường lối cứng rắn) của ông Putin".
Tổng thống Nga Putin trong một cuộc gặp với Thủ tướng Đức Merkel. |
Ông Schindler nói với các nghị sĩ rằng, không giống như lúc bắt đầu cuộc khủng hoảng Ukraine, những rạn nứt này đã bắt đầu xuất hiện trong khối quyền lực của ông Vladimir Putin.
Theo BI, những báo cáo trên của tình báo Đức có thể đã ảnh hưởng đến lập trường của Berlin về các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Moscow.
Trước đó, Đức luôn tỏ ra quan ngại về việc áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga vì lo sợ điều đó sẽ làm tổn hại đến lợi ích kinh doanh của rất nhiều doanh nghiệp Đức tại Nga. Những người đứng đầu ngành công nghiệp Đức đã cảnh báo rằng nếu Nga bị trừng phạt thì tất cả các bên đều là kẻ thua cuộc.
Tuy nhiên, hồi tuần trước, Thủ tướng Đức Merkel đã yêu cầu EU áp đặt các biện pháp trừng phạt nhanh chóng đối với Nga, mặc dù trước đó bà phản đối ý tưởng này. Động thái trên được cho là thể hiện sự bực tức của Đức đối với việc Tổng thống Putin thất bại trong việc điều tra thảm kịch MH17.
Người đứng đầu ủy ban miền đông của ngành công nghiệp Đức, chuyên giám sát các lợi ích thương mại và kinh doanh ở Nga, gần đây cũng cho rằng, đã đến lúc đặt các lợi ích chính trị lên trên những mối lo ngại về kinh tế.
Theo BI, trong một cuộc phỏng vấn với Der Spiegel hôm 27/7, Bộ trưởng Kinh tế Đức Sigmar Gabriel nói rằng, các lệnh trừng phạt của EU đối với Nga nên đặc biệt nhắm vào các lãnh đạo doanh nghiệp giàu có của Nga. Ông nói: "Chúng ta phải nhằm vào các đầu sỏ chính trị, chúng ta phải làm như vậy ngay trong tuần này”.
Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schäuble cũng có quan điểm tương tự. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Bild am Sonntag hôm 27/7, ông này nói rằng, lợi ích kinh tế của Đức nên đứng thứ hai so với chính sách đối ngoại của Đức với Nga.
Ông nói: “Đồng Rúp đang mất giá, thâm hụt ngân sách của Nga đang tăng và tốc độ phát triển kinh tế đang chậm lại. Tổng thống Nga cũng đã biết điều đó”.
“Nga sẽ chịu được rất lâu”
Tuy vậy, hôm 28/7, tờ Deutsche Welle của Đức dẫn lời ông Philipp Missfelder, người phát ngôn chính sách đối ngoại của liên đảng bảo thủ Đức (CDU), cho rằng, các biện pháp trừng phạt kinh tế với Nga có thể có hiệu quả nhưng không phải là “thuốc chữa bách bệnh”.
Ông Philipp Missfelder, người phát ngôn chính sách đối ngoại của liên đảng bảo thủ Đức (CDU) |
Ông cũng cho rằng, mối đe dọa bị phương Tây trừng phạt sẽ gây lên các cuộc tranh luận tại Nga, nhiều người sẽ tự hỏi: “Có đáng để chúng ta mất quá nhiều thứ vì Ukraine và Crimea hay không?” Tuy nhiên, theo ông, điều đó vẫn chưa xảy ra ở Nga. Hơn nữa, các đầu sỏ chính trị Nga không còn có nhiều ảnh hưởng như trước đây. Ảnh hưởng của họ đã bị ông Putin làm suy giảm.
Ông cũng cho rằng, các biện pháp trừng phạt hiện tại đối với Nga đã có tác dụng, nhưng chúng không thể thay thế một giải pháp chính trị. Nga có tiềm lực lớn; do vậy, họ có thể chịu đựng được trong một thời gian dài nếu bị áp đặt lệnh trừng phạt.
Theo ông, biện pháp chính trị cần được thực hiện đó là phải có lệnh ngừng bắn ở Ukraine. Khi đó, các nước phương Tây có thể tận dụng điều đó để đạt được những mục đích khác và cố gắng phát triển một mô hình ổn định cho toàn Ukraine.
Nội dung được thực hiện thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ trang Business Insider (Mỹ) và tờ Deutsche Welle của Đức.