Báo Canada: ‘Gấu Nga’ đã trỗi dậy, ‘rồng, hổ’ hãy dè chừng
Tổng thống Nga Vladimir Putin. |
Tác giả của bài báo là ông Lawrence Solomon, nhà hoạt động môi trường hàng đầu của Canada, từng là cố vấn cho cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter trong thập niên 1970 và hiện là cây bút gạo cội của các tờ như Wall Street Journal, The Globe and Mail… đồng thời là tác giả của hàng loạt đầu sách best-seller ở Mỹ và Canada.
Mở đầu bài viết, tác giả Lawrence Solomon cho rằng dầu mỏ là hàng hóa chiến lược nhất thế giới, còn Trung Đông là khu vực chiến lược nhất thế giới. Đó là lý do Thủ tướng Anh Winston Churchill đã giành dầu mỏ Iran cho Đế quốc Anh trước Chiến tranh thế giới thứ I, Tổng thống Franklin D. Roosevelt đã giành dầu mỏ của Arab Saudi cho Mỹ trước Chiến tranh thế giới thứ 2, và lý do phương Tây có nguồn năng lượng cần thiết để vượt qua Chiến tranh Lạnh sau Chiến tranh thế giới thứ Hai. Đó cũng là lý do mà Mỹ đang sa chân vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới chống lại Nga và các đồng minh, Tổng thống Vladimir Putin đang giành ảnh hưởng của Nga đối với dầu mỏ của Arab Saudi, cùng với hầu hết các mỏ năng lượng chiến lược khác ở Trung Đông.
Tháng trước, Arab Saudi đã tuyên bố một sự chuyển hướng lớn khỏi Mỹ, khi đề nghị mua vũ khí của Nga và không chấp nhận một ghế tại HĐBA LHQ. Trong một động thái có hậu quả tương tự, Arab Saudi đang khuyến khích những người Ai Cập cũng chuyển sự trung thành từ Mỹ sang Nga, quốc gia có truyền thống đáng tin cậy hơn đối với các đồng minh của họ.
Tổng thống Nga Putin, người đã đề nghị cung cấp cho Ai Cập bất kỳ loại vũ khí nào mà Mỹ từ chối bán, sẽ sớm thăm Ai Cập để tuyên bố một thỏa thuận vũ khí, cũng bao gồm việc xây dựng một căn cứ hải quân lớn tại Ai Cập cho hạm đội Địa Trung Hải hiện đang được mở rộng của Nga. Tàu chiến Nga hiện đang tuần tra tại các vùng biển giàu năng lượng ở ngoài khơi Libya, Ai Cập, Israel, Lebanon, Syria và Cyprus, những nơi Nga cũng đang mua cổ phần kinh doanh. Với một căn cứ thường xuyên tại Ai Cập, Nga sẽ có khả năng kiểm soát kênh đào Suez, mà Mỹ hiện có đặc quyền tiếp cận vì các nhu cầu quân sự và nơi vận chuyển hầu hết các dòng dầu mỏ của châu Âu.
Với việc các nước sản xuất dầu mỏ lớn là Saudi Arabia và Iran đang nghiêng về phía Nga, cùng với những quốc gia có tầm quan trọng về quân sự như Ai Cập và Syria, Nga đang nổi lên là một cường quốc vượt trội tại Trung Đông, có ảnh hưởng hơn cả Mỹ, quốc gia đang bị các đảng Hồi giáo và Arập trong khu vực coi là một con "hổ giấy". Israel cũng đang coi Mỹ là một đối tác không đáng tin cậy và quay sang tăng cường các mối quan hệ với Nga, quốc gia đang mua công nghệ quân sự, cũng như cổ phần trong các mỏ khí đốt lớn mới được phát hiện tại Địa Trung Hải của Israel.
Tàu chiến Nga hiện đang tuần tra tại các vùng biển giàu năng lượng ở ngoài khơi Libya, Ai Cập, Israel, Lebanon, Syria và Cyprus. |
Việc Nga trở lại Trung Đông đang đe dọa an ninh và kinh tế của phương Tây. Trước đây, Saudi Arabia có thể giúp phương Tây ổn định giá dầu thế giới khi tăng sản lượng dầu khi cần thiết để ổn định các nền kinh tế. Giờ đây, Arab Saudi cùng với các cường quốc dầu mỏ Nga và Iran, đến lúc nào đó có thể sử dụng đòn bẩy năng lượng của họ để gây bất ổn cho phương Tây.
Kể cả việc không xảy ra những sự kiện bất thường như vậy, Nga cũng sẽ có sự kiểm soát hơn bao giờ hết thị trường năng lượng lớn của họ là châu Âu, hiện đang phụ thuộc vào nhập khẩu để đáp ứng tới một nửa nhu cầu năng lượng của họ. Trong vòng 20 năm tới, nếu không khai thác các nguồn dầu khí phi truyền thống, châu Âu sẽ phải nhập khẩu 70% nhu cầu năng lượng của họ. Số dầu nhập khẩu này dự kiến đến từ Nga và các đồng minh Trung Đông của Nga, khiến châu Âu ngày càng nằm trong tầm ảnh hưởng của Nga. Bắc Mỹ sẽ may mắn được độc lập về năng lượng, nhưng nếu cứ theo xu hướng hiện nay sẽ ngày càng trở nên bất lực và không thích hợp trên trường thế giới.