Báo Anh: Nga đang bí mật hủy diệt NATO và EU từ bên trong
Express cáo buộc, điện Kremlin đang bí mật thao túng dư luận cũng như chính sách của chính phủ châu Âu, đồng thời kích động sự chia rẽ, bất ổn trong xã hội phương Tây, theo hướng đem lại lợi ích cho các giá trị chính thống của Nga.
Tờ Express cho rằng, các tổ chức phi chính phủ và các viện chính sách do chính phủ Nga hậu thuẫn đang thực hiện một chiến dịch tấn công trên khắp EU với mục đích chuyển đổi dư luận châu Âu sang hướng tích cực cho chính trị và các chính sách của Nga. Đồng thời, Điện Kremlin đang sử dụng cái gọi là "sức mạnh mềm" để thúc đẩy quan điểm rằng Mỹ là kẻ thù chung của Nga và châu Âu.
Trong khi đó, cũng theo Express, Tổng thống Nga Putin đã kích động sự bất đồng về các giá trị tiến bộ bên trong EU, bao gồm cả hôn nhân đồng tính và thay vào đó là các giá trị truyền thống của Nga. Moscow cũng đang cố tạo ra sự so sánh giữa nhà lãnh đạo mạnh mẽ ở Moscow với các chính trị gia yếu đuối của phương Tây, từ đó dẫn đến suy nghĩ Nga đang “trên cơ” châu Âu.
Tổng thống Nga Vladimir Putin |
Hồi tháng Bảy, Trung tâm Nghiên cứu châu Âu Wilfried Martens của Bỉ cũng đưa ra một báo cáo khẳng định, Nga đang hoạt động rất sâu bên trong nội bộ châu Âu, đặc biệt là sau khi tâm lý bài Nga gia tăng ở châu Âu do sự kiện Moscow sáp nhập Crimea và gây căng thẳng ở Ukraine.
Báo cáo cũng tiết lộ các chuỗi ảnh hưởng của Nga từ các quan chức cấp cao nhất của Điện Kremlin đến 28 nước thành viên EU. Anh cũng không phải ngoại lệ. Có nhiều tổ chức truyền thông do chính phủ Nga hậu thuẫn đang có trụ sở tại Anh. Họ đang tạo ra một sự bất ổn tiềm ẩn và khuyến khích một số người gốc Nga kích động sự hỗn loạn ở Anh.
Các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu châu Âu Wilfried Martens nhấn mạnh, mục tiêu tổng thể của Moscow là tạo ra "mối quan hệ hợp tác toàn châu Âu dựa trên trục Moscow, Paris và Berlin, để thay thế NATO và EU ".
Nga đang đổ tiền vào nhiều tổ chức châu Âu khác nhau để chống lại NATO hay sự hiện diện của Mỹ ở châu Âu cũng như chống lại hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tại Cộng hòa Séc.
Báo cáo cho rằng, nguồn tài trợ lên tới 55 triệu euro, và con số thực tế có thể còn cao hơn nữa. Moscow cũng đang chuyển tiền trực tiếp cho các viện chính sách châu Âu để gây ảnh hưởng đến giới tinh hoa chính trị và tình báo khu vực.
Các lực lượng NATO trong một cuộc tập trận. |
Các nhà nghiên cứu nói rằng kế hoạch của Nga dựa trên sự liên minh về ý thức hệ của Hồi giáo và Chính thống giáo để chống lại Thiên chúa giáo của phương Tây. Phương pháp mà Điện Kremlin đang sử dụng là khuyến khích chống Mỹ ở Pháp và hỗ trợ đức tin chính thống ở Balkans nhằm tăng cường mối quan hệ giữa Đông Âu và Nga.
Russkiy Mir Foundation và Rossotrudnichestvo là hai tổ chức Nga đang có các chi nhánh ở bên trong EU để làm nhiệm vụ quảng bá văn hóa cũng như những tư tưởng chính trị của Nga.
Estonia, Latvia và Lithuania được cho là dễ bị tổn thương nhất với sự tấn công bí mật của điện Kremlin. Theo báo cáo, các mật vụ Nga đang kiểm soát hầu hết các tổ chức phi chính phủ ở các nước Baltic.
Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng, nhiều nhân vật chính trị cao cấp của Nga như ông Konstantin Kosachev, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại tại Hội đồng Liên bang, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov và Vitaly Ignatenko, Phó chủ tịch Ủy ban Quan hệ đối ngoại của Hội đồng Liên bang đang đứng đấu các chuỗi hoạt động chống NATO và EU trên khắp châu Âu.
Ban lãnh đạo của hầu hết các viện chính sách có tư tưởng ủng hộ Nga đều là những nhân vật liên quan đến điện Kremlin, các cựu đại sứ, các nghị sĩ cấp cao của Nga và các lãnh đạo doanh nghiệp.
Báo cáo cảnh báo: "Trong bối cảnh Nga sáp nhập Crimea, gây căng thẳng ở Ukraine, tăng cường quân đội dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Vladimir Putin, EU nên để tâm đến sự ủng hộ Nga một cách công khai hay bí mật của các tổ chức phi chính phủ và các viện chính sách tại châu Âu”.
Trung tâm Nghiên cứu châu Âu Wilfried Martens cũng khẳng định, cảnh sát và các cơ quan tình báo EU nên tập chung vào các hoạt động “ám muội” của Nga, hoạt động của các tổ chức phi chính phủ đang làm việc chặt chẽ với các nhà hoạch định chính sách châu Âu.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tờ Express của Anh. Express có 3 phiên bản Daily Express, Sunday Express và trang điện tử express.co.uk.