Báo Anh: Bác sĩ Việt câu kết làm giá thuốc
Báo Anh: Bác sĩ Việt câu kết làm giá thuốc
Theo nghiên cứu của anh Nguyễn Tuấn Anh từ Đại học Dược Hà Nội, chính chi phí hoa hồng cho các bác sĩ đã khiến giá thuốc Việt Nam tăng cao. |
Sau khi phỏng vấn các bác sĩ, các ông ty dược và các quan chức chính phủ cũng như các dược sĩ ở cả bệnh viện công và tư, anh Nguyễn Tuấn Anh, tác giả bản nghiên cứu, đã kết luận rằng khoảng 40% chi phí thuốc của Việt Nam được dành để “lại quả” cho các bác sĩ.
“Khi tôi thảo luận vấn đề này với các đồng nghiệp ở các quốc gia châu Á khác thì họ cho biết tình hình ở nước họ cũng như vậy”, anh Tuấn Anh cho biết.
Theo Reuters, trong bản nghiên cứu của mình, anh đã chia tách các thành phần cấu tạo nên giá dược phẩm ở Việt Nam cả các thành phần hợp pháp và phi pháp. Anh nhận thấy từ 40% đến 60% giá bán cuối cùng của dược phẩm được dành để trả cho những người kê đơn một số loại thuốc cũng như trả cho các nhân viên thu mua thuốc ở bệnh viện. Phần trăm lớn nhất được dành để trả cho bác sĩ.
Tác giả Nguyễn Tuấn Anh cho rằng vấn đề này đặc biệt trầm trọng đối với các loại thuốc do các công ty châu Á sao chép công nghệ và sản xuất bán. Ở Việt Nam, giá các loại thuốc này đôi khi còn cao hơn chính sản phẩm gốc chính hãng do các công ty dược thanh toán chi phí hoa hồng cao cho các bác sĩ.
Các công ty dược phẩm châu Âu cũng không tránh khỏi tình trạng “lại quả”. Những đại diện của các công ty dược mà tác giả Tuấn Anh đã phỏng vấn cho hay các bác sĩ mong nhận được 15% hoa hồng từ các nhà sản xuất dược phẩm châu Âu còn đối với các công ty châu Á thì họ mong nhận được gần 40%.
Kết quả nghiên cứu này được trình bày tại Hội thảo quốc tế vì sự cải tiến thuốc men diễn ra ở Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ tháng 10 năm ngoái. Cuộc điều tra cho thấy các công ty đa quốc gia có xu hướng cấm hành vi hối lộ, ít nhất là về mặt quy định, mặc dù họ gặp sức ép phải đảm bảo doanh số bán hàng nên thông thường các nhân viên kinh doanh của họ vẫn phớt lờ quy định và đưa tiền cho người kê đơn thuốc.
Đôi khi, các công ty đa quốc gia “lại quả” bằng những kỳ nghỉ xa hoa vì ngành công nghiệp dược phẩm Hoa Kỳ có các qui định cấm hành vi “lại quả”.
Còn các bác sĩ tham gia trả lời trong cuộc nghiên cứu cho hay họ nhận các khoản hoa hồng cả bằng tiền mặt hoặc ngoài tiền mặt để bù cho mức lương thấp của mình và tình trạng chung của ngành công nghiệp dược phẩm là các dược sĩ có thu nhập chính từ tiền hoa hồng. Tuy nhiên một số bác sĩ có tiếng quyết tâm đứng ngoài phong trào này để giữ sự “trong sạch” của mình.
Đây là tình trạng mà một nhân viên kinh doanh dược cho rằng hệ thống đã đảo lộn.
“Bây giờ, bác sĩ càng tệ thì họ càng có nhiều tiền. Điều đó thật là nực cười”, anh này nhận xét.
Tùng Lâm