Báo Ấn Độ: ‘Cuộc chơi’ ở châu Á không thể thiếu Việt Nam
Nhân chuyến thăm chính thức nhà nước Ấn Độ của Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, đề tài mối quan hệ Việt - Ấn đã được giới truyền thông nước này vô cùng quan tâm.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh |
Trong bài viết của mình nhân sự kiện này, tờ IndiaExpress đã khẳng định, trong quá khứ, New Delhi đã tỏ ra mình là một người bạn rất đáng tin cậy và vô tư đối với nhân dân Việt Nam. Vào cuối thập niên 60, đầu 70 của thế kỷ trước, Ấn Độ là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới lên tiếng phản đối kịch liệt hành động ném bom miền Bắc Việt Nam của Mỹ, bất chấp vì việc này mà mối quan hệ giữa Washington và New Delhi đã bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng. Chưa hết, khi Việt Nam sang giúp nhân dân Campuchia chống lại chế độ diệt chủng Pol Pot, Ấn Độ cũng đã thể hiện một sự ủng hộ rất mạnh mẽ kể cả khi Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản… đều tỏ thái độ không hài lòng.
Đó mới chỉ là về phương diện ngoại giao, trên mặt trận kinh tế, vào đầu thập niên 1990, khi cả hai nước cùng mở cửa để phát triển kinh tế, họ đã tìm đến nhau rất nhanh. Ngay khi Việt Nam cho phép các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực dầu khí, các công ty Ấn Độ chính là những người giành được các hợp đồng đầu tiên.
Nhưng trong cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Manmohan Singh và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bên cạnh vấn đề an ninh năng lượng và hợp tác kinh tế, chắc chắn vấn đề địa chính trị và sự hợp tác để “có thêm những người bạn mới” cũng sẽ được đề cập. Đến bây giờ, New Delhi đã nhận ra rằng, trong cuộc chơi của họ ở châu Á, Việt Nam đóng một vai trò rất quan trọng đối với an ninh của Ấn Độ.
Cần phải thừa nhận rằng, trước đây, dù quan hệ tốt đẹp nhưng Ấn Độ vẫn nhìn Việt Nam bằng “con mắt cũ”. Đối với nhiều thế hệ người Ấn Độ, Việt Nam đã chiến thắng cả 2 đế quốc Pháp và Mỹ để trở thành hình tượng của sự kiên cường của châu Á. Ở Calcutta, người ta đã đổi tên Harrington nơi đặt Lãnh sự quán Mỹ thành Đại lộ Hồ Chí Minh để tưởng nhớ người đã sáng lập ra nhà nước Việt Nam hiện đại.
Nhưng hiện nay, Việt Nam và Mỹ đã có những cái bắt tay và đó là một Việt Nam rất khác. Với dân số 90 triệu người và một nền kinh tế phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây, Việt Nam đã nổi lên như một quyền lực “ghê gớm” và đã đến lúc Ấn Độ phải nhìn Việt Nam một cách thực tế hơn chứ không nên dựa vào những “ấn tượng quá khứ”. Bên cạnh việc bắt tay với Mỹ, Việt Nam giờ đây còn có một đối tác vô cùng thân thiết đó là Nhật Bản – quốc gia cũng đã từng có thời là kẻ thù của họ. Đồng thời, mối quan hệ đồng minh truyền thống với Nga cũng đang được củng cố và hâm nóng hơn sau một thời gian dài trầm lắng. Tất cả đều đã thể hiện rõ rằng Việt Nam đã hiểu mình cần phải làm gì trong một thế giới đa cực.
Chiến hạm Ấn Độ ghé thăm Việt Nam tháng 6/2013. |
Xây dựng quan hệ đối tác mạnh mẽ với Ấn Độ là một phần quan trọng của chiến lược đa dạng hóa quốc phòng của Việt Nam. Kể từ khi hai nước chính thức ký kết Hiệp ước đối tác chiến lược trong năm 2007, Ấn Độ đã liên tục mở rộng hợp tác quốc phòng với Việt Nam. Mới đây, New Delhi đã thông báo cung cấp một hạn mức tín dụng 100 triệu USD để mua tàu tuần tra từ Ấn Độ. Hải quân Ấn Độ cũng đồng ý đào tạo thủy thủ tàu ngầm cho Việt Nam kể từ khi Việt Nam thông báo mua 6 tàu ngầm Kilo từ Nga. Trong các kế hoạch hiện đại hóa hải quân Việt Nam, Ấn Độ đóng một vai trò đáng kể và giúp Việt Nam nhanh chóng làm chủ các hệ thống vũ khí mới. Ở chiều ngược lại, kể từ năm 2000 đến nay, Việt Nam cũng thường xuyên đón tiếp các hạm đội của Ấn Độ ghé thăm và tạo điều kiện cho các hạm đội này tiếp cận các quân cảng và cơ sở hậu cần của mình.
“Bên cạnh vai trò của Ấn Độ ở Thái Bình Dương, một hoạt động hải quân tích cực với Việt Nam phục vụ nhiều mục tiêu quan trọng của Ấn Độ”, tờ IndiaExpress viết.
Một Việt Nam an toàn sẽ giúp ổn định một dải ven biển đang ngày càng quan trọng đối với thương mại và lợi ích an ninh năng lượng của Ấn Độ. Hai, hợp tác an ninh hàng hải với Việt Nam sẽ tăng cường các mục tiêu lâu dài về tự do hàng hải và bảo vệ Biển Đông. Ba, trong tương lai, Ấn Độ có thể không còn xem Ấn Độ Dương và Biển Đông là những khu vực riêng biệt bởi sự mất cân bằng ở một trong hai khu vực chắc chắn sẽ làm mất ổn định ở khu vực kia. Một sự hiện diện bền vững của hải quân Ấn Độ ở Biển Đông phải được xem là một yếu tố quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương của New Delhi.
Việt Nam đã đưa Ấn Độ vào cốt lõi trong chiến lược an ninh quốc gia của mình và New Delhi cũng phải làm như vậy. Quan hệ đối tác quốc phòng mạnh mẽ sẽ cho phép Ấn Độ để tạo ra nhiều lựa chọn hơn cho an ninh của mình trong Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.