Bạch tuộc đốm xanh từng gây ngộ độc
Theo đó, vào lúc 2h ngày 7/7, vợ chồng anh Hoàng X. (32 tuổi) và chị Văn Thị T. (ở xã Vinh Hà, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đi đánh bắt hải sản bằng lừ ở khu vực biển Hòn Chảo, đoạn giáp ranh vùng biển Đà Nẵng.
Đến 3h sáng, khi vợ chồng anh X. đứng trên thuyền thì chị T. bất ngờ bị con bạch tuộc cắn ở chân, khiến chị ngất lịm. Anh X. vội cho thuyền chạy vào bờ rồi thuê xe đưa chị T. vào Bệnh viện Đa Khoa Đà Nẵng cấp cứu nhưng các bác sĩ cho biết vợ anh đã tử vong.
Với con bạch tuộc mà gia đình anh X. giữ lại được nhiều chuyên gia nhận định là bạch tuộc đốm xanh.
Trao đổi với chúng tôi một chuyên gia đầu ngành về chống độc cho rằng thông tin về việc bạch tuộc cắn chết người là hết sức vô lý. Tại trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị bạch tuộc cắn khi đi tắm biển, nhưng chưa có trường hợp nào tử vong, mà đều được điều trị khỏi.
Một cán bộ của Viện Hải dương học cho biết, đây không phải lần đầu tiên có người bị nạn do bạch tuộc cắn mà trước đó tại các tỉnh Bến Tre, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang, ngư dân bắt được nhiều bạch tuộc đốm xanh. Thay vì hủy bỏ loại động vật nguy hại này, nhiều người lại đem ra chợ bán với giá rẻ. Có người ăn phải đã bị ngộ độc với triệu chứng: tê môi miệng, buồn nôn, chóng mặt, chảy nước dãi, tay chân tê liệt.
Theo các nhà khoa học, vòi bạch tuộc đốm xanh có nhiều chất độc cực mạnh, nhất là ở tuyến nước bọt. Nếu ngư dân bị loài này cắn có thể chết ngay, ăn phải thịt nó cũng bị ngộ độc. Một con nhỏ, khoảng 25 gr, có đủ độc tố làm 10 người ăn phải bị ngộ độc.
Bạch tuộc đốm xanh rất dễ nhận dạng, dài 6-20 cm, có 8 tay vòi, hình đốm tròn, thân màu xanh.
Khi bị kích động hoặc chuẩn bị tấn công, màu sắc của các con mực này trở nên sặc sỡ. Đó chính là lúc chúng tiết chất độc từ tuyến nước bọt. Chất độc này rất nguy hiểm đối với hệ thần kinh, nhất là ở trẻ em và người già.