"Bách niên đại thụ" ở Sơn Trà có nguy cơ gãy đổ
Cây đa ngàn năm tuổi từng được mệnh danh là "Bách niên đại thụ" ở bán đảo Sơn Trà - Ảnh: HC |
Theo ông Phan Xuân Tiệp, Phó BQL bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng (BQL bán đảo Sơn Trà), ở khu vực phía Đông bán đảo Sơn Trà có nhiều cây đa cổ thụ có từ hàng trăm đến hàng nghìn năm tuổi. Trong đó nổi bật hơn hết là cây đa cổ thụ ở tiểu khu 63, từng được gọi tên là "Bách niên đại thụ" và có giá trị sinh thái rất lớn. Với hình dáng đặc sắc, hùng vĩ gồm 26 rễ phụ có chiều cao ước tính 25m, chu vi thân 10m, cây đa này đã trở thành điểm tham quan hết sức ấn tượng đối với du khách trong và ngoài nước. Rất nhiều công ty du lịch đã chọn cây đa cổ thụ này làm một trong những điểm đến cho du khách khi mở các tour du lịch sinh thái khám phá bán đảo Sơn Trà.
Mới đây, BQL bán đảo Sơn Trà phối hợp với Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn đã tiến hành kiểm tra thực tế tình hình sinh trưởng, phát triển của "Bách niên đại thụ" và nhận thấy việc xây dựng tuyến đường cơ động bán đảo Sơn Trà ở ngay bên dưới, sát gốc cây đa đã làm cản trở hệ rễ phụ bám đất để phát triển và thực hiện các chức năng của mình. Nếu không kịp thời có các biện pháp lâm sinh can thiệp đối với tình trạng này thì sự phát triển lệch tán của cây đa đại thụ sẽ dẫn đến nguy cơ gãy đổ rất cao.
Hiện cây đa đại thụ này đang có xu hướng phát triển lệch tán về phía biển - Ảnh: HC |
Thạc sĩ lâm sinh Đặng Ngọc Kim Trang, Trưởng Phòng Quản lý và Khai thác du lịch Sơn Trà (BQL Sơn Trà) giải thích thêm, cây đa thuộc chi Ficus, ngoài bộ rễ chính thì còn có các rễ phụ phát triển từ trên các cành, nhánh hướng xuống đất. Khi bám được vào đất, các rễ phụ này sẽ phát triển to ra thành những trụ đỡ cho cây tiếp tục ngày càng vươn rộng.
"Về nguyên tắc, các rễ phụ phải bám đất để hút chất dinh dưỡng. Nhưng rễ phụ của cây đa cổ thụ ở tiểu khu 63 khi tiếp giáp tới mặt đất đã bị tuyến đường bêtông chặn lại. Nếu các rễ phụ không phát triển được sẽ không làm thành các trụ đỡ cho hệ thống tán cây đang phát triển mạnh về phía biển. Về lâu dài, tình trạng này sẽ dẫn tới chỗ cây đa bị lệch tâm và rất dễ gãy đổ, nhất là khi gặp gió bão lớn!" - Thạc sĩ Đặng Ngọc Kim Trang nói.
Trước tình hình đó, ngày 16/11, BQL bán đảo Sơn Trà đã có công văn kiến nghị UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo nghiên cứu và đề xuất các biện pháp thích hợp để phát triển hệ rễ phụ của cây đa đại thụ.
Ngày 10/12 vừa qua, Sở NN-PTNT Đà Nẵng đã họp với các Sở TN-MT, VH-TT-DL, BQL bán đảo Sơn Trà, Chi cục Kiểm lâm và Tập đoàn Sun Group. Thạc sĩ Đặng Ngọc Kim Trang cho hay, thay vì để hệ rễ phụ ở phía taluy âm phát triển tự nhiên, hướng thẳng xuống mặt đường nhựa thì bước đầu giải pháp được các cơ quan hữu quan đề xuất là kéo các chùm rễ phụ này "chồm" qua bên kia đường để có thể tiếp xúc với mặt đất. Tiếp đó sẽ sử dụng các biện pháp lâm sinh kích thích rễ phát triển.
Tuy nhiên, do tuyến đường cơ động bán đảo Sơn Trà được mở ngay sát gốc đa nên hệ rễ phụ về phía taluy âm không thể bám đất để hút chất dinh dưỡng và thực hiện các chức năng của mình! - Ảnh: HC |
Tuy nhiên thực tế không dễ được "lãng mạn" như vậy. Có thể do yêu cầu quốc phòng và du lịch nên không thể không mở tuyến đường cơ động bán đảo Sơn Trà. Vấn đề là lẽ ra khi mở đường người ta phải tính toán để không gây hại cho những cây cối có giá trị sinh thái lớn như cây đa cổ thụ ở tiểu khu 63. Thế nhưng tuyến đường lại được mở ngay sát gốc đa. Nay việc "cưỡng bức" hệ rễ phụ không được phát triển tự nhiên mà phải "chồm" qua bên kia đường đòi hỏi rất nhiều công phu. Chưa kể khi tạo thành "vòm" thì có thể nảy sinh những vấn đề như đảm bảo tĩnh không cho việc lưu thông trên tuyến đường này!