Bác sĩ phát cáu vì bệnh nhân 'nghiện' uống thuốc, ngại thay đổi thói quen
GS Nguyễn Gia Bình – nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai cho biết tỷ lệ người trẻ mắc các bệnh liên quan tới chuyển hoá như tăng mỡ máu, tăng đường huyết ngày càng gia tăng. Khi tiếp xúc với các bệnh nhân đa số họ đều là những người lười vận động, ăn uống, bia rượu quá nhiều.
Khám và tư vấn, bác sĩ đều yêu cầu người bệnh phải thay đổi lối sống, ăn uống khoa học hơn, vận động ít nhất 30 phút mỗi ngày (vận động đổ mồ hôi), hạn chế bia rượu. Bệnh nhân đều “vâng, vâng” nhưng rời khỏi phòng khám bác sĩ thì không thay đổi.
Có bệnh nhân đến khám, chỉ số đường huyết chỉ ở mức tiền đái tháo đường, bác sĩ tư vấn chỉ cần thay đổi trong chế độ ăn uống, tập thể dục để đường huyết ổn định. Tuy nhiên, kỳ khám sau của bệnh nhân thì các chỉ số đã khác hoàn toàn. Đường huyết leo lên tới hơn 10 mmol/l lúc đói, bệnh nhân than mệt mỏi, chán ăn và chỉ xin bác sĩ cho thuốc gì uống cho nhanh.
Suốt trong thời gian tiền đái tháo đường bác sĩ tư vấn gì người bệnh đều không làm theo với lý do bận quá không có thời gian tập luyện. Ăn uống bia rượu cũng không thể làm theo vì phải tiếp khách hàng, nếu kiêng bia rượu thì ảnh hưởng tới việc kinh doanh. Sau thời gian dài, bệnh nhân tiến triển bệnh đái tháo đường tuyp 2.
Cũng từng “phát cáu” nhiều lần với bệnh nhân, TS Nguyễn Trọng Hưng – Trưởng khoa Khám - Tư vấn Dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết bản thân anh cũng tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân bị rối loạn chuyển hoá nhưng khi bác sĩ khuyến cáo thì đều đi ngược lại và họ chỉ thích uống thuốc thay vì phải thay đổi thói quen của mình.
Thói quen ăn mặn, thói quen uống bia rượu, thói quen một bước cũng lên xe là những thói quen bác sĩ thấy bất thường nhưng bệnh nhân lại thấy bình thường và không thay đổi.
Hàng ngày, bác sĩ thường gặp bệnh nhân có 2 đặc điểm, đó là kiêng khem một cách thái quá và không chịu thay đổi thói quen. Có bệnh nhân tiền đái tháo đường bác sĩ phát cho một tờ giấy in các thông tin về ăn uống tập luyện hàng ngày. Bệnh nhân đọc xong rồi bỏ đi làm luôn vì cho là kiêng hết sẽ không bị bệnh. Ngày nào người bệnh cũng chỉ ăn bát rau luộc, uống nước và đi bộ cả tiếng đồng hồ. Kết quả, 1 tuần bệnh nhân bủn rủn chân tay, hai đầu gối đau nhức. Đây là hậu quả của việc kiêng khem thái quá.
Nhưng ngược lại với kiêng khem thái quá, có bệnh nhân đường huyết lên tới 25 mmol/lít nhưng vẫn cho rằng mình khoẻ, không cần phải thay đổi gì vì sống khoa học như bác sĩ khuyên thấy “mệt”. Kết quả bệnh nhân cấp cứu vì đường huyết tăng cao và biến chứng của tiểu đường đã phá huỷ toàn bộ cơ thể từ thận, tim, phổi, mạch máu.
Con người rất khó để loại bỏ hoàn toàn thói quen của mình.
Để người bệnh từ bỏ thói quen xấu, giảm gánh nặng cho bác sĩ, nhân viên y tế, TS Hưng cho rằng ngoài việc bác sĩ “ra rả” tư vấn hay truyền thông thì biện pháp hữu hiệu đó là tăng chi phí khám chữa bệnh. Nếu chi phí khám bệnh quá đắt thì người bệnh mới thấy sợ. Giống như việc phạt nặng hành vi uống rượu bia lái xe thì người dân sẽ ý thức hơn trong việc uống bia rượu xong rồi lái xe. Với người bệnh cũng tương tự, hiện mỗi lần đi khám bệnh chi phí thấp nên họ ngại thay đổi thói quen xấu khiến bệnh nặng lên.
Khánh Chi