Bác sĩ phẫn nộ khi xem clip người nhà bệnh nhân kéo vào bệnh viện chửi bới
Trường hợp bệnh nhân là cụ bà Nguyễn Thị H. sinh năm 1938, Quảng Yên, Quảng Ninh. Theo gia đình người bệnh kể lúc 3h ngày 9/7, bệnh nhân bị ngã ở nhà vệ sinh, sau ngã mất vận động háng, đùi phải và được đưa vào bệnh viện Việt Nam – Thuỵ Điển. Khi vào viện bệnh nhân tỉnh táo, da niêm mạc hồng còn đùi và háng phải biến dạng, bàn chân phải đổ ngoài, chân phải ngắn hơn chân trái, mất vận động và kết quả chụp Xquang cho thấy bệnh nhân bị gãy cổ xương đùi phải có bong mảnh xương.
Bệnh nhân được phẫu thuật ngay sau đó, và sau phẫu thuật đến 2h chiều bệnh nhân bị tụt huyết áp, bác sĩ cho bệnh nhân được truyền dịch và sử dụng thuốc vận mạch.
Sau đó, Bệnh viện hội chẩn liên khoa và nghi ngờ nhồi máu phổi ở người phẫu thuật khớp háng không loại trừ khả năng nhồi máu cơ tim. Người bệnh tiếp tục được theo dõi hồi sức nhưng đến 4h40 phút ngày 13/7 bệnh nhân tử vong.
Bệnh viện đã mời cơ quan công an vào làm việc để tìm nguyên nhân và khi phẫu thuật tử thi phát hiện có nhồi máu phổi, động mạch phổi có cục máu đông.
Sau vụ việc, rất đông người nhà đã kéo đến bệnh viện tố các bác sĩ tắc trách, vì cho rằng khi thấy sức khoẻ của bà Hồng yếu đi đã phản ánh với kíp trực, nhưng các bác sĩ cùng các điều dưỡng viên không để tâm đến ý kiến của người nhà.
Sau đó, trên mạng xã hội xuất hiện clip cả gia đình người nhà bệnh nhân kéo nhau đến bệnh viện mắng chửi bác sĩ. Và vị bác sĩ đã ngồi im để gia đình người bệnh chửi bới, lăng mạ.
Nhiều bác sĩ sau khi xem clip đã vô cùng phẫn nộ vì cách hành xử của người nhà bệnh nhân với bác sĩ.
Trước thái độ hung hăng của thân nhân người bệnh trong vụ việc này, nhiều bác sĩ cho rằng các cơ quan chức năng cần có biệt pháp mạnh và triệt để nhằm bảo vệ nhân viên y tế khi các sự cố y khoa hoặc vụ việc tương tự xảy ra và chưa được làm sáng tỏ.
Theo TS, BS Lương Quốc Chính - Bệnh viện Bạch Mai, trường hợp tai biến là điều đáng tiếc nhưng mọi người không nên có ý nghĩ tiêu cực về nhân viên y tế vội, tại bất cứ phòng hậu phẫu nào, nhất là khi bệnh nhân mới được phẫu thuật chỉ vài giờ, chắc chắn không phải để đến lúc người nhà lên tiếng thì nhân viên y tế mới biết bệnh tình của bệnh nhân có diễn biến bất thường.
Người nhà thì luôn có những đòi hỏi phải được nghe bác sĩ giải thích về bệnh tình của người thân tới từng phút một. Ngược lại, trong khi theo dõi, chăm sóc và điều trị cho người bệnh, nếu phát hiện các bất thường, ngoài việc xử trí và ghi chép đầy đủ thì nhân viên y tế lại rất kiệm lời với thân nhân người bệnh.
"Chỉ khi nào biến cố hoặc diễn biến cực xấu xảy đến với người bệnh thì thân nhân người bệnh mới được mời vào để bác sĩ giải thích. Đây thực sự là những nhược điểm rất lớn của nhân viên y tế hiện nay, vấn đề này ở nước ngoài sẽ không như vậy. Có lẽ các bác sĩ ở Việt Nam không nên kiệm lời", TS Chính chia sẻ.