“Bác sĩ là con người, không phải là nô lệ để bị đánh đập”
Trang "Chống bạo hành y tế" vẫn đang nỗ lực tìm giải pháp để bảo vệ an toàn cho các y bác sĩ |
Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, BS Võ Xuân Sơn đã có những trao đổi thẳng thắn về vấn đề bạo hành nhân viên y tế. Đây hoàn toàn không phải là vấn đề mới mà đã tồn tại nhức nhối nhiều năm nay.
BS Võ Xuân Sơn chia sẻ: “Chỉ trong mấy ngày đầu năm 2018 đã có liên tục các ca bạo hành nhân viên y tế. Có thể nói, nền tảng đạo đức của xã hội đã xuống cấp đến mức báo động nên người ta tự cho phép mình làm những việc vô đạo đức, trong đó có việc đánh bác sĩ. Đỉnh điểm là vụ hành hung bác sĩ ở Yên Bái cho thấy rõ ràng tính côn đồ của những kẻ hành hung, chúng đánh không cần lý do”.
Tại sao những vụ việc như vậy không được giải quyết mà ngày một tăng lên? Lý do chủ yếu nhất, theo BS Võ Xuân Sơn, là tư duy của các nhà lãnh đạo phải thay đổi, lực lượng bảo vệ trật tự, bảo vệ an ninh phải thấy rằng bác sĩ là đối tượng cần được quan tâm. Những vụ bạo hành ngày một tăng, một phần lớn do phía công an không kiên quyết xử lý những vụ việc này. Cụ thể như vụ ở Bệnh viện 115 Nghệ An, bác sĩ bị một doanh nhân đánh, có sự tham gia của một lãnh đạo địa phương thì chỉ phạt hành chính, nhắc nhở là xong. BS Sơn nói: “Những chuyện như thế, thêm vào đó là ý kiến của một lãnh đạo Nhà nước lại đổ lỗi cho các bác sĩ, khác nào khích lệ người ta tiếp tục đánh bác sĩ?”.
BS Võ Xuân Sơn bức xúc: “Bác sĩ là con người, không phải là nô lệ. Những kẻ hành hung nhân viên y tế không coi bác sĩ, y tá, điều dưỡng là con người, mà giống như kẻ phục vụ, như nô lệ nên bọn chúng tự cho mình có quyền ra lệnh, sai khiến và đánh đập nếu không vừa ý. Tại sao một cô tiếp viên hàng không bị đánh thì kẻ đó bị cấm bay? Tại sao một nhân viên vệ sinh bị đánh thì chủ tịch thành phố đến hỏi thăm mà nhân viên y tế bị đánh thì không ai đứng ra giải quyết? Vụ ở Yên Bái, mười mấy người lao vào đánh nhân viên y tế mà tại sao bao nhiêu ngày nay rồi vẫn chưa tìm ra thủ phạm? Là do không tìm được hay họ không muốn tìm?”
Không những thế, hành lang pháp lý hiện nay quá mỏng và yếu, không đủ sức bảo vệ nhân viên y tế. BS Sơn đơn cử ví dụ sửa đổi luật vừa qua có điều chỉnh về xử phạt nặng người đánh người đang chữa bệnh cho mình, nhưng rõ ràng, có bệnh nhân nào đánh bác sĩ, mà chỉ có người nhà bệnh nhân đánh bác sĩ. Người nhà bệnh nhân lại không phải là người đang chữa bệnh, vì thế mức xử phạt rất nhẹ và không có ý nghĩa răn đe gì hết.
BS Võ Xuân Sơn cũng là người lập ra website và fanpage “Chống bạo hành y tế” với mục đích thu thập thông tin về các trường hợp bạo hành trong y tế, bao gồm các trường hợp hành hung nhân viên y tế và các hình thức bạo hành khác nhắm vào nhân viên y tế. Từ đó đưa ra các nhận định về nguyên nhân, cách phòng, chống các hành vi bạo hành nhắm vào nhân viên y tế.
Cùng với đó là những kiến nghị với các cơ quan chức năng các biện pháp nhằm là giảm dẫn đến triệt tiêu những hành vi bạo hành nhắm vào nhân viên y tế, xây dựng một xã hội công bằng, văn minh, tạo sự yên tâm cho nhân viên y tế hành nghề, gia tăng khả phục vụ và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Tuy nhiên, thực tế không khả quan như vậy. BS Sơn cho biết, trang “Chống bạo hành y tế” đã nhiều lần gửi kiến nghị đến các cơ quan chức năng, như đề nghị bên công an phải có hợp tác chặt chẽ, có quy định cụ thể bao nhiêu giờ, bao nhiêu phút phải có mặt khi có cuộc gọi từ phía bệnh viện; kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông về cách đưa tin những tai biến y khoa, những vụ bạo hành y tế; kiến nghị Quốc hội có những sửa đổi về luật, nếu không có được bộ luật riêng về chống bạo hành trong y tế thì cũng cần sửa lại những điều khoản của Bộ Luật hình sự có liên quan đến vấn đề bạo hành y tế, tăng hình thức xử phạt lên… nhưng đến nay không hề có hồi âm nào từ phía các cơ quan chức năng.
Trước mắt, theo BS Võ Xuân Sơn, các bác sĩ cần phải tự biết bảo vệ mình. Nhiều bác sĩ âm thầm an phận chịu đựng, vì nhiều lý do mà không dám lên tiếng, việc đó sẽ càng làm cho sự việc trở nên trầm trọng hơn. Các bác sĩ, nhân viên y tế phải đồng lòng lên tiếng phản ứng lại những hành vi bạo hành này, đưa sự việc lên công luận, tiếp đó phải yêu cầu tất cả các cơ quan chức năng vào cuộc, đưa những kẻ hành hung này ra xét xử trước pháp luật với những khung hình phạt thích đáng.
Hiện nay, nhân viên y tế đang ở thế yếu, gần như không có ai bảo vệ trong khi vẫn phải cố gắng làm tròn nhiệm vụ cứu người, đảm bảo y đức của mình.