Bác sĩ góp tiền “nuôi” người nhà bệnh nhân để họ đừng bỏ viện
Các bác sĩ bệnh viện Mộc Châu đang thực hiện ca phẫu thuật |
Tự ghi mình trên bản đồ sản khoa
Vũ Thị Hiền (Thị trấn Nông trường Mộc Châu) là một trong những bà mẹ may mắn khi bị vô sinh thứ phát được thực hiện thụ tinh nhân tạo ngay tại quê không phải xuống Hà Nội vừa giảm chi phí đi lại, vừa không phải chờ đợi.
Chị Hiền kể khi con gái lớn tròn 3 tuổi, hai vợ chống quyết định sinh thêm con, thế nhưng càng hi vọng lại càng buồn vì mãi không có tin vui. Suốt 2 năm ròng, để chữa vô sinh thứ phát vô căn, tháng nào vợ chồng Hiền cũng dắt díu nhau xuống Hà Nội để khám và chữa trị.
3 lần thực hiện thụ tinh nhân tạo (IUI) ở bệnh viện dưới Hà Nội cũng đều không mang lại kết quả như mong muốn. “Tốn kém cả về tiền bạc và thời gian trong suốt hơn 2 năm theo đuổi. Có những lúc phải ăn trực nằm chờ ở viện để theo dõi trứng, hay nửa đêm một thân bắt xe khách xuống Hà Nội để kịp khám vào sáng sớm… thế nhưng hai vợ chồng em đành chấp nhận đầu hàng”, Hiền chia sẻ.
Tuy nhiên, hi vọng lại đến với vợ chồng Hiền khi biết tin Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu cũng đã thành công với thụ tinh nhân tạo. Niềm hạnh phúc đã đến với gia đình Hiền, hai cô con gái chào đời nhờ kỹ thuật thụ tinh nhân tạo (IUI) tại Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu.
Thầy thuốc ưu tú, bác sĩ Vi Hồng Kỳ - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu cho hay, nhu cầu điều trị vô sinh của người dân địa phương không nhỏ. Nhiều gia đình để làm thụ tinh nhân tạo dưới Hà Nội phải “chầu trực” 4-5 tháng mới thụ tinh xong, chưa kể nếu thất bại lại phải quay lại, tiếp tục chờ đợi… Gây nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống và không ít người đã đầu hàng. Thấu hiểu những khó khăn này, bác sĩ Kỳ cùng các đội ngũ bác sĩ quyết tâm thực hiện
Đến nay, nhiều cặp hiếm muộn đều được điều trị vô sinh bằng phương pháp IUI ngay tại huyện, người bệnh hoàn toàn có thể sáng đến viện, chiều về nhà và chi phí giảm đáng kể.
Góp tiền cho bệnh nhân chữa bệnh
Không chỉ kỹ thuật IUI, Bệnh viện còn thực hiện nhiều kỹ thuật khó. Mộc Châu có địa lý cách xa Hà Nội 200km, cách trung tâm tỉnh Sơn La hơn 100 km, bác sĩ Kỳ cho biết nếu bệnh nhân bị chấn thương sọ não nếu phải chuyển về trung ương mất rất nhiều thời gian, nếu chuyển về trung ương mất 3 – 4 tiếng, giảm thời gian vàng cho bệnh nhân cũng có thể bệnh nhân có thể chết trên đường.
Bệnh viện đã thành lập kíp phẫu thuật 2 bác sĩ phẫu thuật và một bác sĩ gây mê, sau 6 tháng học tại Bệnh viện Việt Đức, các bác sĩ của Bệnh viện huyện Mộc Châu đã bắt đầu tiến hành ca phẫu thuật sọ não vào tháng 12/2016 và đến nay đã phẫu thuật được hơn 20 ca. Các bệnh nhân không để lại di chứng, sinh hoạt bình thường.
Mới đây nhất là cháu Vì Thị Hiền, đi lên nương với bố bị đá rơi vào đầu bị chấn thương bên trái và lõm hộp sọ. Gia đình bé là người dân tộc Thái, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Bác sĩ Kỳ cho biết khi vào viện các bác sĩ đã kịp thời phẫu thuật cho bệnh nhân. Sau phẫu thuật bệnh nhân đã dần bình phục.
Gia đình bệnh nhân Vì Thị Hiền rất nghèo, ngay cả chế độ ăn của bệnh nhân được hưởng chế độ nhưng người nhà bệnh nhân không có đồ ăn. Các bác sĩ trong khoa phải góp tiền để cho người nhà của bé có tiền ăn ở lại viện chăm sóc giúp bé được điều trị tốt nhất.
Bà của bé Hiền có trò chuyện với bác sĩ nếu phải đi lên tuyến tỉnh thôi chứ chưa nói đến Hà Nội thì họ cũng không dám đi vì không có tiền đi lại chứ chưa nói gì đến khám chữa bệnh. Điều này đã khiến cho các bác sĩ của bệnh viện càng mong muốn có thể đưa các kỹ thuật của tuyến trung ương, tuyến tỉnh về với huyện miền núi Mộc Châu.
Trường hợp của bệnh nhân L.V.T , 30 tuổi (xã Đông Sang, Mộc Châu) nếu không được các bác sĩ BV Mộc Châu mổ sọ não cấp cứu thì có lẽ đã “chầu Diêm Vương”. Bị ngã xe nhưng chủ quan không đến viện, chỉ sau ít giờ trở về nhà, anh T rơi vào trạng thái hôn mê, suy hô hấp, buộc phải nhập viện cấp cứu.
Tại viện anh T. nhanh chóng được đặt ống nội khí quản, kiểm soát hô hấp, hồi sức tích cực và được xác định là trường hợp tối cấp cứu, chắc chắn tử vong nếu chuyển tuyến trên. Sau hội chẩn, ca phẫu thuật sọ não cấp cứu được quyết định thực hiện ngay và đã thành công. “Không có các bác sĩ ở đây thì tôi không còn cơ hội được trở về với gia đình nữa”, anh T. chia sẻ. May mắn cho anh T, kỹ thuật này cũng mới được bệnh viện ứng dụng từ tháng 1/2017.
Bệnh viện tuyến cơ sở mà lại thực hiện kỹ thuật cao khiến các bác sĩ cũng áp lực. Tuy nhiên, bác sĩ Kỳ cho biết nhờ có được hỗ trợ từ xa của các chuyên gia tuyến trung ương và đề án bệnh viện vệ tinh cũng giúp cho cơ sở tạo được chuyên môn của mình.