Bác sĩ gia đình không phải là bác sĩ “dạo”
Một phòng khám BSGĐ của TP.HCM. |
Bạn Đào Thanh Hải (quận 12) từng chia sẻ: “Nghe tên gọi BSGĐ tôi có cảm giác đây là mô hình nhỏ và hình dung ra cảnh các BS sẽ sáng sáng cầm cặp đi thăm sức khỏe cho các bệnh nhân tại chính gia đình họ. Liệu suy nghĩ này của tôi có đúng không?”
Mô hình và tên gọi BSGĐ hiện nay cũng gây nhiều nhầm lẫn cho người dân. Không ít người có cùng suy nghĩ với bạn Hải, khi cho rằng BSGĐ sẽ đến nhà khám chữa bệnh, bất cứ lúc nào người bệnh điện thoại.
Trả lời về thắc mắc này, BS.CK2. Lê Thanh Tùng, PGĐ bệnh viện Quận 10 cho biết: “BSGĐ không phải BS đi khám dạo. Đây cũng không phải là mô hình nhỏ. Không phải chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, hệ thống bác sĩ gia đình là nơi tiếp cận đầu tiên với người dân để giải quyết vấn đề sức khỏe (Lúc còn khỏe và lúc bệnh).
BSGĐ bên cạnh việc khám điều trị bệnh sẽ cùng với chuyên ngành Y tế công cộng thực hiện chức năng can thiệp sức khỏe cộng đồng để giúp dự phòng, phòng tránh bệnh tật của từng cá thể và cho cả cộng đồng nhằm giảm thiểu nguy cơ bệnh tật. Vì vậy vai trò của Y học gia đình không hề nhỏ”.
Được biết, mô hình bác sĩ gia đình đã phát triển và nhân rộng ở nhiều nước trên thế giới từ thế kỷ XX. Năm 1960, Y học gia đình ra đời ở Mỹ, Anh và một số nước, đã đáp ứng kịp thời nhu cầu chăm sóc sức khỏe của cộng đồng với sự chuyển đổi mô hình bệnh tật trên toàn cầu.
Năm 1995, có 56 nước đã phát triển và áp dụng chương trình đào tạo Y học gia đình. Hiệp hội Bác sĩ gia đình toàn cầu (WONCA) đã được thành lập năm 1972 và đến nay đã có gần 100 quốc gia thành viên. Hiện nay, mô hình bác sĩ gia đình đã được phát triển rộng rãi không chỉ ở các nước phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Australia, Canada mà cả ở các nước đang phát triển như Philippines, Malaysia. Đặc biệt Cu Ba là quốc gia được coi là một hình mẫu về phát triển mô hình bác sĩ gia đình ở các nước đang phát triển.
Tại Việt Nam, năm 1998, Dự án phát triển đào tạo bác sĩ gia đình tại Việt Nam với sự tài trợ bởi quĩ CMB (China Medical Board of New York) được Bộ Y tế phê duyệt. Dự án triển khai đào tạo chuyên ngành Y học gia đình tại các trường: đại học Y Hà Nội, đại học Y - Dược TP Hồ Chí Minh, đại học Y Thái Nguyên.
Tháng 3/2000, Bộ Y tế chính thức công nhận chuyên ngành Y học gia đình và cho phép đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp I Y học gia đình. Năm 2002, Trung tâm đào tạo bác sĩ gia đình được thành lập tại trường đại học Y Hà Nội, đại học Y- Dược TP Hồ Chí Minh, trường ĐH Y Thái Nguyên và bắt đầu triển khai đào tạo chuyên khoa cấp I Y học gia đình. Đến nay đã có thêm trường đại học Y Hải phòng, trường đại học Y- Dược Huế, trường đại học Y - Dược Cần Thơ triển khai đào tạo chuyên khoa cấp I Y học gia đình.
Đến nay có hơn 1365 nhân lực hoạt động trong lĩnh vực phòng khám BSGĐ, trong đó có gần 500 bác sĩ, 333 điều dưỡng, 131 nữ hộ sinh. Hoạt động bác sĩ gia đình phát triển mạnh tại Hà Nội và HCM.