Bác sĩ gia đình có thể cấp cứu được nạn nhân tai nạn giao thông?
BSGĐ khám cho bệnh nhân. |
Đó là câu hỏi của anh Ngọc Văn (27 tuổi, nhân viên giao hàng tại Q.1, TP.HCM). Anh Văn cho biết: “Tôi gặp nhiều trường hợp tai nạn giao thông trên đường. Xin hỏi, họ có được cấp cứu trong mô hình phòng khám BSGĐ không? Nếu cấp cứu trong trường hợp nặng, khi BSGĐ có tiếp nhận sơ cứu xong, có được chuyển viện nên tuyến khác không?”
Trả lời câu hỏi này, BS Trần Văn Khanh – Giám đốc BV Quận 2 cho biết: Nếu ở các trạm có mô hình BSGĐ, gặp trường hợp tai nạn giao thông thì họ sẽ gọi cấp cứu ngoại viện. BSGĐ có thể sơ cứu ban đầu tại hiện trường, sau đó chuyển lên tuyến trên tùy từng tình trạng bệnh nhân.
Cụ thể hơn, trong đề án xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình giai đoạn 2013-2020 của Bộ Y tế đã quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền lợi phòng khám bác sĩ gia đình. Theo đó, bác sĩ gia đình có thể sơ cứu, khám bệnh, chữa bệnh đối với các bệnh thường gặp; Thực hiện việc chăm sóc sức khỏe, sàng lọc phát hiện sớm bệnh, tật và khám bệnh, chữa bệnh tại phòng khám và tại nhà người bệnh.
Tại TP.HCM, các trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, các phòng khám tư nhân có bác sĩ gia đình cũng đã phủ khắp. Theo thống kê của Bộ Y tế, TP.HCM hiện có 851 nhân viên y tế tại các phòng khám bác sĩ gia đình, cao nhất cả nước. Trong đó, có 272 bác sĩ, 217 điều dưỡng.
Như vậy, trong trường hợp khẩn cấp, bác sĩ gia đình có thể hỗ trợ nạn nhân tai nạn giao thông.