Bác sĩ làm thêm nhưng cần đúng luật
Vụ việc 4 bác sĩ đang công tác tại Bệnh viện Thủ Đức trong giờ hành chính ra ngoài khám bệnh tại một phòng khám tư nhân ở thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang đang được dư luận quan tâm và có nhiều ý kiến trái chiều.
4 bác sĩ này cho biết vì không nắm được quy định pháp luật nên đã tự sắp xếp thời gian ca trực để làm thêm và chưa báo cáo với lãnh đạo khoa, ban giám đốc bệnh viện. Lý do cho việc làm sai phạm trên là do khó khăn về kinh tế.
Đa phần các bác sĩ, để duy trì cuộc sống ổn định ở mức trung lưu, họ đều phải có danh tiếng và có một “kênh” kiếm tiền cho riêng mình.
Theo một chuyên gia về xương khớp nổi tiếng tại TP.HCM, nếu bác sĩ chỉ trông chờ vào lương của nhà nước thì chắc chắn sẽ “đói” vì thực tế thu nhập của các bệnh viện nhất là tuyến quận, huyện còn thấp. Vì vậy, bác sĩ phải có cách tự kiếm tiền cho mình.
Bác sĩ được phép mở phòng mạch hoặc ra ngoài làm sau giờ hành chính từ 17h tới 7h tối. Họ được phép mở phòng mạch và trau dồi tri thức tự tạo giá trị thương hiệu cho mình để người bệnh tìm tới mình khám thì chắc chắn họ sẽ không nghèo.
Cùng quan điểm, bác sĩ Tr. – một chuyên gia sản khoa tại TP.HCM cũng cho rằng, bản thân bác sĩ tự xây dựng và có thương hiệu cho mình thì họ sẽ có cuộc sống ở mức trung lưu. Bác sĩ có tên tuổi họ mở phòng khám riêng và bệnh nhân đến khám.
Nếu cần các kỹ thuật mổ hay phải can thiệp sâu hơn họ lại đưa bệnh nhân của mình vào bệnh viện để thực hiện các kỹ thuật nên bệnh viện cũng chi trả cho họ mức thù lao cao hơn, kể cả bệnh viện công lập.
Còn các bác sĩ chưa có tên tuổi, chưa tự mình mở được phòng mạch do khả năng hoặc uy tín chưa đủ họ có thể liên kết với các bệnh viện tư nhân, phòng khám đa khoa tư nhân để làm việc.
Các bác sĩ này thường làm ngoài giờ hoặc làm vào ngày nghỉ nếu không phải trực. Thu nhập họ được chi trả theo buổi, có một số phòng khám trả bác sĩ tới 5 triệu đồng/buổi khám.
Tâm lý của người dân ở các tỉnh lại rất “sính” bác sĩ từ các thành phố lớn về nên các phòng khám đa khoa ở các tỉnh gần TP.HCM thường tranh thủ điều này mời các bác sĩ ở TP.HCM đã về hưu về khám hoặc mời các bác sĩ đang công tác tại các bệnh viện công về khám trong những ngày cuối tuần…
Tại TP.HCM một số bệnh viện trực thuộc thành phố hạng 1, hạng 2 chủ yếu là bệnh nhân khám BHYT, các kỹ thuật cũng là BHYT với điều kiện đó họ rất khó có một thu nhập cao nên các bác sĩ, nhân viên y tế ở đó thường có thu nhập thấp hơn các đồng nghiệp ở các bệnh viện lớn hơn.
Thủ tục xin làm việc ngoài giờ tại các cơ sở y tế rất dễ, chứ không có gì khó khăn. Các bệnh viện, cơ sở y tế đều tạo điều kiện cho bác sĩ, nhân viên y tế làm việc ngoài giờ để có thêm thu nhập.
Một bác sĩ làm việc tại Bệnh viện hạng 1 ở Hà Nội cũng cho biết ngày thường anh làm tại bệnh viện nhưng hai năm nay thu nhập giảm nên cuối tuần anh sắp xếp công việc về làm việc tại một bệnh viện tư nhân ở Bắc Ninh, mỗi tháng cho anh thêm khoản thu nhập gấp đôi lương bệnh viện trả. Nhờ đó, anh yên tâm đi làm không lo "cơm áo gạo tiền".
GS Nguyễn Gia Bình – nguyên trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết “thu nhập” thấp khiến nhiều bác sĩ trẻ vô cùng khó khăn. Thậm chí có bác sĩ làm việc tại khoa xin nghỉ để ra ngoài làm việc chỉ vì “em phải lấy vợ, lo cho gia đình nữa”. Đó là lý do chính đáng của họ.
GS Bình cho rằng dù làm thêm ở bất cứ đâu thì bác sĩ vẫn cần tuân thủ đúng luật, có báo cáo về nơi làm thêm vì ngành y khác với các ngành khác. Trong trường hợp xảy ra tai biến hay các các vấn đề gì liên quan về pháp lý thì bác sĩ sẽ được bảo vệ tốt hơn.
Bác sĩ đi làm thêm ngoài giờ vẫn có rất nhiều và thực tế có cả bác sĩ ngày đi làm tối đi bán hàng online, bán bất động sản… họ đều làm để tăng thu nhập lo cho gia đình và đây là cách họ yêu nghề hơn. Nếu bác sĩ thu nhập thấp mà làm việc vất vả, ăn nay, lo mai thì khó yêu nghề được.
K.Chi