Bắc Giang xây dựng là điểm đến hấp dẫn của khu vực Trung du và miền núi phía Bắc
Giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Bắc Giang phấn đấu xây dựng là điểm đến hấp dẫn của khu vực Trung du và miền núi phía Bắc.
Bắc Giang xây dựng là điểm đến hấp dẫn của khu vực Trung du và miền núi phía Bắc (ảnh minh hoạ) |
Đây là mục tiêu Nghị quyết số 112-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 vừa được ban hành.
Theo đó, nghị quyết nêu rõ đến năm 2025, Bắc Giang đặt mục tiêu hình thành, khai thác 05 không gian du lịch chủ yếu: Hà Nội - TP. Bắc Giang - Lục Ngạn - Sơn Động - Bãi Cháy và ngược lại; Không gian du lịch Tây Yên Tử, gắn với “Con đường hoằng dương phật pháp của các Phật tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử” (huyện Sơn Động, Lục Nam, Yên Dũng); Không gian du lịch cộng đồng gắn với vùng cây ăn quả và chè bản Ven (huyện Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế); Không gian du lịch, vui chơi giải trí, kinh tế ban đêm (thành phố Bắc Giang và huyện Việt Yên); Không gian du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí gắn với du lịch golf (huyện Yên Dũng, Lục Nam, Lục Ngạn) và một số huyện khác.
Tỉnh Bắc Giang cũng phấn đấu có 1 khu du lịch được công nhận khu du lịch cấp tỉnh, 20 điểm du lịch cộng đồng gắn với vùng cây ăn quả, sản phẩm nông nghiệp, nông thôn. Năm 2025, thu hút được 3 triệu lượt khách du lịch, tổng thu từ du lịch đạt 3.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho 6.000 lao động.
Định hướng đến năm 2030, phấn đấu cơ bản hoàn thành các tiêu chí 01 khu du lịch cấp quốc gia, 03 khu du lịch được công nhận khu du lịch cấp tỉnh, 25 điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Năm 2030, thu hút được 7,5 triệu lượt khách, tổng thu từ du lịch đạt 7.500 tỷ đồng, tạo việc làm cho 10.000 lao động.
Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh Bắc Giang đã đề ra 7 nhiệm vụ, giải pháp đó là: Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy vai trò của Nhân dân tích cực tham gia phát triển du lịch; Lập đề án, quy hoạch các khu du lịch, điểm du lịch trọng điểm có tiềm năng lớn nhưng chưa được quy hoạch; Xây dựng các sản phẩm du lịch chủ lực; Xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho phát triển du lịch; Huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển dịch vụ phục vụ du lịch; Tăng cường xúc tiến, quảng bá - liên kết phát triển du lịch; Nâng cao chất lượng nguồn lực du lịch.
Từ năm 2016 đến nay, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho 6 dự án phát triển du lịch trên địa bàn với tổng mức đầu tư trên 2.545 tỷ đồng gồm dự án Khu du lịch tâm linh-sinh thái Tây Yên Tử (1.486 tỷ đồng); dự án xây dựng Khách sạn Bắc Hà tại xã Song Khê, thành phố Bắc Giang (gần 40 tỷ đồng); dự án đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ Bắc Hà Yên Tử tại xã Tuấn Mậu, huyện Sơn Động (gần 36 tỷ đồng); dự án Khu nghỉ dưỡng Sun Resort thôn Hàm Long, xã Yên Lư, huyện Yên Dũng (40 tỷ đồng); dự án Khu sinh thái Khe Hang Dầu, xã Nham Sơn, huyện Yên Dũng (trên 497 tỷ đồng); dự án Khu tổ hợp khách sạn thông minh và Trung tâm thương mại dịch vụ đường Nguyễn Văn Cừ, thành phố Bắc Giang (450 tỷ đồng). Vốn đầu tư thực hiện của các dự án du lịch tại tỉnh Bắc Giang đến nay đạt khoảng 1.800 tỷ đồng.
Tuy nhiên, các dự án, loại hình dịch vụ du lịch chất lượng, các khu vui chơi giải trí, các trung tâm mua sắm phục vụ du lịch tại tỉnh Bắc Giang còn hạn chế. Bắc Giang chưa xây dựng được nhiều sản phẩm du lịch mang tính biểu trưng, độc đáo, hấp dẫn của tỉnh.
Tỉnh chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư có tiềm năng cho phát triển du lịch. Một số khu, điểm du lịch, công tác vệ sinh môi trường chưa đảm bảo. Hoạt động kinh doanh du lịch còn mang tính mùa vụ, chủ yếu phát triển loại hình du lịch văn hóa-tâm linh vào mùa lễ hội, số ngày lưu trú ngắn.
Trong 3 sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh, việc xây dựng, hình thành và đi vào đón khách loại hình sản phẩm “sinh thái-nghỉ dưỡng” còn chưa hiệu quả, nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là việc giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư loại hình này.
H. Anh