Bà Nguyễn Thị Hồng Vân: "Cần cơ chế người dân giám sát xả lũ thủy điện"
- Thưa bà, ngày 14/10 vừa qua, thủy điện Hố Hô (Hà Tĩnh) xả lũ. Nước thủy điện xả ra kết hợp với mưa lũ đã nhấn chìm nhiều nhà dân huyện Hương Khê. Ý kiến của bà về việc này thế nào?
Bà Nguyễn Thị Hồng Vân: Việc nhà máy Thủy điện Hố Hô thông báo xả lũ vào chiều tối 14/10 (lúc 16:00) và xả lũ sau khoảng 2 giờ là khoảng thời gian quá ngắn để từ thông báo tới tất cả chính quyền các xã, thôn và các gia đình tại huyện Hương Khê để sơ tán người và của cải.
Điều này cho thấy nhà máy Hố Hô đã không tuân thủ theo quy trình quan trắc đập và các yếu tố thủy văn xả lũ (Điều 5, nghị định Số: 34/2010/TT-BCT ) và thông báo xả lũ ít nhất 4 tiếng tới các cấp chính quyền ở hạ lưu trong điều kiện nguy cấp thay vì thông báo trước 1-2 giờ.
![]() |
Hình ảnh thủy điện Hố Hô xả lũ. (Ảnh: Trương Hoa) |
- Xung quanh việc xả lũ này, lãnh đạo Hà Tĩnh cho rằng đã không được thông báo trước thời gian xả lũ. Quan điểm của bà về việc này thế nào?
Việc lãnh đạo Hà Tĩnh không nhận được thông báo xả lũ của nhà máy Thủy điện Hố Hô cho thấy nhà máy không tuân thủ Phương án phòng chống lụt bão bảo đảm an toàn đập trong mùa lũ được quy định theo điều 12 ở Nghị định Số: 34/2010/TT-BCT.
Theo đó, trong suốt mùa lũ, chủ đập phải có quy chế phối hợp với tổ chức dự báo khí tượng thuỷ văn khu vực để có đầy đủ thông tin về bão lũ. Đồng thời, chủ đập phải thường xuyên duy trì liên lạc và thực hiện chế độ báo cáo theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn địa phương, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Bộ Công Thương.
Tuy nhiên, thủy điện Hố Hô đã bỏ qua quy trình xử lý thông tin, duy trì liên lạc và thực hiện chế độ báo cáo tới các bên liên quan theo quy định, dẫn tới việc chỉ thông báo cho chính quyền cấp huyện 1h45' trước khi xả lũ.
- Việc thủy điện bất ngờ xả lũ gây thiệt hại lớn cho người dân đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần nhưng vì sao vẫn xảy ra?
Từ các bài học xả lũ bất ngờ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tính mạng và tài sản của người dân sinh sống tại các vùng ở hạ du trong năm gần đây (thủy điện Phú Yên năm 2014, Hồ Vực Mấu tại Nghệ An năm 2013 và thủy điện Hố Hô năm nay ...) điều này cho thấy, các cơ quan quản lý đập thủy điện đã không tuân thủ quy trình xả lũ theo đúng quy định của Chính phủ, gây ra các hậu quả lớn về người và của trong thời gian qua.
- Vậy theo bà, cần phải làm thế nào để mỗi lần thủy điện xả lũ người dân ít bị ảnh hưởng nhất?
Để hạn chế các thiệt hại tới những người dân sinh sống ở hạ du và ảnh hưởng xấu đến môi trường, các nhà máy thủy điện khi xả lũ bắt buộc phải vận hành đúng quy trình theo quy định của Chính phủ và cần tạo ra cơ chế để người dân giám sát xả lũ thủy điện.
Bên cạnh đó, người dân cần được biết rõ quy trình vận hành và xả lũ của thủy điện, nhà máy thủy điện cần công khai quy trình vận hành hồ chứa hay cơ chế người dân giám sát xả lũ thủy điện.
Ngoài ra, các tỉnh có các công trình thủy điện tại địa bàn cần tập huấn và hướng dẫn kỹ năng ứng phó với lũ lụt cho người dân, rà soát và hoàn thiện hệ thống cảnh báo lũ ở những vùng thường xuyên ngập lụt và hạ du hàng năm trước các mùa mưa bão.
- Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi!