Ba năm bị phương Tây cấm vận, kinh tế Nga bị ảnh hưởng như thế nào?
Vào ngày 06/08/2014, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ban hành sắc lệnh cấm nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm các loại từ các nước Liên minh Châu Âu (EU), Canada, Úc và Na Uy, các quốc gia đã tham gia cấm vận đối với Nga. Điều này đã khiến giá thực phẩm ở Nga đã tăng lên trong một thời gian ngắn, song hiện tại giá đã bình ổn nhờ nguồn hàng trong nước cũng như của nước ngoài được nhập khẩu thay thế các mặt hàng bị cấm.
Nga tăng trưởng mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp trong 3 năm bị phương Tây cấm vận. |
“Chúng ta có thể thấy rõ sự tăng trưởng rõ rệt trong số lượng sản phẩm của ngành chế biến thực phẩm và ngành nông nghiệp, cụ thể là thịt và các sản phẩm làm từ sữa cũng như rau quả. Điều này đang giúp Nga có nguồn lương thực ổn định”, chuyên gia kinh tế Yevgeny Koshelev cho biết.
Ông Koshelev nói thêm, từ tháng 1 năm nay, năng suất trồng trọt các loại rau quả ở Nga đã đạt 507.000 tấn, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù vậy, mặc cho sự tăng trưởng rất nhanh, ngành nông nghiệp chiếm một phần rất nhỏ trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga khi nó chỉ vào khoảng 2,5 đến 4%.
“Nông nghiệp không thể là động cơ chính để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chúng ta cần các ngành khác phải có bước đột phá mà Nga đang rất cần”, nhà nghiên cứu kinh tế Yaroslav Lisovolik nhấn mạnh.
Sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp cũng mở ra cơ hội để Nga đa dạng hóa hơn nữa các mặt hàng xuất khẩu. Nga đã đẩy mạnh xuất khẩu các loại hạt trong thời gian gần đây, và lợi nhuận thu về từ sản phẩm này còn lớn hơn nhiều loại khí tài quân sự Nga bán ra thế giới.
“Nga có tất cả mọi thứ mình cần để trở thành một trong những nhà cung cấp lương thực hàng đầu thế giới”, chuyên gia người Nga Nikita Maslennikov cho biết.
Ông cũng nói thêm rằng Nga đang kiếm tìm thị trường mới tại khu vực Châu Á – Thái BÌnh Dương. “Châu Á là thị trường có tốc độ phát triển nhanh nhất hiện nay, vì vậy chúng ta phải đẩy mạnh xuất khẩu càng nhiều loại thực phẩm càng tốt, cụ thể là đậu nành, thịt gia cầm và thịt lợn”.
Nga hiện đang đàm phán với Trung Quốc về việc xuất khẩu thịt, lúa mạch và hướng dương, đồng thời đẩy mạnh cung cấp ngũ cốc cho nước này.
Mặc dù đã đạt được kết quả khả quan trong ba năm bị cấm vận, các chuyên gia nhấn mạnh rằng vấn đề cung cấp tài chính cho ngành nông nghiệp vẫn còn nhiều bất cập.
“Trong ngành nông nghiệp, thiên tai là một trong những vấn đề lớn nhất bởi nó sẽ ảnh hưởng đến khả năng gia tăng năng suất”, ông Maslennikov nói. “Ngân hàng Nông nghiệp Nga đang không đủ ngân sách để đảm bảo hỗ trợ cho các hộ nông nghiệp và đây là điều cần phải được khắc phục”.
Liên minh Châu Âu và Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế lên Nga vào năm 2014 do những cáo buộc có liên quan đến xung đột ở Ukraine cũng như bán đảo Crimiea, và từ đó đến nay đã nhiều lần kéo dài lệnh này.
Đáp lại, Nga áp dụng lệnh cấm nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm như thịt, cá, hoa quả và rau từ các nước đã thực thi lệnh cấm đối với Nga. Hiện lệnh này sẽ có hiệu lực ít nhất là cho đến cuối năm 2017.