Ba Lan, Hà Lan tung “vũ khí truyền thông” thách thức Nga
Theo hãng tin Russia Today, ý tưởng này được đưa ra sau khi Thượng nghị sỹ Mỹ John McCain nhấn mạnh tuyên truyền là chìa khóa để “chiến thắng trong cuộc chiến tranh lạnh” với Nga.
Trường quay của Russia Today. Ảnh: Ria Novosti. |
Hãng tin Hà Lan – Ba Lan này sẽ cung cấp dịch vụ truyền hình, đài phát thanh và các nội dung trực tuyến bằng tiếng Nga ở nước Nga và các nước Đông Âu. Theo kế hoạch, cơ quan này sẽ bắt đầu làm việc trong năm tới. Hà Lan và Ba Lan hy vọng các quốc gia EU khác cũng sẽ tham gia.
Dự án sẽ “cung cấp các công cụ và khả năng ngôn ngữ Nga cũng như các phương tiện truyền thông xã hội Nga để làm việc trên cơ sở các thông tin khách quan … với nhiều quan điểm khác nhau được trao đổi”, Bert Koenders – Ngoại trưởng Hà Lan cho biết. Koenders cho biết thêm dự án nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ các ngoại trưởng EU.
Hãng tin mới này “sẽ không sử dụng ngôn ngữ tuyên truyền hay gây hấn mà sử dụng các thông tin sự thật, đáng tin cậy”, Ngoại trưởng Ba Lan, Grzegorz Schetyna nói. Theo ông Schetyna, một hội nghị các nhà tài trợ dự kiến sẽ được tổ chức ở Warsaw vào tháng Chín tới với hy vọng sẽ gây quỹ vào cuối năm nay.
Ý tưởng tạo ra một cơ quan thông tấn tiếng Nga bắt nguồn từ một quỹ nghiên cứu của Hà Lan về phản tuyên truyền của Quỹ vì Dân chủ châu Âu (EED). EED được thành lập năm 2012 nhằm hỗ trợ các hoạt động dân chủ và các tổ chức ở Đông Âu. Năm 2014, EED quyết định mở rộng vào Nga.
Trong khi đó tại Mỹ, Thượng nghị sỹ John McCain đã một lần nữa kêu gọi Washington và Ủy ban Phát thanh truyền hình Mỹ mở rộng tiếp cận cộng đồng của mình nhằm ngăn chặn thông điệp của Nga. Trong tháng Sáu, ông McCain kêu gọi một dự luật hỗ trợ 728 triệu USD cho BBG để thực hiện các chiến dịch truyền thông quốc tế, tăng thêm 15,4 triệu USD so với yêu cầu của ủy ban này nhằm mở rộng các chương trình truyền thông tiếng Nga và các dự án nội dung phương tiện truyền thông xã hội.
Thượng nghị sỹ John McCain nhấn mạnh rằng việc tiếp cận tin tức của Nga có thể bị ngăn chặn bởi các chương trình tuyên truyền, điều từng được thực hiện trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
“Một trong những yếu tố quan trọng để chiến thắng trong một cuộc chiến tranh lạnh mà không cần nổ bất cứ phát súng nào là … tuyên truyền – thông điệp, mạng xã hội”, ông McCain nói.
Bộ Ngoại giao Nga trước đó chỉ trích việc EU xem xét các sáng kiến “chiến tranh thông tin”, nhắm mục tiêu vào cái gọi là “hệ thống tuyên truyền của Nga”. Theo bộ này, hoạt động này có “mục đích rõ ràng là loại bỏ Nga khỏi lĩnh vực truyền thông quốc tế”.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo hãng tin Russia Today (RT). RT hiện có khoảng 1.000 chuyên gia truyền thông trên toàn thế giới. RT chuyên nắm bắt những câu chuyện và vấn đề thường bị các phương tiện truyền thông bỏ qua để tạo ra những tin tức ở một khía cạnh rất khác biệt.